Ông Jean Noel Poirier, cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam: Nét duyên khó cưỡng của Hà Nội

23/08/2018 09:15 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái

Chú thích ảnh

  (Thethaovanhoa.vn) - Trong khi nhiều người dân thủ đô đang mơ về “Paris hoa lệ", cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier - một người Paris “chính gốc” - lại đang dành sự trân trọng cho từng góc nhỏ và nếp sống của Hà Nội.

Kết thúc nhiệm kỳ đại sứ tại Việt Nam (2012 - 2016), ông Jean Noel Poirier, hay thường được gọi với cái tên thuần Việt là Lê Giáng Sinh, lại bắt đầu một cơ duyên mới với Hà Nội. Từ thời gian này, cựu đại sứ Pháp đang dành tâm huyết cho các dự án xúc tiến đầu tư nước ngoài tại Hà Nội, cùng với đó là ấp ủ những dự án phim về Hà Nội.

Trước đó, phim tài liệu đầu tay do ông cùng anh trai là đạo diễn Louis Marcel Poirier thực hiện mang tên Hà Nội của tôi - Mon Hanoi đã ra mắt thành công khán giả Việt Nam nhân dịp giải phóng Thủ đô tháng 10/2017.

Bộ phim do chính ông Jean Noel Poirier viết kịch bản, là cuộc hành trình dạo quanh khám phá những “bí mật nhỏ về Hà Nội”, với những góc nhìn độc đáo, tỉ mỉ về thủ đô “nhiều khiếm khuyết cùng vô số nét duyên” của một “người Việt Nam gốc nước ngoài”.

Chú thích ảnh
Cựu đại sứ Pháp Jean - Noel Poirier

Kiến trúc Hà Nội giống như trò ghép hình

Kiến trúc là đề tài ông Jean Noel Poirier đặc biệt quan tâm và dành phần lớn thời lượng trong phim. Cựu đại sứ Pháp quan sát kiến trúc Hà Nội một cách chi tiết và phát hiện không ít dấu ấn quê hương ông, khi thì rõ ràng trong những biệt thự cổ như “bước thẳng ra từ trang viết của Maupassant vào thế kỉ XIX”, lúc lại nằm kín đáo ở những ngôi nhà bình dị hơn mà dường như chỉ được phát hiện một cách tình cờ.

Không chỉvậy, ông còn thấy ở Hà Nội cả kiến trúc Trung Hoa, Nga… cùng lúc được “Việt hoá”, có những con ngõ hẹp nối với “khoảng không gian rộng đột nhiên mở ra” tạo cảm giác như đang ở Venise.

Cựu đại sứ Pháp đánh giá cao cách người Việt “ứng biến” với sự nhu cầu mở rộng không gian sinh hoạt, kinh doanh: những “chuồng cọp” ở các khu tập thể nơi mà căn hộ tầng 1 được cải tạo thành cửa hàng, những quán café tận dụng từ căn nhà cổ tạo nên một phong cách rất “vintage”. Cách người dân “chồng tầng” và “đua” ra đủ phía thậm chí còn được ông minh hoạ bằng kĩ xảo 3D.

Tất cả những quan sát ấy đưa đến kết luận thú vị: “Một thành phố hấp thụ ảnh hưởng của ngoại lai, gìn giữ và biến chúng thành của mình. Giống như trò ghép hình, Hà Nội là thành phố nơi mỗi người bổ sung vào đó một miếng ghép của mình. Mỗi miếng ghép phản ánh phần nào về hoàn cảnh sống cũng như thẩm mỹ của họ”.

Song tất nhiên, sự “lắp ghép” tự phát như vậy khó tránh khỏi việc phải hứng chịu những quan điểm trái chiều về sự lộn xộn. “Tôi hiểu quan điểm này. Tôi cũng biết nhiều người Hà Nội nhớ biệt thự cũ của Pháp, họ buồn vì nhà phố giờ trông lộn xộn. Nhưng tôi nhìn nó như cách người Việt trả lời cho nhu cầu, một sự sáng tạo rất thông minh. Đó là phong cách riêng của người Việt. Và kết quả thì ấn tượng và khá thú vị” - cựu đại sứ Pháp nhận định.

Chú thích ảnh
Một cảnh trong phim "Hà Nội của tôi"

Một cộng đồng gắn bó

Nói về kiến trúc thì quê hương của ông Jean Noel Poirier - thành phố Paris - có thể coi là ví dụ điển hình cho cách thức quy hoạch quy củ, phân khu và chuyên biệt hoá. Cuộc “cách mạng” kiến trúc ở Paris diễn ra vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước theo xu hướng hiện đại hoá, như lời ông Jean Noel Poirier.

Cụ thể, Paris đã thay thế nhiều khu nhà bình dân cũ để xây nhà cao tầng hiện đại hơn dành cho giới trung lưu, thượng lưu, hay những nhà hàng, khách sạn sang trọng phục vụ khách du lịch. Tầng lớp bình dân, công nhân “dạt” ra ngoại ô thành phố, các nhà xưởng cũng vậy. Khu vực trung tâm giờ đây chỉ chủ yếu phục vụ hoạt động du lịch, mức sống cũng vô cùng đắt đỏ.

“Tưởng tượng Hà Nội không còn hàng quán bình dân, vỉa hè, không còn những hoạt động bình dị trên các con phố. Điều đó đã xảy ra ở Paris”, ông nói. Đó là lý do ông Jean Noel Poirier đặc biệt thích đến những khu như Thành Công, nơi có các khu tập thể nằm lẫn giữa các căn nhà độc lập, nhà bình dân đứng cạnh “nhà giàu”.

Thế nhưng, như lời cựu đại sứ Pháp, sự phong phú trong đời sống của các tầng lớp dân cư tạo cho Hà Nội một nét duyên khó cưỡng trong lòng, là lý do hàng đầu để ông yêu và quyết định ở lại đây. Ông duy trì thói quen dạo phố và nhìn ngắm Hà Nội, thường là vào buổi sáng trước giờ làm việc hoặc giờ nghỉ trưa.

“Nhìn thấy hoạt động của người Hà Nội khiến tôi thấy vui lây. Những gánh hàng rong, những vỉa hè tấp nập người buôn bán, sinh hoạt, nấu cơm hay trông con… Đây là hình ảnh của một cộng đồng hoà hợp, gắn bó” - cựu đại sứ nói thêm - “Đó là lý do Hà Nội gợi tôi nhớ về một Paris của quá khứ”.

Thẳng thắn, trong phim Hà Nội của tôi - Mon Hanoi, ông Jean Noel Poirier cũng không ngần ngại đề cập đến 2 vấn đề Hà Nội đang phải đối mặt trong quá trình phát triển nhanh chóng: ô nhiễm và giao thông.

“Ô nhiễm là vấn đề đòi hỏi 1 chính sách dài hạn để thay đổi. Và với tình trạng hiện nay, tôi e là nó sẽ nghiêm trọng hơn”- cựu đại sứ Pháp quan ngại – "Còn giao thôngcó 2 vấn đề: cách lái xe và số lượng xe. Hà Nội cần sớm giải quyết những vấn đề ấy để tự hoàn thiện".

Các đề cử hạng mục giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội 2018

1. Tập thơ Ta còn em của nhà thơ Phan Vũ

2. Cuốn sách Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954 của tác giả Lê Văn Ba

3. Sách tranh về Hà Nội mang tên Lặng phố của họa sĩ Phạm Bình Chương và nhà văn Nhật Linh

3. Phim Hà Nội của tôi (Mon Hanoi) của cựu Đại sứ Pháp tại Hà Nội Jean - Noel Poirier.

Lễ trao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 11 năm 2018 dự kiến diễn ra vào ngày thứ Tư, 29/8/2018 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Hà My

Sách tranh 'Lặng phố': Một 'Bùi Xuân Phái' giữa phố cổ Hà Nội thời nay

Sách tranh 'Lặng phố': Một 'Bùi Xuân Phái' giữa phố cổ Hà Nội thời nay

"Lặng phố" - tác phẩm nghệ thuật giới hạn số lượng bản in về Hà Nội - ra mắt công chúng vào tháng 2/2018 là sự kết hợp giữa họa sỹ 7x Phạm Bình Chương và nữ nhà văn 9x Lê Nguyễn Nhật Linh.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm