Trao giải Cánh diều 2011: "Mùi cỏ cháy" và "Hot boy nổi loạn" chia giải?

17/03/2012 09:06 GMT+7 | Phim


(TT&VH) - Mùi cỏ cháy Hot boy nổi loạn, câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt từng “so găng” để giành Sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 17 nhưng kết quả là bất phân thắng bại khi đồng hạng Sen bạc (cùng với Vũ điệu đam mê). Tại Cánh diều 2011, liệu “lịch sử” có lặp lại?

Chiều qua (16/3), theo thông tin bên lề, ít ra thì Hot boy nổi loạn, câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt (Hot boy nổi loạn) đã “nock out” Mùi cỏ cháy ở giải thưởng do báo chí bình chọn. Được biết, đa số nhà báo (trong số 17 người) của hội đồng đã đồng thuận bầu chọn cho Hot boy nổi loạn. Năm ngoái, hội đồng này cũng đã quyết định chọn một bộ phim khác do BHD sản xuất là Cánh đồng bất tận.

“Cân” Mùi cỏ cháy và Hot boy nổi loạn

Huy động được 12/17 phim sản xuất trong năm qua tham dự giải Cánh diều 2011 có thể nói là một thành công đầu tiên của Hội Điện ảnh VN ở giải thưởng này. Nhưng chỉ có điều, lượng và chất lại không song hành. Những ứng viên có thể xem là “nặng ký” của Cánh diều vàng  không nhiều, còn lại là: Lời nguyền huyết ngải, Ngôi nhà trong hẻm, Mùi cỏ cháy, Hot boy nổi loạn, Tâm hồn mẹ… Theo tìm hiểu, trong số này, Mùi cỏ cháy Hot boy nổi loạn vẫn được đánh giá cao hơn cả.

Mùi cỏ cháy hay Hot boy nổi loạn sẽ giành Cánh diều vàng?

Mùi cỏ cháy là câu chuyện chiến tranh xúc động. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã giành giải Biên kịch xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ 17 một cách thuyết phục. Tuy nhiên, tính cách nhân vật trong phim lại mờ nhạt, kỹ xảo điện ảnh quá kém, lạm dụng những cảnh bom đạn thậm chí gây hiệu ứng ngược…

Còn Hot boy nổi loạn khi trình chiếu tại LHP Berlin đầu năm qua, dù bị báo chí Mỹ chê là “sáo rỗng và tẻ nhạt”, bộ phim này vẫn là một “điểm sáng” tại Cánh diều. Phim được dàn dựng kỹ lưỡng, cảnh quay đẹp… Sự khéo léo đáng thuyết phục của Vũ Ngọc Đãng là ở chỗ lồng một câu chuyện “câu khách” (đề tài đồng tính) trong một câu chuyện mang ý nghĩa xã hội và nhân văn. Những chi tiết tạo tính cách nhân vật cũng được đạo diễn chăm chút tỉ mỉ.

Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17, BGK đã không thể chọn được bộ phim xuất sắc nhất là hai ứng viên nói trên. Nghe nói, Hot boy nổi loạn đã không thể giành được Sen bạc nếu đạo diễn - NSƯT Lưu Trọng Ninh không có mặt trong BGK. Thậm chí, ông còn tuyên bố sẽ rút khỏi BGK nếu ý kiến của BGK này không được tôn trọng. Còn với một BGK được xem là “an toàn” như ở Cánh diều 2011 (do NSND Bùi Đình Hạc làm Chủ tịch và 12 thành viên khác: PGS Trần Luân Kim - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, NSND Lê Khanh, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc…), liệu giải thưởng có “nổi loạn”?

“Mất mùa” giải diễn viên?

Tại cuộc hội thảo “Một thập kỷ điện ảnh Việt Nam - Nhìn nhận và đánh giá” diễn ra ngay trước thềm Lễ trao giải Cánh diều 2011, đạo diễn Xuân Hưng đã bày tỏ sự thất vọng vì sự thiếu hụt những thành tố chuyên nghiệp trong đoàn phim. Không ai khác, đó chính là các diễn viên - người chuyển tải câu chuyện chữ nghĩa lên màn ảnh.

Nhìn lại loạt diễn viên đảm nhận những vai nam/nữ chính trong phim dự giải Cánh diều 2011 cũng thấy giật mình vì sự thiếu hụt này. Phùng Hoa Hoài Linh (vai bé Thu trong Tâm hồn mẹ) từng được xem là ứng viên sáng giá của giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong LHP Việt Nam lần thứ 17 ngay sau khi được trao giải thưởng này tại LHP Dubai. Tuy nhiên, dự đoán về Phùng Hoa Hoài Linh hoàn toàn… trật lất. Trong khi đó, tại giải Cánh diều lần này, một khán giả khó tính - đạo diễn Nguyễn Hữu Phần - đã “dội gáo nước lạnh” vào những nhận xét “có cánh” dành cho Hoài Linh. Ông cho rằng, vai diễn quá ư truyền hình, một màu và không để lại ấn tượng. Ngô Thanh Vân ở Ngôi nhà trong hẻm là một sự làm mới hình ảnh “đả nữ” sau những vai chính mà diễn viên này đảm nhận ở Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng. Nhưng trong bộ phim kinh dị của đạo diễn Lê Văn Kiệt, Ngô Thanh Vân không có nhiều đất diễn. Trong các diễn viên nữ khác như: Minh Hằng (Lệ phí tình yêu), Kim Thư (Hello cô Ba)… cũng thật khó để chọn ra những gương mặt xuất sắc.

Nổi bật nhất trong dàn nam chính của giải thưởng năm nay có lẽ là Trần Bảo Sơn. Ngôi nhà trong hẻm đặt Trần Bảo Sơn vào một mảnh đất khá “màu mỡ” với những cảnh thể hiện nội tâm nhân vật sâu sắc. Đây có lẽ cũng là bước ngoặt trong sự nghiệp diễn xuất của Trần Bảo Sơn. Lương Mạnh Hải của Hot boy nổi loạn có lẽ cũng nằm trong bảng đề cử của BGK. Tuy nhiên, với Lam, Lương Mạnh Hải vẫn dường như chưa dứt được khỏi  cách diễn cường điệu trong Bỗng dưng muốn khóc, Ngôi nhà hạnh phúc…

Phim thì nhiều, nhưng để chọn được những diễn viên xuất sắc nhất không phải dễ!

Hà Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm