Hiện thực hóa giấc mơ 'Hà Nội quay mặt ra sông'

11/10/2021 08:38 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái

Chú thích ảnh

(Thethaovanhoa.vn) - Trong suốt năm 2021, những thông tin về bản Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng luôn nhận về sự quan tâm của hàng triệu người dân Thủ đô, khi nó gắn với câu chuyện đã được bàn tới trong hàng chục năm qua: Đưa Hà Nội thoát cảnh “ngoảnh mặt” với sông Hồng.

Công bố đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 14 - 2021

Công bố đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 14 - 2021

Ngày 29/9/2021, Hội đồng giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14 - 2021 đã họp phiên thứ 2 và thông qua 11 đề cử cho 4 hạng mục giải thưởng.

Cụ thể, vào tháng 3, Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện đồ án có tỷ lệ 1/5.000 này. Và theo tiến độ, cuối năm nay, đồ án sẽ được trình lên Bộ Xây dựng để lấy ý kiến thông qua.

Một thế kỷ “ngoảnh mặt” với sông Hồng

Khá trùng hợp, thời điểm đồ án này dự kiến ra đời cũng là tròn 1 thế kỷ kể từ năm 1920 - giai đoạn đê sông Hồng tại Hà Nội được người Pháp tôn tạo và nâng cao. Trong suốt những năm trước đó, con đê Cơ Xá cũ (được đắp từ thời Lý) có nền khá thấp, khiến sông Hồng chưa ngăn cách với thành phố như bây giờ.

Như những tư liệu hình ảnh để lại, trong giai đoạn ấy, phố xá tại Hà Nội, đặc biệt là khu phố cổ, vẫn hướng ra những bãi sông Hồng thoáng đãng, thậm chí có khá nhiều bến chợ làm địa điểm giao thương. Bù lại, tất nhiên, nạn ngập lụt từ sông Hồng luôn đe dọa thành phố, mà cao điểm là mực nước dâng lên tới 13 mét trong trận lụt lịch sử năm 1915.

Chú thích ảnh
Khu vực ven sông Hồng sẽ trở thành đô thị hiện đại và giàu bản sắc theo tinh thần của bản quy hoạch mới

Để rồi, theo các số liệu cũ, tường đê sông Hồng khi ấy tại Hà Nội được tu bổ và xây cao lên tới 14,6 mét, kèm theo vài cửa khẩu được mở để dân trong và ngoài bãi qua lại (sẽ bịt kín khi có lũ). Kể từ thời điểm này, lũ lụt bớt đe dọa Hà Nội, nhưng đoạn đê được tôn cao cũng trở thành rào chắn ngăn cách thành phố với mặt sông Hồng.

Rồi theo thời gian, đặc biệt là từ giai đoạn 1954, sự tăng trưởng của cư dân Hà Nội, cũng như những hạn chế về điều kiện phát triển đô thị khi ấy, đã dần biến khu vực này trở thành nơi pha trộn của những khu tập thể cũ, cảng sông, kho xưởng nhà máy, nơi thoát nước thải đô thị và đặc biệt, là những cụm nhà ở tự phát theo kiểu “vệt dầu loang” của người nghèo. Từ “mặt tiền” - dù ở dạng manh nha - trong quá khứ, sông Hồng dần trở thành “sân sau” của cư dân ngoài bãi, với đủ loại rác thải, bãi phế liệu, bụi rậm... gắn kèm những đoạn phố lầy lội trong mùa mưa và ngập bụi trong ngày nắng.

Sự lỡ nhịp mà lịch sử và cả những hạn chế về kinh nghiệm quản lý đô thị để lại cho Hà Nội càng khiến người ta tiếc nuối khi nhớ về nhận xét của De Castries qua câu chuyện ngoài lề trong quá trình bị thẩm vấn sau trận Điện Biên Phủ năm 1954. Khi ấy, vị tướng người Pháp ấy khen sông Hồng quá đẹp và thắc mắc rằng tại sao Hà Nội lại quay lưng với nó mà không biến bãi giữa sông Hồng thành một công viên lớn, nơi có thể tổ chức một trường đua ngựa cũng như những không gian sinh thái cho cộng đồng...

Những kế hoạch dang dở

Thực tế, ý tưởng giúp Hà Nội “quay mặt ra sông” cũng đã được nhắc tới nhiều trong quá khứ, khi người dân Thủ đô hiếm có dịp thấy con sông chảy qua thành phố, không được tận hưởng cảnh quan thiên nhiên, khí hậu trong lành hay những hoạt động kinh tế, văn hóa đa dạng xuất phát từ con sông đã là cửa ngõ giao thương của thành phố trong lịch sử. Thế nhưng, phải tới giai đoạn mở cửa sau Đổi mới, chúng ta mới dần có điều kiện nghĩ tới ý tưởng này một cách nghiêm túc và bài bản.

Chú thích ảnh
Bản quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được chờ đợi từ lâu

Cụ thể, đến giờ, nhiều người vẫn nhắc năm 1995, thời điểm một số nhà đầu tư nước ngoài đề xuất quy hoạch một khu đô thị sát sông Hồng thuộc khu Yên Phụ, An Dương, để làm cột mốc cho ý tưởng “quay mặt ra sông” của một Hà Nội thời hiện đại. Dù không thành hiện thực, bước đi ấy cũng tạo cảm hứng để nhiều chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sau đó lần lượt đưa ra những ý tưởng về phát triển đô thị tại một khu vực - hoặc toàn bộ - phần diện tích Hà Nội gắn với bờ sông trong những đồ án của mình.

Có điều, những đồ án ấy đều ít nhiều được chỉ ra nhược điểm, mà chủ yếu vẫn là những phức tạp trong việc xác định hành lang thoát lũ và điều kiện thủy văn 2 bên sông, cũng như những tranh luận trong việc khai thác quỹ đất ngoài đê để tạo nguồn kinh phí.

Để rồi, khi những công trình thủy điện thượng nguồn được xây dựng khiến mức lũ ở sông Hồng được giảm thiểu và trở nên ổn định, ý tưởng quy hoạch khu đô thị sông Hồng càng trở nên cấp thiết. Đặc biệt, khi Hà Nội mở rộng và dần phát triển ở khu vực các huyện phía Bắc như Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, sông Hồng đã thật sự trở thành trục sông chảy qua trung tâm Hà Nội, thay vì bao lấy rìa thành phố như 100 năm trước.

Gần nhất, vào năm 2009, một đồ án quy hoạch sông Hồng khá công phu và chi tiết đã được đề xuất bởi các chuyên gia Hàn Quốc. Dù được dư luận quan tâm, nhược điểm của bản quy hoạch này sau đó cũng được chỉ rõ: Quá “tham” phát triển các cao ốc bên sông, thậm chí đề xuất thu hẹp lòng sông ở một số khu vực mà coi nhẹ đặc điểm thủy văn của sông Hồng.

Giấc mơ sắp thành hiện thực

Trở lại với bản quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang chuẩn bị phê duyệt. Gắn với đoạn sông Hồng dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, đồ án quy hoạch bao phủ diện tích 11.000ha; thuộc 55 phường, xã và 13 quận, huyện; dân số tính toán theo quy hoạch từ 280.000 đến 320.000 người. Tinh thần của bản quy hoạch gắn với việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị 2 bên sông Hồng.

Điểm nổi bật ở đồ án này là ý tưởng làm trong sạch môi trường đô thị, dám dành tới 70% diện tích tại khu vực này chỉ để phục vụ cho các công trình trồng cây xanh và tạo không gian công cộng - điều rất khác so với những ý tưởng từng được nhắc tới trước đây. Nói cách khác, như lời nhiều chuyên gia, đây là bản quy hoạch thực sự hướng tới cộng đồng người dân Hà Nội, thay vì quá chạy theo mục đích kinh tế với những khu đô thị có thể “mọc lên như nấm” ở quỹ đất trống bây giờ.

Với người Hà Nội, bản quy hoạch ấy không chỉ đáp ứng được giấc mơ về một đô thị hiện đại và giàu bản sắc bên sông Hồng. Xa hơn, nó còn là nguyện vọng đã được nhen lên quá lâu, từ những người dân vẫn hàng ngày chứng kiến những gì đang bị bỏ phí bên con sông lớn nhất trong thành phố. Dù từ quy hoạch đến thực tiễn còn là một chặng đường dài, nhưng chúng ta đã có thể yên tâm hơn về một Hà Nội lấy sông Hồng làm trung tâm, với các yếu tố xanh, sạch, đẹp và dành cho tất cả mọi người.

ĐỀ CỬ GIẢI Ý TƯỞNG - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI

1. Dự án Tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu - Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo.

2. Ý tưởng xây dựng cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh.

3. Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

4. Ý tưởng Biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo cho Hà Nội.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm