KTS Hoàng Thúc Hào: Cần có Bảo tàng Hồ Gươm và 'hệ sinh thái văn hóa' cho Hà Nội

09/08/2018 07:30 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái

Chú thích ảnh

  (Thethaovanhoa.vn) - Thấm đượm tình yêu, gắn bó với Hà Nội, KTS Hoàng Thúc Hào luôn đau đáu cải tạo Hà Nội, đưa ra những ý tưởng bảo vệ nét đẹp truyền thống ngàn năm. Mới đây, anh tiếp tục đưa ra ý tưởng xây dựng Bảo tàng Hồ Gươm và "hệ sinh thái văn hóa" cho Thủ đô.

Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trò chuyện với KTS Hoàng Thúc Hào.

* Có ý kiến cho rằng không gian Hồ Gươm tự thân nó đã là một bảo tàng. Vậy lý do để anh nảy ra ý tưởng cần phải có Bảo tàng Hồ Gươm là gì?

- Hồ Gươm được coi là một trong những biểu tượng văn hóa và lịch sử của Thủ đô Hà Nội nói riêng và là trái tim của đất nước Việt Nam nói chung. Hình ảnh Hồ Gươm là minh chứng cho một giai thoại lịch sử hào hùng của đất nước với tên gọi Hồ Gươm (hay Hồ Hoàn Kiếm) xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu cho Rùa thần. Hồ gắn với huyền sử, là biểu tượng khát khao hòa bình (trả gươm cầm bút), đức văn tài võ trị của dân tộc (thanh kiếm thiêng nơi đáy hồ và tháp bút viết lên trời xanh).

Ngoài ra, hồ còn là nơi chứa đựng đa dạng không chỉ về sinh học, mà còn về văn hóa cũng như kiến trúc, gắn bó và ghi dấu với cuộc sống và tâm tư của nhiều người dân. Vì vậy, việc xây dựng Bảo tàng Hồ Gươm để bảo tồn, duy trì và phát huy những giá trị cốt lõi của nó là một việc xứng đáng, cần làm.

Chú thích ảnh
KTS Hoàng Thúc Hào nói về những ý tưởng anh tâm huyết dành cho Hà Nội

* Tuy nhiên, không gian ở khu vực hồ Gươm lại khá chật hẹp và hạn chế. Vì vậy, việc tìm kiếm quỹ đất để xây dựng bảo tàng gần như là không có. Giải pháp của anh là gì?

- Trục đường Lê Thái Tổ ven Hồ Gươm là nơi có tượng đài vua Lê Thái Tổ với hình ảnh trả gươm cho Rùa thần. Vậy nhưng trục cảnh quan ở khu tượng đài cũng khá nhỏ và hẹp với phần tượng đài vua Lê nằm khuất ở phía trong. Vì vậy, tuy rằng là hình ảnh biểu tượng gắn liền với sự tích Hồ Gươm mang giá trị lịch sử cao nhưng khu vực tượng đài lại chưa thu hút được nhiều sự chú ý của người dân địa phương cũng như khách tham quan.

Bên cạnh khu tượng đài là một trụ sở ngân hàng - một dãy nhà hai tầng với lối kiến trúc Pháp cổ mang giá trị về mặt kiến trúc cũng như biểu hiện, là yếu tố có thể tận dụng và khai thác được.

Giải pháp của tôi đưa ra là tận dụng tòa nhà với lối kiến trúc Pháp cổ này, cải tạo thành Bảo tàng Hồ Gươm bao bọc và gắn liền với khuôn viên tượng đài vua Lê tạo thành một quần thể chặt chẽ về mặt ý nghĩa lịch sử cũng như văn hóa.

Đây là một giải pháp cải tạo vừa tránh mất quỹ đất, vừa không mất công xây dựng quá nhiều gây ảnh hưởng tới hình thái đô thị và cảnh quan chung của khu vực nhưng vẫn đem lại được hiệu quả về cảnh quan đô thị cũng như tôn vinh giá trị khu vực. Kết nối khu vực quảng trường tượng đài vua Lê Thái Tổ và Bảo tàng Hồ Gươm với phần cảnh quan cây xanh ven hồ Gươm tạo thành chuỗi không gian xanh liên hợp, là địa điểm tham quan mang đậm tính văn hóa lịch sử khu vực, giúp thu hút người dân và khách du lịch.

* Nếu giải pháp của anh thành hiện thực thì anh nghĩ sẽ trưng bày những gì trong Bảo tàng Hồ Gươm?

- Bảo tàng Hồ Gươm không cần quá cầu kỳ, hoa mỹ. Đó chỉ cần là một bảo tàng nhỏ, lưu giữ lại những hiện vật, những mẩu chuyện, những câu hát, những tư liệu đặc biệt về địa danh này. Chỉ vậy thôi, nó đã tạo nên một nét cuốn hút đặc trưng cho nơi đây. Tôi cũng đã trao đổi với chính quyền thành phố về những ý tưởng này và thật tuyệt vời nếu nó trở thành hiện thực...

Chú thích ảnh
Phối cảnh phương án Bảo tàng Hồ Gươm của KTS Hoàng Thúc Hào

* Vậy còn ý tưởng xây dựng các “ổ” văn hóa cho Thủ đô? Anh có thể giải thích rõ hơn?

- Sông Hồng - khu vực có ý nghĩa văn hoá lịch sử đối với dân tộc, đã trở thành một biểu tượng quen thuộc với mỗi người dân Việt, gắn với biết bao những nhân vật lịch sử oai hùng, nhiều làng nghề truyền thống được phát triển dọc hai bên bờ sông, tiêu biểu như Bát Tràng.

Tôi cho rằng, hai bờ sông Hồng trong tương lai sẽ bắt buộc phải quy hoạch để giải toả bớt căng thẳng đối với mật độ lớn của trung tâm đô thị, nối ra sân bay, đường vành đai hay cao tốc... Xung quanh khu vực đó sẽ là những toà chung cư đắt nhất với cảnh quan thu hút, và tiện nghi thoải mái. Nó sẽ là một điểm thu hút mạnh đối với các nhà đầu tư lớn tham gia vào "chiến trường" này. Số đất nếu như được quy hoạch và dọn dẹp là một con số khổng lồ lên tới hàng nghìn héc-ta. Nếu như sử dụng nó với mục đích kinh doanh thương mại, những “ông lớn” sẽ bắt đầu nhảy vào là lẽ dĩ nhiên, không gian văn hoá dành cho người dân sẽ trở nên rất ít, những công trình văn hoá sẽ chỉ có thể xuất hiện đan xen.

Theo tôi, việc quan trọng nhất của Hà Nội phải làm, luôn phải làm là tôn vinh con người. Hà Nội là nơi tinh hoa hội tụ, chỉ khi con người được tôn vinh thì lúc ấy quốc gia mới có thể vững mạnh, có thêm nhiều nhân tài góp phần củng cố xây dựng đất nước. Vậy biện pháp nào để tôn vinh văn hóa, tôn vinh con người? Đó là xây dựng từ các nhà văn hoá nhỏ thành các “ổ” văn hóa, các “ổ” văn hóa sẽ nối kết nhau tạo thành “hệ sinh thái văn hóa” trong toàn thành phố.

* Các "ổ" văn hóa - theo ý tưởng của anh sẽ được quy hoạch như thế nào?

- Khu vực trung tâm sẽ tôn vinh các nhà khoa học như Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu... Nhưng khu vực ngoại thành lại là nơi tập trung nhiều hơn cả những làng nghề như đúc đồng, dệt lụa... các nghệ nhân nổi tiếng và đặc biệt ở các vùng lân cận, chúng ta cần tôn vinh những người làm kỹ thuật. Đất nước ta bị đánh giá thấp về mặt khoa học kỹ thuật, không có nhiều thành tựu nào về mảng này, không chỉ những nhà khoa học mà đó còn là những người thợ lưu truyền tay nghề từ đời này sang đời khác. Chính tất cả những điều đó tổng hòa lại nó sẽ làm nên một “hệ sinh thái văn hóa” trong toàn thành phố, đó là một giải pháp xã hội hóa tương đối thích hợp đối với bối cảnh nước ta hiện nay.

* Nghe nói anh còn có ý tưởng biến cầu Long Biên thành một trung tâm nghệ thuật đương đại?

- Cầu Long Biên là một cây cầu chứng nhân lịch sử. Tôi muốn biến nó thành một bảo tàng danh nhân sáng tạo, với những sáng tác, những dấu hiệu, tín hiệu đặc trưng của mỗi danh nhân không chỉ của Hà Nội mà còn là cả toàn dân tộc.

Khu vực bãi giữa sẽ trở thành những “start-up” vừa về khoa học vừa về nghệ thuật, kẹp vào đó là trung tâm nghệ thuật đương đại. Để hiện thực hóa ước muốn biến cầu Long Biên trở thành trung tâm nghệ thuật đương đại của cả nước, tôi mong rằng những trí thức, doanh nhân trên khắp cả nước, cũng như nước ngoài sẽ được kêu gọi, đóng góp và cống hiến cho nước nhà, bắt đầu bằng việc khởi nghiệp trong nước. Có thể thấy, việc bảo tồn cây cầu Long Biên cũng chính là một phần để làm sống lại sông Hồng, thu hút những tiềm năng Việt Nam quay trở lại nước nhà.

Tận dụng giá trị sẵn có để bảo tồn và phát triển

"Với nguồn kinh phí hạn hẹp, trước hết giải pháp tối ưu nhất đối với Hà Nội nói riêng, nước ta hiện nay nói chung chính là biết tận dụng những nguồn giá trị có sẵn, biết cách khai thác để làm mới, ngày càng phát triển đa dạng hơn, đặc sắc hơn mà vẫn không mất đi nét truyền thống của dân tộc. Để làm được điều đó, việc đề ra chủ trương biện pháp như thế nào, PR ra làm sao để đạt được những hiệu quả như mong đợi là những yêu cầu cấp bách, phải thực hiện ngay", KTS Hoàng Thúc Hào nói.

Các đề cử hạng mục Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội

Ngoài ý tưởng thành lập Bảo tàng Hồ Gươm của KTS Hoàng Thúc Hào, hạng mục Ý tưởng Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2018 còn có 2 đề cử khác gồm: Đề xuất bảo tồn và phát huy di chỉ Vườn Chuối - nơi đánh dấu sự có mặt những “công dân đầu tiên” của Hà Nội (của PGS Nguyễn Văn Huy và các nhà khoa học); Dự án Thí điểm mô hình mới tại một khối nhà đơn (của Martin Rama).

Lễ trao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 11 năm 2018 dự kiến diễn ra vào ngày thứ Ba 29/8/2018 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Sách tranh 'Lặng phố': Một 'Bùi Xuân Phái' giữa phố cổ Hà Nội thời nay

Sách tranh 'Lặng phố': Một 'Bùi Xuân Phái' giữa phố cổ Hà Nội thời nay

"Lặng phố" - tác phẩm nghệ thuật giới hạn số lượng bản in về Hà Nội - ra mắt công chúng vào tháng 2/2018 là sự kết hợp giữa họa sỹ 7x Phạm Bình Chương và nữ nhà văn 9x Lê Nguyễn Nhật Linh.

Huy Thông - Quỳnh Trang (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm