Tóm tắt Giải thưởng

"Giải thưởng được thành lập theo sáng kiến của gia đình Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những Tác giả , Tác phẩm , Ý tưởng , Việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội "

Xem tiếp

Hà Nội sẽ đẹp hơn với tượng Văn Cao

13:37:00 20/08/2016

(Thethaovanhoa.vn) - Đơn giản nhưng giàu ý nghĩa, đề xuất của nhà sử học Dương Trung Quốc về việc dựng tượng Văn Cao gần quảng trường 19/8 đã được dư luận liên tục nhắc đến trong tháng 7 vừa qua.

>>> Chuyên trang giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội

Đó là thời điểm gia đình nhạc sĩ Văn Cao chính thức hiến tặng bản Tiến quân ca cho Quốc hội - cơ quan từng chính thức chọn ca khúc này làm Quốc ca chính thức trong quá khứ. Nhưng, với nhà sử học Dương Trung Quốc, đề xuất này còn đến từ một sự kiện lịch sử khác, từ ngày 19/8/1945...

Âm vang "Tiến quân ca"

Trong ngày lịch sử ấy, như các tư liệu ghi lại, cố nhạc sĩ Văn Cao tạm dừng công việc cầm súng diệt ác trừ gian mà Cách mạng giao cho. Ông trở lại đúng với vai trò người nghệ sĩ, khi đứng tại thềm Nhà hát Lớn, bắt nhịp cho quần chúng cùng hát vang bài Tiến quân ca, do chính mình sáng tác gần 1 năm trước đó. Như chia sẻ của các nhà nghiên cứu, hình ảnh nhạc sĩ – chiến sĩ ấy mang những nét rất riêng của một Hà Nội văn hiến, trong mùa thu 1945.


Nhà sử học Dương Trung Quốc

“Cũng cần nói thêm, bản Tiến quân ca đã được Hồ Chủ tịch chọn làm Quốc ca Việt Nam tại Hội nghị Tân Trào ít ngày trước. Nhưng, trong buổi chiều 19/8, việc bài hát ấy vang lên từ biển người giữa lòng Hà Nội vẫn mang ý nghĩa như một biểu trưng đặc biệt, khi dòng thác  Cách mạng đạt tới cao trào” – nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét.

Và đề xuất của ông Quốc khá đơn giản: để đánh dấu sự kiện lịch sử ấy, một bức tượng bán thân của cố nhạc sĩ Văn Cao cần được đặt ở vườn hoa Cổ Tân, chếch bên tay phải của khu vực thềm Nhà hát Lớn. Kèm theo đó, tại vườn hoa 19/8 (chếch bên trái Nhà hát Lớn), một phù điêu hoặc tượng đài, cách điệu hình lá cờ đỏ sao vàng, cũng sẽ được dựng lên.

Nhà sử học giải thích: “Quốc kỳ, quốc ca của chúng ta đều xuất hiện chính thức tại Hà Nội trong không gian lịch sử ấy. Và, đó cũng là những biểu trưng đặc biệt để thôi thúc nhân dân Hà Nội đứng lên làm chủ vận mệnh của mình trong ngày Cách mạng”.

Thực chất nhà sử học Dương Trung Quốc đã nhắc tới ý tưởng này từ cách đây 3 năm, tại một cuộc tọa đàm do Hà Nội tổ chức về thiết kế quảng trường 19/8. Theo lời kể, trong những cuộc gặp gỡ trước đó, các nhân chứng còn lại của ngày Cách mạng 19/8/1945 luôn chia sẻ với ông một băn khoăn: cùng với quảng trường Ba Đình, khu vực này là một trong hai không gian lịch sử tiêu biểu nhất của Hà Nội thời hiện đại. Vậy nhưng, ngoài cái tên gọi được định danh, quảng trường 19/8 vẫn chưa có những biểu trưng xứng tầm.

"Hiện tại, nơi này chỉ có một tấm biển được gắn kèm, giới thiệu về sự kiện 19/8. Nhưng, mỗi lần Nhà hát Lớn có chương trình biểu diễn, ô tô đỗ san sát phía trước và khó ai chú ý tới tấm biển này" – ông kể.


Vườn hoa Cổ Tân, địa điểm đề xuất đặt tượng Văn Cao

Chỉ chờ một sự đồng thuận

Không gian hẹp, nhưng những biểu trưng bằng ngôn ngữ nghệ thuật sẽ trở thành điểm nhấn, đưa quảng trường 19/8 gắn liền với hình ảnh của quốc ca và quốc kỳ. Từ ông Quốc, ý tưởng ấy nhanh chóng được dư luận đồng tình và chia sẻ.

Như lời của các chuyên gia về quy hoạch, điểm độc đáo ở ý tưởng này là việc "nhìn" ra 2 vị trí đắc địa quanh Nhà hát Lớn: các vườn hoa Cổ Tân và 19/8. Khi quy hoạch Hà Nội đầu thế kỷ XX, người Pháp đã áp dụng nguyên tắc của phương Tây tại khu trung tâm này, với các đường phố giao nhau ở những quảng trường như hình ngôi sao nhiều cánh. Và, những quảng trường, vườn hoa nhỏ ấy, là địa điểm rất thích hợp để đặt những bức tượng bán thân gần gũi, hài hòa với cây xanh cũng như cộng đồng.

Ông Quốc nói: "Bản thân người Pháp cũng đã có những bức tượng như vậy ngay tại Hà Nội, mà điển hình là tượng Louis Pasteur tại vườn hoa cùng tên cuối phố Trần Thánh Tông. Những bức tượng này không hề phá vỡ bố cục chung, nhưng lại khiến không gian nơi đây giàu thêm về ý nghĩa văn hóa, lịch sử...".

Tâm đắc với ý tưởng đơn giản nhưng giàu ý nghĩa để tôn vinh tác giả Quốc ca Việt Nam, cũng như tôn vinh một không gian lịch sử đặc thù của Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: ông sẵn sàng cùng Hội sử học Việt Nam đứng ra kêu gọi cộng đồng góp sức thực hiện bức tượng này. Tất cả đã sẵn sàng, chỉ chờ một sự đồng thuận...

Danh sách đề cử giải Ý tưởng của giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 9 - 2016 (dự kiến lễ trao giải sẽ diễn ra vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 tới).

- Ý tưởng đặt tượng bán thân nhạc sĩ Văn Cao tại Vườn hoa Cổ Tân của nhà sử học Dương Trung Quốc.

-  Ý tưởng tổ chức Phố Sách Hà Nội của Sở TT&TT Hà Nội và một số đơn vị xuất bản ở Thủ đô.

- Chủ trương phát triển không gian xanh của TP Hà Nội với chương trình 1 triệu cây xanh và kế hoạch trong 5 năm tới xây 25 công viên với 5 công viên đạt tiêu chuẩn quốc tế...

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Ý kiến bạn đọc

Gửi bình luận của bạn

gửi ý kiến(Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)

  • (*)
  • (*)
  • (*)