Viết tiếp bài 'Hãy cùng cứu thánh địa Mỹ Sơn': Vấn đề của Mỹ Sơn không chỉ là 'tiền'

03/12/2014 07:21 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 2/12, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm khu di tích Mỹ Sơn được UNESCO cộng nhân di sản văn hóa thế giới. Bài báo Hãy cùng cứu thánh địa Mỹ Sơn đăng trên TT&VH số ra ngày 2/12/2014 cũng được nhiều đại biểu, chuyên gia quan tâm và mong muốn có hành động cụ thể, quyết liệt. Bởi từ khi được phát hiện, đến nay, 20 đền tháp đã bị “xóa sổ”.

Tại lễ kỷ niệm, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Quảng Nam cũng đã trình bày báo cáo về những nỗ lực trong 15 năm qua (4/12/1999-4/12/2015) trong việc giữ gìn “báu vật” Mỹ Sơn.

15 năm chật vật bảo tồn Mỹ Sơn

Công cuộc bảo tồn khó khăn ở chỗ, không chỉ là chuyện chống đỡ cho di tích khỏi xuống cấp, khỏi nguy cơ sụp đổ mà đòi hỏi bảo tồn và phát huy giá trị Mỹ Sơn phải đảm bảo tính toàn vẹn và tính xác thực trong Công ước bảo tồn di sản của thế giới. Việc bảo tồn đối với các di sản khác đã khó, đối với Mỹ Sơn càng khó hơn. Bởi cho đến nay, các chuyên gia trong và ngoài nước chưa thể khám phá ra phương thức xây dựng các tháp này.

Trên thực tế, Mỹ Sơn đã tiếp nhận, hợp tác với các tổ chức, đơn vị và chuyên gia VN cũng như quốc tế để bảo tồn như: Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc, Jica (Nhật), Lerici Fondation (Ý), Viện Khảo cổ học, Viện Bảo tồn di tích… Năm 2002-2005, Trung tâm bảo tồn di sản di tích Quảng Nam hợp tác với tổ chức America Exress và Viện khảo cổ học tiến hành khai quật, khơi thông suối Khe Thẻ đoạn chảy qua giữa khu A và khu BCD, nhằm chống sạt lở nhóm tháp A. Năm 2003, với kinh phí 1,3 triệu USD, nhóm tháp G đã trải qua 3 giai đoạn trùng tu, tôn tạo và đến năm 2013 đã định hình lại nguyên trạng. Năm 2013, dự án trùng tu tháp E7 cũng đã hoàn thành.


Từ khi được phát hiện, 20 đền tháp đã bị “xóa sổ”

Nói như vậy để thấy rằng, suốt 15 năm qua, tỉnh Quảng Nam luôn trăn trở và thực hiện nhiều biện pháp để bảo tồn và phát huy giá trị Mỹ Sơn. Tuy nhiên, thời gian luôn nghiệt ngã, việc giữ gìn Mỹ Sơn, đặc biệt là thực trạng những tháp nghiêng, lún vẫn đang là bài toán hoóc búa.

Vẫn phải chờ... nghiên cứu

Phản hồi về bài viết “Hãy cùng  cứu thánh địa Mỹ Sơn” trên  Thể thao&Văn hóa số ra ngày 2/12/2014, về nguy cơ sụp đổ của một số tháp tại Mỹ Sơn, ông Đinh Hài-Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Nam nói: “Đầu tư để bảo tồn Mỹ Sơn, Quảng Nam vẫn đang làm từng bước. Quảng Nam đã làm ra gạch giống hệt gạch Chăm, đã thử nghiệm thành công quá trình phục hồi, phục chế, tạo ra cơ sở ban đầu để trùng tu các nhóm tháp. Cụ thể, nhóm tháp G, và E7 đã hoàn thành, sắp tới sẽ tiến hành trùng tu E3.

Đối với tháp Chăm, vấn đề quan trọng không phải là tiền mà là giải pháp: chất liệu, vật liệu, phương pháp…Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ biến cái cũ thành cái mới nên phải vô cùng cẩn trọng trong quá trình trùng tu.

Về nguy cơ sụp đổ của nhiều đền tháp, chúng tôi đã nhiều lần báo cáo ra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch. Bộ cũng đã đầu tư một số ngân sách để phục hồi các tháp xuống cấp. Còn tình trạng nghiêng lún của các tháp như B3, B5…vẫn chưa có phương án khắc phục. Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm nay và những năm sau sẽ vẫn còn tiếp tục. Trong khi các chuyên gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tìm giải pháp, tôi e rằng các tháp nghiêng lún này sẽ khó chống đỡ được với thời gian”.

Trong khi Bộ vẫn chưa có hướng bảo tồn các tháp nghiêng lún, thì ông Đinh Hài cũng như nhiều người trăn trở với di sản Mỹ Sơn phải mong chờ từ sự giúp đỡ của các chuyên gia Ấn Độ qua bản hợp tác ghi nhớ giữa hai nước vừa qua.

Tại buổi kỷ niệm, Ban quản lý di tích Mỹ Sơn tha thiết mong muốn được hỗ trợ: Các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn trùng tu tháp Chăm Mỹ Sơn, tiến hành tu bổ tháp F1, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đẩy mạnh các chương trình hành động ưu tiên những năm tới cho công cuộc bảo tồn và phát huy di sản Mỹ Sơn.

Chẳng nói đâu xa, từ khi được phát hiện, đến nay, đã 20 đền tháp bị xóa sổ khỏi khu di tích Mỹ Sơn. Bởi thế, nếu các cơ quan ban ngành có trách nhiệm không kiên quyết vào cuộc thì chỉ nay mai nhiều đền tháp Mỹ Sơn chỉ còn trong “sử sách”.

Hồng Thúy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm