Tùng Dương: “Đi bên em bắt… live show”

08/01/2013 07:18 GMT+7 | Âm nhạc

Trái với dự đoán bi quan của nhiều người, năm 2012, khán giả cả Tp.HCM và Hà Nội đều đặn được thưởng thức những live show chất lượng, nghiêm túc, giàu tính nghệ thuật mà không xa lạ với thị hiếu. Bất ngờ nhất phải kể đến live show của Tùng Dương - bất ngờ hát tình ca, bất ngờ... bán hết vé, bất ngờ Nam tiến thành công... Những bất ngờ ít ai dám gắn cho cái tên Tùng Dương, dù năm trước anh đã có "Những chuyến đi" cũng thành công không kém.

Thêm một điểm sáng của sân khấu 2012 là series "In the Spot Light" của công ty Mỹ Thanh với mục tiêu: thực hiện chuỗi live show dành cho người yêu "nghệ thuật tử tế". Khán giả được nghe nghệ-thuật-tử-tế và nghệ sĩ sống được bằng nghệ-thuật-tử-tế, con đường ấy đã, đang và sẽ có nhiều người đồng hành, như ê kíp Việt Tú - Chu Minh Vũ - Thanh Phương (những người đứng sau "Không gian âm nhạc") hay VietVision (nhà sản xuất của "Bằng Kiều in concert 2012")...

Mở lòng hơn với nhạc đại chúng, nỗ lực Nam tiến, chăm chỉ làm show hơn và… công khai tình yêu mới, Tùng Dương của 2012 vẻ như đang tiến gần hơn về phía… đời thường. Một trang đời mà ở đó, anh không còn lủi thủi một mình “bắt chim sâu” nữa mà hẳn hoi là “đi bên em bắt… live show”.


Đã qua thời “bẻ gãy sừng trâu”

* Tính đến năm nay thì Dương đã vào nghề được mấy năm rồi nhỉ?

- 9 năm.

* 9 năm, liệu đã đủ để chín?

- Có lúc nào chị ngồi xem lại những bức ảnh cũ không? Một cái ảnh thẻ thôi vậy, nhưng cũng đã đủ để thấy mình khác xưa nhiều lắm! Đôi khi tình cờ hay chủ ý, tôi cũng ngồi xem lại tôi của 5, 6 năm về trước và không khỏi thảng thốt: Mình đã thay đổi nhiều đến vậy sao? Từ cách hát đến phong cách biểu diễn, hay trên hết, là nhân sinh quan, thẩm mỹ âm nhạc… Và tôi cho rằng đó là sự thảng thốt đáng yêu ở một người làm nghệ thuật, khi họ biết mình đã đúng, cũng như đã sai ở đoạn nào.

* Cụ thể thì anh thấy mình đã sai ở đoạn nào?


- Nếu như từng có một Tùng Dương giọng thổ, gai góc, thô ráp, ưa trưng trổ, chứng tỏ sức vóc của tuổi trẻ, khát khao… trong cách gằn chữ, nhả chữ của mình thì sau đó, đã được hãm bớt và tiết chế hơn. Đủ để lúc này, nếu có hát lại “Ôi quê tôi”, thì sẽ phải hay cái hay khác xưa, không phải vì mình mà là vì bài hát. Tôi đã từng lấy làm tâm đắc với việc hóa thân thành một giọng nữ, để hát cho ra cái ẩn ức, bức bối ở một người trẻ; nhưng lúc này, sự quằn quại, thổn thức ấy có thể là không nhất thiết, dù vẫn cần biến hóa. Rồi ngay cả “Những ô màu khối lập phương” cũng vậy, hay sau này, là “Li ti”, tôi cũng từng hoang mang lắm chứ! Không phải là hoang mang về tài năng của mình, mà là về việc khán giả sẽ đón nhận nó thế nào, có mở cửa cho mình gặp họ…

* Vậy tới giờ, anh nghĩ là mình đã gặp được họ?

- Tôi tin là khi tôi gặp được mình, và sống thật nhất với khát vọng của mình, thì cũng sẽ chính là lúc tôi gặp được họ. Và để cùng nhau đi được đến hết con đường, một thái độ cởi mở, chan hòa theo tôi là điều cần thiết, thay vì chỉ cứng nhắc làm đúng, làm đủ những điều tự mình cho là đúng, là đủ. Đến giờ này, tôi nghĩ là mình đã bước qua tuổi “bẽ gãy sừng trâu” trong nghệ thuật, đã bắt đầu biết lắng nghe hơn, biết suy nghĩ có chủ đích hơn, chứ không còn mông lung như trước...

Muốn làm một người dư dả trong nghệ thuật

* Vẻ như năm qua gió đã đảo chiều, khi hàng loạt show lớn trong năm đều chọn Hà Nội làm bãi đáp, thay vì Tp.HCM như thông lệ; và cái gọi là “nhạc Hà Nội” cũng vẻ như dễ vào được tai nghe của khán giả phía Nam hơn. Nhiều nhà sản xuất đã không lý giải được điều đó, còn anh?

- Nhà sản xuất không lý giải được thì sao ca sĩ lý giải được? Biết đâu là nghệ thuật hấp dẫn đôi khi còn cả ở sự khó đoán ấy của nó. May ra chỉ có thể lý giải được chuyện vì sao càng lúc kinh tế suy thoái, nghệ thuật lại càng được đón nhận mà thôi: Nhu cầu xả stress của khán giả. Và để xả stress, thử hỏi, còn không gian nào ở ta lý tưởng hơn Nhà hát Lớn Hà Nội...

* Không chỉ giải Cống Hiến, mà những Dương Thụ, Trần Tiến, Lê Minh Sơn, Thanh Lam… đều từng hơn một lần nói với truyền thông rằng không nghi ngờ gì nữa, Tùng Dương đang là giọng nam hàng đầu ở ta. Còn anh, khi nghe cụm từ đó, liệu đã cảm thấy thoải mái?

- Điều đó nếu có thực thì càng nên coi là một áp lực. Áp lực của việc được kỳ vọng. Được khen là một chuyện, nhưng giữ nó ở lại bên mình, sau ít nhất 5, 10 năm, thì mới là đáng nói. Đành rằng, lúc này, có thể có những bạn trẻ vẻ như một bước thành sao, chỉ sau một đêm. Nhưng để đi được đường dài, thì chắc chắn không đơn giản thế.  

* Chính vì không đơn giản, nên anh đã chọn cách di chuyển của một con rết: đi bằng nhiều chân?

- Một con sông có nhiều nhánh, một cái cây có nhiều cành… - so sánh như thế, nghe chừng chính xác hơn chăng? Nghĩa là mỗi lựa chọn dù mang những âm sắc khác nhau nhưng cùng đều tỏa ra từ một trục chính, một giọng nói. Để dù có lúc này lúc khác, khác đi, khán giả vẫn nhận ra mình.

* Ý là, biến hình nhưng không biến chất?

- Đúng rồi! Và biến hình là điều cần thiết chứ, miễn sao đừng biến chất. Nghệ thuật, nói cho cùng, chính là sự hóa thân và hơn thua nhau, là ở “bộ lọc” của mỗi người. Tôi dám chắc rằng người nào “đóng” được nhiều vai và nhờ đó, có được những sáng tạo bất ngờ, thì có nghĩa rằng, họ rất dư dả về cảm xúc và tài năng. Tôi luôn muốn hướng tới sự dư dả trong nghệ thuật và muốn làm một “người giàu” theo nghĩa đó: Dư dả trong hơi thở, dư dả về tinh thần, dư dả trên ý tưởng… Và để chiếm lĩnh nó, cách tôi chọn là: Không thỏa mãn, cũng không thỏa hiệp.

* Thỏa mãn dễ giết chết một tài năng, nhưng biết đâu rằng, sự tham lam cũng có thể khiến họ ngạt thở?

- Và biết đâu rằng nó cũng là một cái “gót chân Achilles” của mình, hẳn thế! Ừ nhỉ, cái điểm mạnh ấy, có khi nó cũng là điểm yếu của mình…

* Là nói thế thôi, chứ năm vừa rồi, tôi thấy cách anh “tham” như thế cũng là an toàn đấy chứ: Sau đỉnh cao, là chiều rộng, và cách anh chọn, do đó, là nhạc đại chúng? Dù dĩ nhiên tôi cũng biết, sau đây, bù lại, sẽ là Nguyên Lê…

- Thực ra, cái tôi muốn chinh phục ở đây, đơn giản chỉ là sự nghi ngờ. Chẳng hạn, Tùng Dương có biết hát tình ca không, có thể đằm và mượt… Và tôi không nghĩ đó lại là một lựa chọn dễ của mình, vì mỗi lựa chọn đều có cái khó riêng của nó. Thử nghiệm có cái khó của thử nghiệm. Đại chúng có cái khó của đại chúng. Nếu như không muốn nói, càng là mảnh đất có nhiều người đặt chân, thì để lại dấu chân của mình càng khó.

* Nhưng chắc hẳn, nơi anh muốn đặt chân, phải là một chân trời rộng dài hơn thế chứ?

- Ừ thì như người ta vẫn nói, ước mơ đâu bị đánh thuế bao giờ! Vậy thì sao ta lại không mơ, nhất là khi ta có năng lực, đam mê và cảm hứng chinh phục nó nữa? Và chân trời ấy của tôi, chính là trở thành một nghệ sỹ độc lập. Thậm chí, còn cần đạt được đến trình độ tự viết nhạc cho mình.

Tiết chế khác với… tiết kiệm

* Phần mình, tôi lại nhìn thấy sự thay đổi của anh trong sự thay đổi của mình: Rằng, lúc này xem Tùng Dương, tôi gần như không còn để ý chuyện Tùng Dương… mặc gì. Dù tôi biết anh vẫn để ý nó lắm, chứ không phải là không, đúng không?

- Vẻ như câu hỏi này không cần câu trả lời nữa vậy! Khi nó không chỉ là câu trả lời, mà có thể, còn đồng thời là một lời khen?

* Nghĩa là từ nay, Công Trí, Đỗ Mạnh Cường… được Tùng Dương cho “ngồi chơi xơi nước”?

- Ô không, nếu hiểu theo hướng đó thì lại là sai hoàn toàn! Vì tiết chế, nó khác với… tiết kiệm nhé! Nếu như không muốn nói, sau âm nhạc, thời trang là niềm đam mê tiếp theo của tôi.

* Nhưng biết đâu rằng lúc này Tùng Dương mặc đẹp hơn không phải nhờ stylist, hay Công Trí, Mạnh Cường…, mà là nhờ một bàn tay nâng khăn sửa túi phía sau?

- Đương nhiên, người phụ nữ tôi yêu thì nhất định phải khéo léo và có gu thẩm mỹ không tồi. Nhưng nghệ thuật, nó lại là một câu chuyện khác.

* Đơn cử: nghệ thuật đôi khi là sự chối bỏ, nhất là lại còn với một người ưa thể nghiệm như Tùng Dương; còn tình yêu thì không?

- Đúng! Với tôi, tình yêu là sự vun vén. Trong tình yêu còn cần có cả tình thương. Cố nhiên, không thể là thương hại, mà là thương nhau, đủ để giúp nhau vượt qua được mọi thăng trầm của cuộc sống. Chỉ e, nói thì dễ thế thôi, nhưng làm được, quả tình không hề dễ…

* Nghệ thuật luôn cần cái tôi, còn tình yêu?

- Tình yêu, trái lại, luôn cần kìm cái tôi lại bớt. Thậm chí, có lúc còn cần hy sinh cái tôi cho người mình yêu. Không tạo ra được sự hòa hợp thì đừng mong đi được đường dài. Và để có một tình yêu lớn, theo tôi, ngoài cảm xúc, không thể thiếu đi sự kiểm soát, dẫn đường của lý trí.

* Nghệ thuật cũng cần cả sự quyết liệt nữa!

- Và tình yêu cũng vậy! Để bảo vệ tình yêu của mình. Tuy nhiên, không ngoại trừ, trong một số trường hợp, quyết liệt quá cũng có thể dẫn đến sự cực đoan, bảo thủ và có thể còn là sai lầm.

* Nhưng nghệ thuật, như người ta vẫn nói, đôi khi lại cần đến cô độc và khổ đau?

- Đồng ý, người ta chắc chắn sẽ hát hay hơn, nếu đã từng trải qua đau đớn hay từng nếm trải sự cô độc. Vì khi đó, giọng hát người ta sẽ chất chứa hơn, dễ vỡ òa hơn và có thể sẽ chạm được vào nhiều trái tim hơn. Nhưng một mặt, tôi không tin ai đó lại có thể hát hay trong đau đớn, kiệt quệ, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này. Vì lúc đấy, đến chân người ta còn chả đứng vững, nói gì đến cái cổ họng…

* “Quái”, trong tình yêu, thì sao? Có cần thiết?

- Ôi, can nhé! “Quái” trong tình yêu là hỏng đấy! Vì tình yêu đâu cần đến màu mè, chiêu trò. Để lâu bền, tình yêu theo tôi chỉ cần sự chân thành và tự nguyện. Có thế, mới tránh được chuyện “đồng sàng dị mộng”. Tuy nhiên, không ngoại trừ, một đôi lúc nào đó mà “quái” được, một cách hợp lý trong tình yêu thì chưa biết chừng cũng giúp giữ chân được người mình yêu lâu hơn đấy!

* Giữ chân nhau rồi… đi đâu?

- Biết chết liền!

Theo Thủy Lê

Đẹp

Nhiếp ảnh: Bobby Nguyễn
Trang điểm: Quốc Anh
Áo da Emporio Armani

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm