Tóm tắt Giải thưởng

"Giải thưởng được thành lập theo sáng kiến của gia đình Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những Tác giả , Tác phẩm , Ý tưởng , Việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội "

Xem tiếp

Ra mắt bức tranh thêu khổng lồ Cội xưa

13:36:00 18/08/2010

(TT&VH) - Hôm nay (18/8), tại Sở TT&TT Hà Nội, Hội Truyền thông TP.Hà Nội, Công ty TNHH Thủ công Mỹ nghệ Cội xưa đã tổ chức họp báo giới thiệu chương trình triển lãm bức tranh thêu Cội xưa của họa sĩ trẻ Phạm Thị Hoài cùng cộng sự.

Hiện bức tranh thêu khổng lồ, tiêu tốn hàng tỷ đồng này đã được nối bo hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trước khi tranh được trưng bày ra mắt công chúng vào tối 25/8 tới tại Cung Văn hóa Hữu nghị HN, một vấn đề lớn mà nhóm tác giả gặp phải là chưa biết kiếm đâu ra tiền để đóng khung cho tranh...

Đầu đã xuôi

Tính đến thời điểm này, bức tranh Cội xưa “tiêu tốn” gần 180m2 vải len Ý và khoảng 600kg chỉ thêu các loại, cùng với khoảng 60.000 ngày công lao động của hơn 100 nghệ nhân lão luyện. Bức tranh hoàn thành có trọng lượng khoảng 1,5 tấn và diện tích phần tranh chính là 170,5 m2. Tổng chi phí (chủ yếu là trả công cho các tay thêu) theo như Hoài cho biết đến nay đã hơn 2 tỷ đồng.

Bức tranh có kích thước 5,5 x 31m, được trình bày dưới dạng “đơn tuyến huỳnh đồ”, với 3 phần chứa đựng những nội dung ý nghĩa sâu sắc về lịch sử miền đất cố đô Hoa Lư trong sự liên hệ mật thiết với Thăng Long.


Một phần trong tổng thể bức tranh thêu Cội xưa rộng hơn 170 m2
Phần một, môt tả sự ra đời của nhà nước tập quyền đầu tiên của người Việt, thể hiện bằng hình ảnh đôi câu đối: Cồ Việt quốc đương Tống khai bảo/ Hoa Lư đô thị Hán Tràng An (tạm dịch: Nước Ðại Cồ Việt sánh ngang niên hiệu Khai Bảo của nhà Tống. Kinh đô Hoa Lư như kinh đô Tràng An của nhà Hán). Ẩn dưới đôi câu đối là hoa văn chìm, với hình ảnh cậu bé Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận.

Phần hai của bức tranh thể hiện phong cảnh của cố đô Hoa Lư qua các dấu tích lịch sử và con người. Toàn bộ các họa tiết thể hiện trong bức tranh đều được lấy từ các bản khắc dưới chân cột đá đền Đinh (hậu cung) cách đây hơn 300 năm. Hình ảnh cầu Đông, cầu Dền, cột Nhất trụ, tháp Báo Ân... tạo gạch nối giữa cố đô Hoa Lư với Thăng Long- Hà Nội. Khi Lý Công Uẩn lên ngôi được 4 tháng, ông đã ra “Thiên đô Chiếu”, thực hiện dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long và mang theo những cái tên này ra miền đất mới.

Xung quanh hai ngôi đền là những hoạt động của người dân miền cố đô như kéo lưới, gánh củi... gợi lên một đời sống thanh bình diễn ra hằng ngày của miền đất cố đô Hoa Lư.


Phần 3 của bức tranh thể hiện lại “Thiên đô Chiếu”, dấu tích tạo nên bước ngoặt lịch sử của dân tộc, quyết định sáng suốt của vị vua anh minh Lý Thái Tổ, đặt nền móng cho Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Nhiều lúc, chúng tôi thấy mình kiệt sức

Có thể coi bức tranh thêu Cội xưa là một công trình nghệ thuật tâm huyết và... tốn kém của một họa sĩ trẻ (Phạm Thị Hoài, sinh năm 1984, tốt nghiệp Khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương, nay là Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương - PV) đam mê và nhiều duyên nợ với đề tài lịch sử - để chào mừng sự kiện 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.


Phạm Thị Hoài, tác giả bức tranh thêu Cội xưa
Bức tranh Cội xưa về cơ bản đảm bảo được các giá trị về mặt mỹ thuật, lịch sử và văn hóa, đồng thời thể hiện được lòng nhiệt thành của những người nghệ nhân trong làng nghề cổ có hơn 700 năm tuổi. Hà Nội cần có kế hoạch cho việc trưng bày tác phẩm này trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc.
Nghệ nhân thêu Đinh Thị Nguyên, kỹ thuật trưởng tâm sự: “Khi mới bắt tay vào làm, mỗi ngày chúng tôi chỉ thêu được 8cm2 thêu đặc nền chứ không phải thêu rỗng. Thành công nhất của bức tranh thêu trước tiên là chúng tôi đã phối màu thành công bằng việc pha trộn màu chỉ thêu chứ không phải nhuộm. Thú thực, ban đầu tôi nghĩ với đà này sẽ thất bại “toàn tập” nhưng chính tôi cũng bất ngờ vì đã vượt qua khối công việc khổng lồ. Nhiều lúc, chúng tôi thấy mình kiệt sức, thấy mệt mỏi dù vừa được trả công cao vừa được làm nghề mình thích. Nhưng vì yêu nghề, quý cái tâm huyết của người “vẽ ra việc” nên đã thêu đến cùng”.

Sau khi bức tranh thêu được vận chuyển từ Ninh Bình ra Hà Nội hồi tháng 7 để các chuyên gia đến góp ý, chỉnh sửa nhân của bức tranh đã phải tìm “nhà trọ” cho tranh.

Cuối cùng, may mắn đã đến khi bức tranh được “tá túc miễn phí” tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận Hoàng Mai. Nhưng vì trung tâm không đủ rộng để cho các nghệ nhân nối bo ngoài cho tranh nên các nghệ nhân lại phải nhờ sân Trường THCS Đền Lừ 2 để thực hiện công đoạn này. Mặc dù rất muốn giúp đỡ các nghệ nhân, nhưng BGH trường cũng chỉ cho “mượn” sân trường được 1 ngày vì theo lịch, hôm 16/8 các em học sinh sẽ bắt đầu năm học mới.


Thuê khoảng 100 người căng tranh lên sân khấu

 
Giải thưởng Bùi Xuân Phái 2010

Giải thưởng được thành lập từ năm 2008 theo sáng kiến của gia đình Bùi Xuân Phái và báo TT&VH nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hằng năm cho những tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị cao, gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội, thấm đượm một tình yêu Hà Nội và có tác động xã hội sâu sắc, được dư luận hưởng ứng.

Năm 2008, Giải đã trao 5 Tặng thưởng cho các tác phẩm, dự án; năm 2009, đã trao Giải thưởng Lớn cho Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc và các giải Tác phẩm, Ý tưởng, Việc làm. Năm nay, Giải thưởng sẽ được trao vào ngày 31/8 tới và được đưa vào một trong những hoạt động chào mừng 1.000 năm Thăng Long.

Tuy nhiên, cái vướng nhất hiện nay là làm cách nào để căng khung cho bức tranh thêu nặng 1,5 tấn lại là chất liệu mềm chứ không giống như tranh vẽ trên toan bằng sơn dầu Hà Nội chiến lũy và hoa của tác giả Nguyễn Doãn Sơn (Tặng thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2008 do báo TT&VH tổ chức).


Về vấn đề này, Phạm Thị Hoài cho biết: “Chúng tôi dự định làm khung bằng sắt cho tranh nhưng để làm được cái khung này chúng tôi đang gặp khó khăn về kinh phí. Tôi cũng đã đi “khảo giá” và người ta “hét” tới vài trăm triệu thì quả thật... (lắc đầu).

Vậy nên, trong buổi ra mắt công chúng Thủ đô vào ngày 25/8 tới đây tại Cung Văn hóa Hữu nghị HN, giải pháp ban đầu chúng tôi thống nhất đưa ra là thuê khoảng 100 người căng tranh lên giáo sân khấu. Sau đó chúng tôi sẽ tìm Mạnh Thường Quân tài trợ cho bức tranh này được lên khung hoàn chỉnh, kịp trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội như đã dự kiến".



Huy Thông

Chính thức ra mắt bức tranh thêu khổng lồ Cội xưa

Như TTVH đã đưa tin, tối 25/8, tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Cội Xưa (Ninh Bình) đã chính thức ra mắt công chúng Thủ đô bức tranh thêu khổ lớn mang tên “Cội Xưa”.

Đây là một tác phẩm nghệ thuật và cũng là món quà ý nghĩa của những người con đất cố đô dành tặng Thủ đô nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Cần phải nhắc lại là để có được món quà dâng lên đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, hơn 100 nghệ nhân đã mất 60 ngàn ngày công (chính xác là từ ngày 10/8/2009-20/8/2010) miệt mài bên khung thêu. Sau khi hoàn thành, bức tranh có kích thước 31m x 5,5m (diện tích trên 170 m2), nặng khoảng 1,5 tấn (chưa kể khung) được trình bày dưới dạng “đơn tuyến huỳnh đồ”. “

Cội Xưa” được trưng bày tại Cung Văn hóa Hữu nghị đến ngày 29/8.




Ý kiến bạn đọc

Gửi bình luận của bạn

gửi ý kiến(Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)

  • (*)
  • (*)
  • (*)