Chiến thuật của ông Troussier có phù hợp với U23 Việt Nam?

25/03/2023 19:46 GMT+7 | Bóng đá Việt

Khác với thời HLV Park Hang Seo, HLV Phillippe Troussier đã cho U23 Việt Nam chuyển sang chơi cầm bóng và triển khai tấn công từ sân nhà.

Chiến thuật của ôngTroussier không phù hợp khi U23 Việt Nam gặp đối thủ "trên cơ"

Thời ông Park, các đội tuyển của Việt Nam luôn chơi phòng ngự phản công khi gặp các đội "cửa trên". Ông Park chú trọng phòng ngự chắc chắn bên cạnh việc chớp thời cơ phản công.

Ông Troussier có vẻ muốn xây dựng công thức thành công mới của riêng mình nên quyết định cho U23 Việt Nam chuyển sang lối chơi dựa trên khả năng cầm bóng và triển khai tấn công từ sân nhà.

Chúng ta đã áp dụng kiểu chơi này ở trận gặp U23 Iraq (đối thủ mạnh hơn) và thua 0-3. Ông Troussier dự định vẫn sẽ cho U23 Việt Nam đá kiểu này trước U23 UAE (cũng là đối thủ được đánh giá cao hơn chúng ta).

U23 Việt Nam thua U23 Iraq 0-3. Ảnh: VFF

U23 Việt Nam thua U23 Iraq 0-3. Ảnh: VFF

Chiến thuật nào cũng được miễn là nó mang lại hiệu quả cuối cùng. Nhưng vấn đề là HLV không thể cứ muốn làm mới lối chơi là làm mới ngay được. Việc ông ta cho đội bóng chơi với chiến thuật nào phải dựa vào phẩm chất kỹ thuật và năng lực chơi bóng của các cầu thủ mà HLV có trong tay xem liệu họ có đủ "trình" để chơi tốt kiểu ông ta muốn hay không.

Trận thua Iraq dù chỉ là thua giao hữu nhưng nó cũng giống như lời nhắc nhở rằng đa số cầu thủ U23 Việt Nam hiện tại không đủ khả năng đá tốt chiến thuật của ông Troussier khi chúng ta gặp đối thủ mạnh hơn.

Thực tế trận đấu cho chúng ta thấy điều đó. Tuy U23 Việt Nam cầm bóng nhiều hơn đối thủ (53%) nhưng thời lượng cầm bóng ấy gần như vô nghĩa vì các cầu thủ không chuyển hoá được ưu thế đó thành những pha triển khai tấn công sắc nét, không tạo ra được cơ hội dứt điểm nguy hiểm trong suốt cả trận đấu.

HLV Troussier còn nhiều việc phải làm với U23 Việt Nam. Ảnh: VFF

HLV Troussier còn nhiều việc phải làm với U23 Việt Nam. Ảnh: VFF

Muốn chơi kiểm soát bóng và áp đặt thế trận tốt thì đội bóng cần có những tiền vệ trung tâm có khả năng cầm bóng tốt, "chia bài", phân phối bóng thông minh, có ý đồ.

Nhưng ở trận gặp Iraq, cả hai tiền vệ trung tâm của U23 Việt Nam là Đức Việt và Công Đến đều không làm tốt nhiệm vụ phân phối bóng, không có những đường chuyền sắc nét cho bộ ba Văn Trường, Văn Khang, Thanh Nhàn ở phía trên.

Không những không thể triển khai tốt các đường bóng hướng lên phía trên, cầu thủ U23 Việt Nam còn mắc lỗi nặng trong chuyền và kiểm soát bóng, khiến đội nhà trả giá đắt.

Điển hình là Tuấn Tài chuyền ngang… cho đối thủ, khiến U23 Việt Nam bị phản công nhanh, dẫn tới việc Vũ Tiến Long phải phạm lỗi và nhận thẻ đỏ trực tiếp.

Ở bàn thua đầu tiên thì Công Đến để mất bóng bên phần sân U23 Iraq, dẫn tới tình huống U23 Việt Nam cũng bị phản công và lần này đến lượt Duy Cương phạm lỗi trong vòng cấm khiến chúng ta bị phạt đền.

Tất nhiên đây mới là trận đấu tập dượt đúng nghĩa đầu tiên của U23 Việt Nam dưới thời ông Troussier và Doha Cup chỉ là một giải giao hữu.

Nhưng nên nhớ rằng ngay cả dưới thời ông Park, với lứa cầu thủ đồng đều và tài năng hơn lứa U23 hiện tại, chúng ta cũng chưa bao giờ cho thấy có khả năng chơi kiểm soát bóng tốt khi gặp các đối thủ mạnh ở Châu lục.

Liệu ở trận gặp U23 UAE (cũng là đối thủ được đánh giá cao hơn U23 Việt Nam), tình hình có thể được cải thiện như ông Troussier hi vọng? Không ai dám chắc và chúng ta chỉ có thể chờ đợi các cầu thủ thể hiện mình ra sao sau thất bại trước Iraq.

Thời gian từ nay đến SEA Games 32 không còn nhiều. Các đối thủ của U23 Việt Nam ở khu vực có thể không mạnh như Iraq hay UAE nên U23 Việt Nam có thể sẽ chơi hiệu quả hơn nếu tiếp tục duy trì lối chơi kiểm soát bóng.

Nhưng ngay cả khi chúng ta làm được như vậy (chơi cầm bóng tốt ở SEA Games 32) thì đó mới là câu chuyện thành công ở Đông Nam Á.

Khi bước ra sân chơi tầm cỡ hơn, gặp đối thủ được đánh giá mạnh hơn, chiến thuật của ông Troussier có nguy cơ thất bại khá rõ ràng vì sự bất cập trong yếu tố con người. Khả năng cầm bóng, phẩm chất kỹ thuật và tư duy chơi bóng của cầu thủ Việt Nam hiện tại vẫn chưa đủ tốt để đá theo kiểu kiếm soát bóng mà ông Troussier muốn họ chơi.

Nên nhớ, mục tiêu quan trọng nhất của VFF khi kí hợp đồng với ông Troussier là kì vọng ông giúp tuyển Việt Nam giành quyền dự World Cup 2026, không phải dẫn dắt U23 Việt Nam giành HCV bóng đá nam ở SEA Games 32.


HT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm