Giải 'Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội' lần 13-2020: Sự hội tụ và cộng hưởng của những tấm lòng 'vì tình yêu Hà Nội'

07/10/2020 16:55 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều ngày 7/10, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (Số 5 - Lý Thường Kiệt, Hà Nội), Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã tổ chức Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 13-2020.

Họa sĩ Văn Dương Thành: Từ nàng thơ đến 'cầu nối' 3 thế hệ hội họa Bùi Xuân Phái

Họa sĩ Văn Dương Thành: Từ nàng thơ đến 'cầu nối' 3 thế hệ hội họa Bùi Xuân Phái

Có người từng ví mối quan hệ của Bùi Xuân Phái với Văn Dương Thành cũng như Trịnh Công Sơn với Khánh Ly. Nếu Khánh Ly là “bóng hồng” trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn thì Văn Dương Thành là “nàng thơ” trong tranh Bùi Xuân Phái...

Dưới đây là báo cáo tổng kết mùa giải lần 13-2020. Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả:

***

Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 13 - 2020 là sự hội tụ và cộng hưởng của những tấm lòng "vì tình yêu Hà Nội" rộng khắp. Có những gương mặt gần gũi, thân quen, đã trở thành biểu tượng bao nhiêu năm nay về Hà Nội. Lại có cả những gương mặt mới mẻ, xuất hiện hết sức bất ngờ và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. 

I. Đề cử Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội

Qua 12 mùa giải, những gương mặt mang tính biểu tượng cho Hà Nội như Nguyễn Vinh Phúc, Tô Hoài, Phan Huy Lê, Quang Phùng, Nguyễn Thừa Hỷ... đã lần lượt được vinh danh trong Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội. Tại mùa giải năm nay, Hội đồng giám khảo quyết định hướng tới những nhân tố trẻ hơn, nhưng có bề dày cống hiến cho Hà Nội không hề thua kém, đặc biệt, nếu xét về mức độ lan tỏa thì có thể ví với sức ảnh hưởng của biểu tượng Phố Phái - Phái Phố. Đó chính nhạc sĩ "Hà Nội phố" Phú Quang.

Có lẽ hiếm có thủ đô nào trên thế giới lại có nhiều bài hát như thủ đô Hà Nội của chúng ta. Cái cách mỗi tác giả rung động để viết ra những cung bậc cảm xúc với Thủ đô của mình cũng hoàn toàn khác biệt nhau. Riêng Phú Quang thì sự rung động này có khác. Đó là việc anh cứ liên tục tuôn trào nỗi nhớ của mình thành một vệt các bài hát từ Em ơi! Hà Nội phố (phỏng thơ Phan Vũ) mùa Đông 1988 cho đến tận hôm nay. Cũng là nỗi nhớ, nhưng Phú Quang như đã từng thổ lộ, khi xa Hà Nội, anh nhớ quay quắt, nhớ thường trực, nhớ ngày, nhớ đêm. Đấy là một tình cảm riêng tư của anh với Hà Nội. Một tình cảm chân thành mà ta cần ghi nhận.

Trong vệt bài hát, Phú Quang ngoài việc tự thổ lộ nỗi nhớ của mình, cái đáng kể là anh rất giỏi biến nỗi nhớ của nhiều nhà thơ về Hà Nội trở thành nỗi nhớ của mình. Giỏi đến nỗi khi anh chọn bài thơ nào, thì bài thơ đó qua cung bậc nhớ của anh, nó đã hóa thân một cách tự nguyện vào bài hát và để rồi người ta nhớ đến nó chính là nhớ đến cái giai điệu hát nó lên. 

Trường ca Em ơi! Hà Nội phố của Phan Vũ là một ví dụ điển hình. Đó là một trường ca rất dài và rất hay của nghệ sĩ lang bạt suốt gần trọn thế kỷ sống và yêu đến tận cùng. Bắt được cái nhịp trì tục “ta còn em” của trường ca, Phú Quang đã chọn lọc một số câu thơ trong trường ca mà làm thành bài hát Em ơi! Hà Nội phố nổi tiếng khi anh rời xa Hà Nội vào Sài Gòn được một thời gian. 

Có người mê Phú Quang cứ quả quyết rằng sau Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, là phải nhớ tới Em ơi! Hà Nội phố. Một cực đoan dễ thương. Nhưng quả thật, Em ơi! Hà Nội phố đã làm nên thương hiệu Phú Quang. Và không biết có đúng không, từ đấy nhiều người mới biết đến tác giả thơ Phan Vũ, mặc dù ông đã viết trường ca này từ năm 1972. Đấy là cái lợi hại của âm nhạc. Tuy nhiên, nếu không có thơ Phan Vũ thì chẳng bao giờ có bài hát Em ơi! Hà Nội phố để ta biết đến nhạc sĩ Phú Quang. 

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Phú Quang. Ảnh: Huy Thông

Với nỗi nhớ Hà Nội theo kiểu riêng của mình, Phú Quang đã “chộp” rất “trúng” những bài thơ đồng điệu với nỗi nhớ kiểu riêng anh. Có thể kể ra lai láng những cung bậc nhớ ấy. Nào là Chiều hoang, Chiều phủ Tây Hồ phổ thơ Thái Thăng Long. Thái Thăng Long cũng là người Hà Nội “zin” và nỗi nhớ Hà Nội của anh thành thực như chính con người thi sĩ Thái Thăng Long. Phú Quang đã phả vào đấy cung bậc nhớ của mình thật hòa quyện để làm nên tác phẩm âm nhạc đầy ám ảnh. Cũng theo cách đó, phải kể đến Hà Nội ngày trở về (phỏng thơ Thanh Tùng), Nỗi nhớ mùa đông (thơ Thảo Phương). 

Còn một cách rất Phú Quang là cách thả rất bâng quơ như sương khói những cung bậc nhớ của mình vào những bài thơ có khi của người ở xa ghé thăm Hà Nội như trường hợp Im lặng đêm Hà Nội, Lang thang của Phạm Thị Ngọc Liên từ Sài Gòn đã thốt lên khi chạm vào Hà Nội. Có khi lại là một nén lại của chính người Hà Nội đứng chân qua năm tháng ở Hà Nội như Lãng đãng chiều đông Hà Nội mà Phú Quang phổ thơ Tạ Quốc Chương. Phú Quang nhớ Hà Nội, yêu Hà Nội thật quay quắt, thật đa chiều. Chính năng lượng nhớ này đã cho anh đủ sức vượt qua những rào cản của những bài thơ có thi pháp ấn tượng, tưởng chừng như không thể phổ nhạc được…

Nhớ và yêu Hà Nội đến thế, Phú Quang đã trở thành công dân tiêu biểu của Thủ đô từ vài năm trước. 

Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cũng chung một ý kiến với Hội đồng giám khảo giải thưởng rằng, đã đến lúc, phải có một ghi nhận gì đó với vệt bài hát của anh viết về Hà Nội, làm mưa, làm gió trên sàn diễn Nhà hát Lớn Hà Nội suốt bao nhiêu năm qua. 

Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội chưa bao giờ quên nhắc tới Phú Quang trong hầu hết các lần xét Giải thưởng Lớn, và bản thân nhạc sĩ cũng đã đồng hành với Giải thưởng này ngay từ khi mới thành lập với tư cách là một thành viên Hội đồng giám khảo. Không chỉ trong sáng tác, cuộc đời anh là một minh chứng cho thấy tình yêu Hà Nội "đau đáu" (chữ dùng của chính anh khi góp ý cho Quy chế Giải thưởng Bùi Xuân Phái năm 2008) đến nhường nào. 

Trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020 cho nhạc sĩ Phú Quang đúng dịp 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội là rất xứng đáng sau những tên tuổi gạo cội. 

Sinh năm 1949, anh trở thành người trẻ tuổi nhất trong Bảng vàng Giải thưởng Lớn. Hội đồng giám khảo tin tưởng rằng, đây sẽ là một sự khởi đầu tươi mới, để các năm tiếp theo, Bảng vàng Giải thưởng Lớn sẽ tiếp tục mở ra với những gương mặt đầy sung sức đang nỗ lực cống hiến cho Hà Nội.

Chú thích ảnh
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội (ngoài cùng bên phải), Nhà báo Vũ Việt Trang, Phó Tổng giám đốc TTXVN (ngoài cùng bên trái) trao Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội cho thân nhân của nhạc sĩ Phú Quang - Ảnh: Hòa Nguyễn

II. Đề cử Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội

1. Trẻ, và rất trẻ là Marko Nikolic, với tiểu thuyết Phố Nhà Thờ được tôn vinh ở hạng mục Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội 2020. Marko Nikolic sinh năm 1987 tại Serbia. Anh là thạc sĩ trong lĩnh vực giảng dạy, sử dụng được 4 ngoại ngữ: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Việt. Marko đã đặt chân tới hơn 70 quốc gia trên thế giới, năm 2014, anh đến Hà Nội và lựa chọn Việt Nam là quê hương thứ 2. Marko Nikolic viết sách từ năm 14 tuổi và đã từng ra mắt 2 cuốn sách tại châu Âu. Tiểu thuyết Phố Nhà Thờ là cuốn thứ 3, được viết bằng tiếng Việt do Nhã Nam xuất bản.

Tiểu thuyết Phố Nhà Thờ kể lại cuộc hành trình tìm lại bản thân mang tính tự khám phá và phản tỉnh của Nicolas - chàng trai quốc tịch Pháp tại Hà Nội sau cú sốc thất tình. Hơn 300 trang sách, dưới góc nhìn hài hước và tinh quái, tác giả Marko Nikolic đã tái hiện sinh động một Hà Nội rất đẹp, rất thơ nhưng cũng chứa đầy những góc khuất. 

Nằm trong số những tác phẩm viết về chủ đề Hà Nội, có lẽ nhiều người sẽ cho rằng, Phố Nhà Thờ đơn giản chỉ là cuốn cẩm nang du lịch hay nhật ký ăn chơi của một ông khách nước ngoài. Nhưng không, thông qua một câu chuyện tình yêu, Marko Nikolic đã soi chiếu những va chạm Đông Tây, biểu đạt “cái chất” Hà Nội riêng không ở đâu có. 

Dễ dàng nhận thấy, chất Hà Nội trong cuốn tiểu thuyết chính là bầu không gian văn hóa đậm đặc với các yếu tố thắng cảnh, ẩm thực và con người. Nhưng không đơn thuần dừng lại ở phản ánh, Marko Nikolic luôn đặt chúng trong tương quan so sánh, quá khứ - hiện tại, bản chất - sự biến chất, thực tế - truyền thông…

Có thể nói, trong tiểu thuyết Phố Nhà Thờ, Marko Nikolic không chỉ nhìn nhận Hà Nội dưới góc độ văn hóa mà còn khai thác sâu vào hiện thực, chỉ thẳng vào các vấn đề tồn đọng, những thói hư tật xấu vẫn đang diễn tiến hàng ngày. 

Nhưng dù cho thế nào, Nicolas cuối cùng vẫn tự nguyện chấp nhận thành phố đó, như cái cách anh chấp nhận chất vấn bản thân, sống chậm lại và nhìn ra xung quanh, bắt đầu hành trình “tái trường thành”. Và rồi càng khám phá nơi này, cả Nicolas hay Marko ngoài đời thật đều nhận ra, đằng sau sự lộn xộn, inh ỏi, vẫn còn đó bao mái ấm bình yên, những nét truyền thống đáng quý, dưới hiện thực ngổn ngang, bề bộn, người Hà Nội vẫn ăn ở tử tế, tôn trọng các giá trị tinh thần, luôn đối đãi với khách một cách niềm nở, chân thành.  

Quan trọng nhất, tại Phố Nhà Thờ, tình yêu đã xuất hiện, dội vào Nicolas một gáo nước lạnh, đẩy nhân vật vào chiều sâu nhận thức, phá vỡ vỏ bọc “ngộ nhận” trước đó của mình, làm anh thức tỉnh và biết nhìn đời theo những quan điểm mới.

Chú thích ảnh
Tiểu thuyết "Phố Nhà Thờ" của Marko Nikolic

2. Bên cạnh Phố Nhà Thờ của Marko Nikolic, Hội đồng giám khảo cũng đưa vào Danh sách đề cử chính thức cuốn Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu (2019) của nhà văn Trung Sỹ (tên thật là Xuân Tùng, sinh năm 1960). 

Vài năm trở lại đây, cái tên Trung Sỹ được bạn đọc biết đến nhiều qua tác phẩm thấm đẫm hồi ức chiến tranh Chuyện lính Tây Nam (2017), và mới nhất là tiểu thuyết chiến tranh Đội trinh sát và con chó Sara… Trong đó, Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu, được ví như một “bảo tàng” về một thời Hà Nội chưa xa, về thời chiến tranh, bao cấp và những ngày sơ tán về quê trong 2 thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, qua đó, giúp bạn đọc, đặc biệt là những bạn đọc trẻ tuổi, biết được cha ông ta đã sống như thế nào trong thời kỳ ấy.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn 'Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu' của Trung Sỹ

3. Tác phẩm thứ ba được đề cử Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội là một gương mặt quen thuộc: Nhà văn Uông Triều với Hà Nội dấu xưa, phố cũ. Cuốn sách là tập hợp các bài viết về những điều bình dị ở Hà Nội bằng sự trải nghiệm, chiêm nghiệm đầy lý thú, nó được xem là phần 2 của cuốn Hà Nội quán xá, phố phường (đã được đề cử Giải Bùi Xuân Phái 2019). 

Nếu như ở tác phẩm trước đó, Uông Triều đưa độc giả khám phá hàng quán, ẩm thực - những thứ hữu hình thì tới Hà Nội, dấu xưa, phố cũ, anh khai thác cả nét trừu tượng, vô hình trong vẻ đẹp thủ đô. Đặc trưng Hà Nội là sự tổng hòa từ hình ảnh, âm thanh, mùi vị và chỉ khi dùng cả thảy 5 giác quan, ta mới tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp đó. “Tôi là một người trẻ, tôi tiếp cận trực tiếp và cởi mở, không định kiến hoặc sợ hãi. Tôi không chủ trương hoa mỹ như Vũ Bằng hay Thạch Lam. Chủ trương của tôi là giản dị và mộc mạc, tôi muốn một lối riêng của mình” - Uông Triều quan niệm.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn 'Hà Nội, dấu xưa, phố cũ' của Uông Triều

III. Đề cử Giải việc làm - Vì tình yêu Hà Nội

Ở hạng mục này, có 3 đề cử được lựa chọn.

1. Trước hết là Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân do UBND quận Hoàn Kiếm triển khai với sự đồng hành của Hội Kiến trúc sư Hà Nội, và được các nghệ sĩ thực hiện. Địa điểm thực hiện là khu đất quanh một bức tường cũ, được quận Hoàn Kiếm xây dựng năm 1993 để bảo vệ hành lang bờ lở sông Hồng. Với những biến đổi theo thời gian, khu vực dọc bức tường ấy dần trở thành nơi tập kết rác của người dân địa phương, của những khu vực lân cận và cả chợ đầu mối Long Biên gần đó. Để rồi khi dự án Cải tạo bức tường bảo vệ hành lang bờ lở sông Hồng của quận Hoàn Kiếm khởi động, vấn đề quy hoạch, cải tạo lại không gian thuộc khu vực bãi rác Phúc Tân lập tức được đặt ra.

Vấn đề lớn nhất với họ khi ấy là thuyết phục người dân đồng thuận với dự án nghệ thuật này. Gần 100 hộ dân sống cạnh bãi rác được nghe các nghệ sĩ chia sẻ chi tiết và cụ thể nhất về công việc của mình và đã đồng tình ủng hộ. Đầu năm 2020, 16 tác phẩm nghệ thuật tại đây đã hoàn thành với chất liệu được sử dụng chính lượng rác thải tại chỗ được tái chế với những vỏ chai nhựa, thùng phi, vành lốp bánh xe máy, ông bô xả... sau quá trình lựa chọn, sàng lọc và làm sạch. Trong nhóm nghệ sĩ tham gia còn có 2 nghệ sĩ nước ngoài - George Burchett và  Diego Cortiza - cũng đều là gương mặt đã từng hoạt động tại Việt Nam lâu năm. 

Bởi thế, lần lượt 16 tác phẩm đã mọc lên với sự đa dạng đặc biệt về các thông điệp, suy tư, chiêm nghiệm của tác giả.

Chú thích ảnh
Tác phẩm Thành phố ven sông của nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm thuộc Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân

2. Việc làm vì tình yêu Hà Nội được đề cử tiếp theo là Nhóm nhân sĩ Hà Đông với việc dâng tặng lại sắc phong cho các làng xã ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành cả nước. 

Nhóm Nhân sĩ Hà Đông gồm nhiều tác giả, họa sĩ, nghệ sĩ tên tuổi cùng một số doanh nhân, như: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, NSƯT Chu Lượng, họa sĩ Hoàng A Sáng, tác giả Trịnh Hữu Sỹ, đạo diễn - nhà thơ Lương Tử Đức, nhà thơ Nguyễn Quyến, doanh nhân Lê Phương Trung, doanh nhân Đỗ Văn Hiểu - những gương mặt đã quen thân và sinh hoạt với nhau từ khá lâu. Mọi thứ diễn ra khá tự nhiên. Một ngày năm 2015, trong câu chuyện vui, các thành viên tình cờ nhắc tới những bản sắc phong cổ mà tác giả Trịnh Hữu Sỹ đang lưu giữ. Là người yêu văn hóa truyền thống, dù chưa có dịp hiểu cặn kẽ về chúng, ông Sỹ đã sớm có ý thức sưu tầm, góp nhặt các sắc phong vốn đang trôi nổi trên thị trường với suy nghĩ đơn giản: Đó là những cổ vật gắn với văn hóa Việt và không nên để chúng bị bán ra nước ngoài.

Sắc phong (thường làm từ giấy) là những “văn bản” cổ xuất hiện sớm nhất từ thế kỷ 15, được xác nhận bằng ấn triện của triều đình, có nội dung biểu thị sự tôn vinh một số nhân vật lịch sử tại các địa phương (thường là Thành hoàng làng). Nói cách khác, đó là “quyết định” từ nhà nước phong kiến cho phép mỗi địa phương chính thức tôn thờ những vị thần bản địa của mình.
“Khi còn nhỏ, vào ngày hội làng, tôi vẫn nhớ mãi cảnh các cụ trân trọng rước các đạo sắc phong từ hậu cung ra làm lễ và dâng hương” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói thêm - “Có nghĩa, đó là hiện vật mang tính biểu trưng cho truyền thống của cả một cộng đồng dân cư trong từng làng xã. Chúng tôi bảo nhau: Phải dịch nghĩa, tra xuất xứ, rồi tìm cách trả lại cho chính chủ thôi”.

Nhóm Nhân sĩ Hà Đông cho biết: Việc tìm trả lại những đạo sắc phong này không đơn giản như suy nghĩ ban đầu. Dù đã nhờ các chuyên gia Hán Nôm dịch nghĩa và tra cứu, rất nhiều làng, xã, tổng... được nhắc tới tại các sắc phong đã biến đổi về tên gọi hay địa chí theo thời gian, thậm chí gần như xa lạ trên thực tế. 

Chú thích ảnh
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (thứ 3 từ phải sang) cùng nhóm Nhân sĩ Hà Đông trong một lần dâng tặng lại sắc phong. Ảnh Đăng Huy

Ngoài nguồn sắc phong trong bộ sưu tập của tác giả Trịnh Hữu Sỹ, nhóm Nhân sĩ Hà Đông cũng chủ động tìm kiếm và sưu tập những đạo sắc phong đang trôi nổi trên thị trường để trao trả sau này. Thông qua bạn bè và mạng xã hội, họ đưa ra lời kêu gọi: Những ai lưu giữ các đạo sắc phong cổ, nếu có tấm lòng thì xin chuyển lại cho nhóm để trả về chính chủ. Trường hợp đã trót bỏ tiền ra để sở hữu, chủ nhân cũng có thể báo cho nhóm biết để tìm cách mua lại.

Vài năm qua, những lời kêu gọi ấy cũng đã phát huy hiệu quả bước đầu: Một số người tặng hoặc bán lại cho nhóm những đạo sắc phong từng có với mức giá hữu nghị. Để rồi, theo thời gian, tổng cộng số đạo sắc phong mà Nhân sĩ Hà Đông từng lưu giữ lên tới con số hơn 200.
Ngoài chuyện tự bỏ kinh phí, mỗi người trong nhóm Nhân sĩ Hà Đông đều có công việc riêng. Dù vậy, đều đặn, trong 5 năm kể từ 2015 đến nay, họ vẫn lần lượt tìm kiếm và dâng tặng lại khoảng 150 đạo sắc phong cho các địa phương, trong đó có trên 80 đạo sắc phong cho các đình, đền... tại Hà Nội. Có nơi may mắn nhận về cả chục đạo, và có nơi ít hơn, nhưng điểm chung của những lần trao trả ấy vẫn là sự hân hoan và xúc động đặc biệt từ cộng đồng.

Lần lượt Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Sơn Tây, Ứng Hòa.... gần như toàn bộ các địa phương quanh Hà Nội đều có những di tích được nhóm Nhân sĩ Hà Đông trao lại sắc phong. 

Hội đồng giám khảo đánh giá cao việc dâng tặng lại sắc phong cho các đình, đền… của nhóm Nhân sĩ Hà Đông. Đây là một hành động rất nghĩa hiệp của những “kẻ sĩ Bắc Hà”, thể hiện một thái độ tôn trọng rất sâu sắc đối với những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời có sức truyền cảm hứng lớn trong xã hội về những chuyện tử tế mà kẻ sĩ nên làm, cần làm. Hành trình dâng tặng lại sắc phong chính là hành trình lấy lại “căn cước văn hóa” cho xã, làng Hà Nội. Đúng như chia sẻ của “trưởng nhóm” - nhà văn Nguyễn Quang Thiều: “Có những người bạn quốc tế nói với tôi: Những đạo sắc phong của Việt Nam có giá trị và ý nghĩa không kém gì lịch sử phong thần của Hy Lạp. Điều này nên để các chuyên gia đánh giá. Còn với tôi, đó đơn giản là “file gốc”, là căn cước tạo nên bản sắc của một nền văn hóa Việt”.

3. Một việc làm “Vì tình yêu Hà Nội” tiếp theo được đánh giá cao là những nỗ lực xây dựng Hà Nội - Thành phố sáng tạo. Cuối tháng 10/2019, Hà Nội đã chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và các tầng lớp nhân dân Hà Nội, đặc biệt là lực lượng văn nghệ sĩ trong việc thúc đẩy các hoạt động sáng tạo trên nhiều lĩnh vực. Trong đó phải kể đến việc phát triển các không gian văn hóa sáng tạo hết sức phong phú, đa dạng, và hiệu quả cùng những tín hiệu tích cực trong việc xây dựng nền công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Những năm gần đây, Hà Nội triển khai rất nhiều chương trình, dự án lớn trong lĩnh vực sáng tạo thiết kế, phục vụ đời sống văn hóa của người dân. Điển hình như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; Không gian bích họa Phùng Hưng; Hợp tác xã Vụn Art (mái nhà của người khuyết tật thiết kế tranh ghép từ những mảnh vải vụn); dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam (hoạt động thiết kế sáng tạo đương đại, kết nối thủ công mỹ nghệ truyền thống); dự án trồng mới 1 triệu cây xanh; đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội; không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội… 

Đặc biệt không thể không kể đến Dự án Thành phố thông minh, một yếu tố cấu thành của Thành phố sáng tạo được khởi công cách đây gần 1 năm tại huyện Đông Anh. Đây là minh chứng cho thấy Hà Nội đã và đang nỗ lực không ngừng trong việc huy động, tập hợp, làm thức dậy những sáng tạo và cống hiến của người dân thành phố trong việc biến Hà Nội trở thành một đô thị truyền cảm hứng, đáng sống và xứng đáng là một Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á.

Chú thích ảnh
Cụm Hoàng thành Thăng Long, một trong những kiến trúc lâu đời tại Hà Nội

Việc Hà Nội được công nhận là Thành phố sáng tạo mới chỉ là sự khởi đầu. Làm gì và làm thế nào để khai thác và phát huy danh hiệu này cho sự phát triển Thủ đô mới là điều quan trọng nhất. Trong kế hoạch hành động mà Thủ đô triển khai thực hiện sau khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, thành phố Hà Nội đã cam kết thực hiện 3 dự án quan trọng: Thành lập Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội với mục tiêu ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế; Xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội nhằm cung cấp một nền tảng bền vững cho hoạt động sáng tạo; Dự án chuỗi chương trình truyền hình Tài năng sáng tạo Hà Nội gồm các chương trình truyền hình (talk show, game show và live show) được tổ chức với sự phối hợp của kênh truyền hình dành cho giới trẻ VTV6, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội và các báo điện tử tại Thủ đô, hướng tới mục tiêu tạo ra một sân chơi công bằng, hữu ích cho giới trẻ và cộng đồng nói chung trong tất cả các lĩnh vực có liên quan đến thiết kế sáng tạo.

Cùng với đó là 3 dự án cấp độ quốc tế gồm: Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội được tổ chức hằng năm, bao gồm một loạt sự kiện dành cho các chuyên gia trong ngành Thiết kế và quan hệ công chúng nhằm nêu bật những ý tưởng và sự đổi mới trong thiết kế sáng tạo tại Hà Nội và trên toàn cầu. Thứ hai là chương trình Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội nhằm hỗ trợ trao đổi kiến thức, tăng cường sự hợp tác giữa các thành phố Đông Nam Á. Và cuối cùng là hình thành Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ, do Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội thực hiện với sứ mệnh tìm ra những tài năng mới trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, từ đó cung cấp sự hỗ trợ cần thiết nhằm tạo cơ hội cho những người có tham vọng, có ý tưởng sáng tạo phục vụ thiết thực cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

IV. Đề cử Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội

1. Trước hết phải nói đến Ý tưởng thiết lập và thiết kế cột mốc Km0 tại Hồ Gươm, một mong mỏi được giới chuyên môn và những người yêu Hà Nội trông đợi từ hàng chục năm qua. Để rồi, được tổ chức vào tháng 7 vừa qua, cuộc thi thiết kế cột mốc Km0 chính là bước ngoặt để gỡ bỏ “nút thắt” trong câu chuyện này. Cuộc thi do UBND quận Hoàn Kiếm giao Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến sư Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ của Hội Mỹ thuật Việt Nam, diễn ra trong hơn 1 tháng và chọn được 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba cùng 2 giải Khuyến khích.

Thực tế, cột mốc Km0 là kiến trúc phổ biến tại nhiều thành phố trên thế giới. Tại Hà Nội, ý tưởng dựng cột mốc Km0 đã được đặt ra từ khá lâu.

 Sớm nhất, như chia sẻ của ông Cao Xuân Hưởng (nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN), trong một cuộc thi về quy hoạch không gian quanh Hồ Gươm vào giữa thập niên 1990, đồ án được giải của các chuyên gia trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã từng đề xuất dựng một cột mốc Km0 trong khuôn viên Nhà khách Chính phủ (phố Lê Thạch). Tiếp đó, vào dịp trước Đại lễ ngàn năm Thăng Long (năm 2010), một nhà nghiên cứu cũng đã gửi thư đề xuất ý tưởng này lên lãnh đạo Thành phố Hà Nội và nhận được sự hưởng ứng rộng rãi từ dư luận.

Chú thích ảnh
Phương án đoạt giải nhì của một sinh viên đến từ TP Đà Nẵng

Tuy nhiên, nếu xét tới những giá trị đặc thù và cả sự “nhạy cảm” đặc biệt của kiến trúc cũ tại Hồ Gươm, ý tưởng này luôn gắn kèm những bài toán khó. Chính bởi vậy, cột mốc Km0 tại Hồ Gươm vẫn “nằm chờ” trong nhiều năm. Tháng 5 vừa qua, lãnh đạo thành phố đã chính thức giao UBND quận Hoàn Kiếm triển khai hạng mục xây dựng cột mốc Km0 tại Hà Nội. Chỉ trong 1 tháng sau đó, cuộc thi lập tức được tổ chức, với cái đích nhằm tìm kiếm giải pháp thiết kế tốt nhất để triển khai xây dựng cột mốc Km0, đưa công trình này thành một biểu tượng văn hóa của Thủ đô, một điểm nhấn không gian, điểm đến du lịch hấp dẫn tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Điều đáng nói, thành phần Hội đồng giám khảo của cuộc thi này có đủ các chuyên gia đến từ các lĩnh vực kiến trúc, mỹ thuật, bảo tồn, lịch sử... - một sự cẩn trọng và khoa học cần thiết đối với một công trình vốn rất được đợi chờ.

Trong số này, phương án giành giải Nhất thuộc về nhóm tác giả Phạm Trung Hiếu, Phạm Thái Bình, Vũ Bình Minh, Phạm Huy Đông, Nguyễn Đăng Hải (ĐH Kiến trúc Hà Nội). Có tên Cổng ánh sáng, mốc Km0 được thiết kế chìm dưới mặt đất, và nằm tại vị trí trước quảng trường Lý Thái Tổ. Gắn với triết lý “trời tròn - đất vuông” truyền thống, thiết kế có hình dạng một tấm đồng hình vuông đúc nguyên khối với kích thước hơn 2 mét mỗi cạnh. Phần tâm điểm của hình vuông ấy là hình tròn lắp kính cường lực, từ đó tỏa đi các đường gờ rãnh bao quanh, với tổng số 62 gờ nổi và rãnh chìm để kết hợp cùng nó tạo ra con số 62 + 1 = 63 tỉnh, thành cả nước.

Như nhận xét từ giới chuyên môn, đây là phương án độc đáo, thể hiện tính bền vững, gần gũi và khả thi; có ngôn ngữ tạo hình hiện đại, tối giản nhưng tinh tế phù hợp với không gian xung quanh, tạo ra chiếu sáng phong phú để tăng thêm ý nghĩa và hiệu quả thị giác cho cột mốc.
Đã có những phương án thiết kế khả thi cho công trình cột mốc Km0, hy vọng rằng trong một tương lai không xa, Hà Nội sẽ có một điểm tham quan mới năng động, hiện đại, đầy ý nghĩa để không một du khách nào tới Hà Nội mà có thể bỏ qua. 

2. Ý tưởng “Vì tình yêu Hà Nội” thứ hai được ghi nhận là Kế hoạch “giải cứu” và phát huy giá trị bức tranh cổ động ở chợ Mơ tại một địa điểm khác, qua đó giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa việc bảo tồn và phát triển đô thị trong bối cảnh hiện đại. 

Tất cả được bắt đầu từ thời điểm gần cuối năm 2019, khi một số ngôi nhà gần chợ Mơ (ngã tư Bạch Mai - Minh Khai) bắt đầu được phá dỡ để mở rộng đường vành đai 2. Và dư luận liên tục nhắc tới 2 bức tranh cổ động nằm trên mặt tường chợ Mơ, vốn cũng thuộc phần diện tích đã được quy hoạch phá dỡ trong dự án.

Trong 2 bức tranh, một bức là tranh ghép gốm với hình ảnh một phụ nữ mặc áo dài như đang bay lên cạnh Tháp Rùa. Bức thứ hai là một phù điêu đắp nổi với các nhân vật được thể hiện tinh thần đoàn kết công - nông - trí. Tất cả đều được thực hiện bởi cố họa sĩ Trường Sinh - một chuyên gia về tranh cổ động - vào các năm 1981 và 1982, nghĩa là khoảng gần 40 năm trước đây.

Chú thích ảnh
Hoàn thành vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, hai bức tranh tường tại ngã tư Chợ Mơ, mặt phố Minh Khai giao với phố Bạch Mai, là công trình tranh hoành tráng hiếm hoi còn lại của Thủ đô. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Rất nhiều chuyên gia về điêu khắc và đô thị đã lập tức bày tỏ sự băn khoăn trước thực tế như đã nêu trên. Đó không chỉ là câu chuyện về cảm giác tiếc nuối trước sự mất đi của 2 bức tranh vốn là vật chứng của một giai đoạn lịch sử - cả về phong cách, chất liệu, ý tưởng và những cột mốc thời gian đi cùng.

Trong vô vàn những ý kiến chia sẻ về câu chuyện ấy, không ai có thể bỏ qua một cái tên: Martin Rama, Giám đốc Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ông chính là người từng giành giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2014 của báo Thể thao &Văn hóa với cuốn sách ảnh Hà Nội, một chốn rong chơi của mình.

“Chỉ trong một vài mét vuông, tranh tường của họa sĩ Trường Sinh cô đọng cả một giai đoạn quan trọng trong lịch sử thành phố” - ông nói - “Vì sự kính trọng dành cho thế hệ đi trước và những hy sinh mà họ đã phải chịu đựng, thành phố nên bảo vệ những gì thuộc về lý tưởng và lịch sử của nó”.

Những ý kiến của các chuyên gia và dư luận rồi cũng đi tới kết quả cuối cùng - khi vào tháng 11/2019, ngành quản lý văn hóa Hà Nội khẳng định: 2 bức tranh tường sẽ được di dời nguyên trạng ra khỏi khu vực giải tỏa, tiếp theo sẽ tính đến địa điểm đặt và trưng bày.

Vào khoảng tháng 2 năm nay, 2 bức tranh này được lên kế hoạch tháo dỡ. Trong khi bức tranh gốm được gia đình họa sĩ Trường Sinh đứng ra nhận và đưa về lưu giữ tại nhà riêng, thì bức tranh đắp vữa lại có những yêu cầu xử lý phức tạp hơn hẳn khi đã “dính chết” vào phần tường phía sau.

Trong bối cảnh ấy, ý tưởng của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn bỗng được quan tâm đặc biệt. Bức tranh sẽ được di dời tới đường Trần Nhật Duật, nằm tại vòng xoay phía chân dốc dẫn lên cầu Long Biên, kèm theo đó là việc khôi phục và tồn tại với vai trò mới - một tác phẩm nghệ thuật trong di sản đô thị chứ không chỉ là một bức tranh cổ động như ban đầu. 

Được nhiều chuyên gia tán thành, ý tưởng độc đáo ấy đã phần nào trở thành hiện thực: phần tường có bức tranh đắp vữa tại chợ Mơ đã được cắt rời, và hiện di dời tới vị trí này để chờ khôi phục. Đặc biệt, theo Nguyễn Thế Sơn, một phần bị vỡ của bức tranh (trong lúc tháo dỡ) nên được phục dựng với màu sắc khác, có thể là đen trắng, để kết nối với phần còn lại và tạo ra một phiên bản khác so với nguyên gốc. “Vết ghép nối ấy sẽ kể lại câu chuyện đã có với bức tranh đặc biệt này” - anh nói.

Theo nhận xét của họa sĩ này, trong những năm gần đây, một trục nghệ thuật đô thị và không gian công cộng đang dần hình thành tại đây, gắn với những nhịp vòm cầu cạn xe lửa dẫn ra cầu Long Biên. Đó là phố nghệ thuật Phùng Hưng và dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân đã hoàn thành, là kế hoạch đục thông các vòm cầu đá để làm không gian nghệ thuật mà Hà Nội đang triển khai. Cộng cùng sự xuất hiện của bức tranh cổ động và một phần con đường gốm sứ đang chạy ngang qua, trong tương lai, đó sẽ là một không gian đặc biệt của Hà Nội, nơi du khách có thể đi bộ hoặc đạp xe trên cầu Long Biên để ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật dành cho cộng đồng...

Chú thích ảnh

Ngọc Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm