Tóm tắt Giải thưởng

"Giải thưởng được thành lập theo sáng kiến của gia đình Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những Tác giả , Tác phẩm , Ý tưởng , Việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội "

Xem tiếp

Đề cử giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội: Phận người qua những song xưa

10:01:00 18/08/2014

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Trong năm vừa qua, cuốn sách Song xưa phố cũ, tác phẩm kết tinh 15 năm lặn lội, đo ngắm, ghi chép của Trần Hậu Yên Thế đã đem lại làn gió mới trong nghiên cứu lịch sử mỹ thuật, kiến trúc Hà Nội.

Cuốn sách vừa mang giá trị khảo cứu, tư liệu, vừa là “món quà” với những người làm kiến trúc đô thị. Với những giá trị đặc biệt, riêng có, Song xưa phố cũ của Trần Hậu Yên Thế là một trong những đề cử nặng ký của hạng mục Tác phẩm trong Giải Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội lần 7- 2014.

Thể thao & Văn hóa xin gửi tới quý độc giả bài viết tự sự của tác giả Trần Hậu Yên Thế về quá trình ngược xuôi nghiên cứu phố cũ, song xưa.          

1. Nếu lấy thời điểm công bố bài viết giới thiệu nghệ thuật sắt uốn Hà Nội trên Tạp chí Sinh viên số 47 tháng 10/1999 thì đến nay tròn 15 năm, nhưng tôi phải lòng sắt thép có lẽ từ 35 năm trước. Đó là những ngày thơ bé, tôi đứng trên chiếc tàu điện chợ Mơ qua phố Bạch Mai, phố Huế, Hàng Bài lên Bờ Hồ, qua ô cửa tàu điện trên đường từ nhà lên Cung Thiếu nhi học vẽ, ngắm phố cũ song xưa trong tiếng leng keng.

Trong hội thảo về cuốn sách Song xưa phố cũ tại L’Espace ngày 18/7/2014 vừa qua có tên Hà Nội sau những hàng mi thép được lấy cảm hứng từ bài báo trong số Tết năm 2005 của báo Thể thao & Văn hóa: Những “bờ mi thép” Hà thành. Đúng là đã đi đến bờ mi thì độ yêu cũng đã hơi si rồi. Mà khi đã si thì không còn tỉnh cho lắm, nhưng thật lòng Hà Nội đẹp một phần cũng nhờ những hàng mi thép ấy.


Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế

Trong cuốn sách của tôi với cái dòng chữ nhỏ Những ghi chép bên lề, tôi muốn kiếm tìm những khuôn mặt ẩn sau những sắt thép đầy si mê đó. Đây là một công việc thực sự khó khăn với thế hệ 7X khi tiền nhân đã khuất núi, mang theo những câu chuyện về quá trình du nhập và chế tác sắt thép trang trí kiến trúc Hà Nội. Việc tìm kiếm này là quá sức với một đứa trẻ lớn lên ở một khu tập thể, quá xa lạ với những khu phố cổ, phố Tây. Đây cũng là lý do khi mở sách ra bạn sẽ thấy dòng chữ in nghiêng: Dâng tặng những con người tài hoa đất Thăng Long - Kẻ chợ.

2. Có một câu hỏi quan trọng nữa, may sao vẫn chưa quá muộn: Ai là chủ nhân của ngôi nhà này?

Bởi dù những nghệ nhân có tài hoa đến mấy mà không gặp người lịch lãm cũng hoài công. Những con người hào hoa mà cuốn sách dâng tặng ấy chính là chủ nhà, họ cũng đáng được lưu danh và xứng đáng được lưu danh trên một ý nghĩa lịch sử khác. Có một sự thật cần được khắc ghi và tôn vinh. Đó là cụ bà Lý Thị Liên ở số 38 phố Cao Bá Quát, một trong những người mà tôi ghi tên trong phần cảm tạ. Gia đình bà đã hiến villa cho chính quyền để làm văn phòng công sở mà nay là Vụ Mỹ thuật & Nhiếp ảnh. Trong câu chuyện của bà Lý lúc tiếng Pháp, lúc tiếng Việt, ngộ nhất là tên đường tên phố, Hà Nội của bà dường như vẫn như thưở trước 1945.

Hay ở Hà Nội, rất nhiều thế hệ cha anh của chúng ta lớn lên từ những nhà trẻ là những ngôi nhà Tây vô cùng đẹp đẽ và sáng sủa. Những ngôi nhà ấy được các gia đình nhượng cho chính quyền vì một tương lai tươi sáng của dân tộc. Qua câu chuyện với cụ bà Nguyễn Thị Minh Yến, thì được biết số nhà 14 Phan Huy Ích với bao buổi trình diễn nghệ thuật hiện nay, từng có một thời gian dài là nhà trẻ…


Bìa sách Song xưa phố cũ

Trong rất nhiều cuốn sách viết về vẻ đẹp kiến trúc Hà Nội, người ta thường nhắc đến ngôi nhà số 59 phố Nguyễn Du. Nhưng ít thấy sách nào ghi rằng đây là ngôi nhà mà ông Vi Văn Định đã hiến cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngôi nhà này năm 1944 đã in dấu chiếc xe hoa của đôi trai tài gái sắc là bác sỹ Tôn Thất Tùng và giai nhân Vi Nguyệt Hồ. Có thể các họa sĩ kiến trúc sư tài danh của Trường Mỹ thuật Đông Dương cũng là chỗ thân quen với gia đình họ Vi, là bạn hữu của các ông Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di đã thiết kế nên ngôi nhà này. Theo lời của ông Phan Vi Long, cháu ngoại cụ Vi Văn Định thì ngôi nhà này hàng rào là hoa sắt chứ không phải tường gạch như bây giờ. Ngôi nhà như thế sẽ thanh thoát và thoáng đãng hơn nhiều.

3. Cuốn sách chắc chắn là một cuốn vựng tập các kiểu mẫu hoa sắt mà các người thợ nhôm sắt cảm thấy hữu dụng. Đứng về ý nghĩa học thuật chuyên ngành, những kiểu thức trang trí mang dấu ấn tiếp biến văn hóa Đông Tây cũng như áo dài Cát Tường, tranh sơn dầu Tô Ngọc Vân, tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, thơ tình Xuân Diệu đều là khuôn vàng thước ngọc một thời không dễ gì có lại.

Bởi thế trong Lời kết có viết: “Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có trưng bày cánh cổng chùa Phổ Minh (Nam Định). Cánh cửa được chạm nổi hình ảnh những con rồng tuyệt đẹp. Cánh cửa lọt vào mắt xanh của họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Cung. Cánh cửa gỗ một ngôi chùa Việt đã vinh dự hiện diện trong một bảo tàng mỹ thuật quốc gia và trong nhiều cuốn sách về lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Nhìn ra thế giới những lan can, vòm mái của ga tàu điện ngầm Paris cũng  có một chỗ đứng đàng hoàng trong lịch sử nghệ thuật Pháp nói riêng và lịch sử mỹ thuật thế giới nói chung.

Điều đó đã đặt cho tôi một câu hỏi tại sao khi nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam hiện đại chúng ta thường bỏ qua mỹ thuật ứng dụng, trang trí kiến trúc và cụ thể là những cánh cửa hoa sắt”.

Trong Hội thảo bản sắc văn hóa Hà Nội trong văn học nghệ thuật thế kỷ 20, bài viết Ban công Hà Nội di sản những tầm nhìn đã không được in vào trong sách Kỷ yếu. Người Hà Nội biết đến và tự hào về tranh Bùi Xuân Phái nhưng cũng cần biết rằng: Nhà trong tranh Phái thấp bé, cũ kỹ, ít cửa sổ. Nhưng sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng gia đình bố ông Phái có một căn nhà Tây với ô cửa sổ cực lớn với hàng chắn song cực đẹp. Và sẽ ngạc nhiên hơn khi biết, ông và gia đình đã sống trong một căn phòng đa năng chừng 20m2 cho đến cuối đời.

Cuốn sách thâu nhặt từ mấy chục năm tích góp, âu cũng là có công mài sắt có ngày nên kim. Với tôi, một chút nhỏ mọn ở thời buổi thích hoành tráng này mà vẫn được công chúng để mắt thì thật vô cùng may mắn.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội ra đời từ  năm 2008 do báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) và Quỹ Bùi Xuân Phái tổ chức. Đây là giải thưởng thường niên, được trao vào dịp kỷ niệm ngày sinh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái, cho những tác giả, tác  phẩm, công trình, hoạt động, ý tưởng có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội, thấm đượm một tình yêu Hà Nội, có tác động xã hội rộng rãi, được công chúng công nhận, ủng hộ.

Ở hạng mục giải Tác phẩm năm nay có các đề cử: sách Song xưa phố cũ của Trần Hậu Yên Thế, sách Hà Nội một chốn rong chơi của Martin Rama và cuốn sách Bát phố của Bảo Sinh.

Lễ trao giải sẽ diễn ra vào 9h30 ngày 28/8/2014 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

Trần Hậu Yên Thế
Thể thao & Văn hóa

Tin mới

Tin đã đăng

Ý kiến bạn đọc

Gửi bình luận của bạn

gửi ý kiến(Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)

  • (*)
  • (*)
  • (*)