Chiến thắng 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không' - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại

09/12/2022 16:07 GMT+7 | Văn hoá

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại” do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và Thành ủy Hà Nội phối hợp tổ chức sáng 9/12 tại Hà Nội.

Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dự và phát biểu chỉ đạo. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng. 

Cùng dự có các tướng lĩnh, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; các lãnh đạo các cơ quan Trung ương, địa phương; các lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và những nhân chứng lịch sử.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”- Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Tại hội thảo, Đại tướng Lương Cường nhấn mạnh: Cách đây tròn 50 năm, vào những ngày cuối tháng 12/1972, “pháo đài bay B-52”- biểu tượng sức mạnh của Không lực Hoa Kỳ bị đập tan trên bầu trời Hà Nội. Chiến thắng này buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh về nước; tạo nên bước ngoặt quan trọng để quân và dân ta đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã thể hiện khí phách anh hùng, bản lĩnh, trí tuệ, là bản hùng ca được viết bằng ý chí và sức mạnh của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, quyết chiến đấu vì thống nhất non sông, vì độc lập, tự do cho dân tộc. Thắng lợi này là minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình của Đảng và dự báo thiên tài của Bác Hồ: “Đế quốc Mỹ chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”- Đại tướng Lương Cường khẳng định.

Theo Ban tổ chức, hội thảo đã nhận được 130 báo cáo, tham luận của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương, thành phố Hà Nội, một số địa phương, cơ quan, đơn vị và các tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử, nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng nội dung cụ thể. Trong đó, nhiều tham luận đã luận giải và khẳng định tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương; sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành xuất sắc của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân chủng Phòng không - Không quân.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”- Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại - Ảnh 2.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, Anh hùng LLVT nhân dân, từng tham gia trận đánh Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972 phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Tại hội thảo, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó Tư lệnh về chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân, cho biết: Cuối tháng 10/1972, trong hội nghị rút kinh nghiệm của Bộ đội Tên lửa được tổ chức tại Sư đoàn Phòng không 361, gồm kíp trắc thủ, sĩ quan điều khiển, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng tên lửa, các trợ lý chủ chốt quân chủng, sư đoàn, trung đoàn, các kíp chiến đấu đã thảo luận, tranh luận theo đề dẫn của cơ quan tham mưu quân chủng rất sôi nổi, tâm huyết, có quyết tâm cao.

“Họ mang cả những tâm tư, tình cảm, những vướng mắc từ lâu để cùng nhau chia sẻ, giải quyết cách đánh B-52. Để rồi, trong chiến dịch, Bộ đội Tên lửa đã đánh 192 trận, tiêu diệt 36/81 máy bay các loại, trong đó có 29 máy bay B-52, chiếm 85,3% số máy bay B-52 bị tiêu diệt trong chiến dịch", Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt thảo luận.

Các đại biểu dự hội thảo cũng tham gia luận giải, nêu bật nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật chiến dịch phòng không, thể hiện bản lĩnh, tầm cao trí tuệ và sức mạnh Việt Nam; phân tích làm rõ tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử, đặc biệt là những vấn đề mới đặt ra đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Qua những phân tích trên, hội thảo khẳng định: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” đã giáng cho không quân Mỹ đòn thất bại nặng nề. Sau 12 ngày, đêm với 2 đợt chiến đấu, lực lượng phòng không - không quân cùng với quân và dân Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52.

Đòn đánh quyết định này buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi và thời cơ chiến lược đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Từ thắng lợi lịch sử này, nhiều bài học kinh nghiệm và bài học lịch sử về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, xây dựng thế trận, tổ chức lực lượng, về nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghệ thuật chiến dịch phòng không trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước... được đúc kết có giá trị lịch sử, hiện thực sâu sắc, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Hạnh Quỳnh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm