Trải nghiệm mới về thị giác trong "Mirror Mirror"

27/04/2012 14:58 GMT+7 | Phim


(TT&VH) - Hiếm khi nào mà Hollywood lại cho ra đời hai bộ phim có cùng đề tài trong một khoảng thời gian ngắn. Vậy mà trong năm nay, câu chuyện cổ tích quen thuộc về nàng Bạch Tuyết của anh em nhà Grimm được chuyển thể lên màn ảnh rộng tới hai phiên bản. Mặc dù thuộc thể loại khác nhau, phong cách khác nhau, nhưng không ít thì nhiều, khán giả vẫn có sự so sánh giữa Mirror mirrorSnow White and the huntsman.

1. Trong khi Snow White and the huntsman của hãng Universal thuộc thể loại phiêu lưu/hành động thì hãng Relativity lại hướng Mirror mirror (Gương kia ngự ở trên tường) theo thể loại hài / phiêu lưu. Người được hãng Relativity chọn mặt gửi vàng thực hiện Mirror mirror là đạo diễn Tarsem Singh (từng làm The Fall, Immortals).

Sau khi nhà vua mất tích một cách bí ẩn, mọi quyền lực trong vương quốc đều bị nữ hoàng (Julia Roberts) thâu tóm. Dưới sự trị vì của bà, người dân dần rơi vào cảnh khốn khổ do nghèo đói. Quốc khố ngày càng cạn kiệt vì những buổi tiệc tùng xa hoa lãng phí. Trong khi đó, công chúa Bạch Tuyết (Lily Collins), người kế thừa ngai vàng hợp pháp lại bị giam lỏng trong lâu đài. Cho đến một ngày, do quá ghen ghét với sắc đẹp của Bạch Tuyết, nữ hoàng ngấm ngầm ám hại cô trong rừng sâu. Tại đây Bạch Tuyết làm quen với 7 chú lùn kỳ lạ.


2. Vào thời điểm hiện nay, Tarsem Singh, M. Night Shyamalan là những đạo diễn người Ấn Độ rất nổi tiếng tại Mỹ. Tuy đi theo những phong cách riêng (M. Night Shyamalan chuyên làm phim ly kỳ, bí ẩn pha lẫn kinh dị, Tarsem Singh vang danh về mặt hình ảnh), không cùng một thế hệ nhưng cả hai lại có một điểm chung. Họ đều gây dựng tên tuổi của mình nhờ bộ phim thứ hai, hoặc thứ ba trong sự nghiệp nhưng sau đó gây thất vọng lớn ở các tác phẩm tiếp theo. Đầu tiên M. Night Shyamalan thành công với The sixth sense, Unbreakable rồi đột ngột xuống phong độ với Lady in the water, The happening, The last airbender rồi Tarsem Singh cũng gặp cảnh ngộ tương tự.

Bước đột phá với The fall hồi năm 2006 vô tình khiến khán giả đặt rất nhiều kỳ vọng vào Tarsem trong hai bộ phim gần đây. Đáng tiếc, cả Immortals lẫn Mirror mirror tuy vẫn mang đậm “phong cách Tarsem” nhưng kịch bản, cách kể chuyện còn nhiều điểm yếu.

Phim của Tarsem Singh luôn có dấu ấn đặc trưng về mặt hình ảnh. Sự kết hợp giữa trang phục, mầu sắc, chỉ đạo nghệ thuật, kỹ xảo, bối cảnh tạo hiệu ứng cực mạnh về mặt thị giác. Người xem bị cuốn hút trong từng cảnh quay đẹp đến mê hồn. Điều này đem lại cho Mirror mirror một không khí cổ tích rất riêng. Khán giả khó có thể quên được cảnh nữ hoàng, trong chiếc váy vàng đậm, đi vào ngôi nhà thần bí với nền trời xám xịt, giữa bốn bề là nước hay cảnh yến tiệc xa hoa nơi cung đình, khung cảnh kỳ ảo trong khu rừng.

Mirror Mirror (2012)
Đạo diễn: Tarsem Singh
Diễn viên: Lily Collins, Julia Roberts, Armie Hammer
Thể loại: Hài/Tâm lý/Phiêu lưu

Điểm yếu nhất trong Mirror mirror chính là phần kịch bản, cách kể chuyện rời rạc, ít điểm nhấn. Đôi chỗ xử lý quá đơn giản, đôi chỗ lại quá nhanh. Bù lại, Mirror mirror có vài chi tiết hài hước, dí dỏm thông qua nhân vật hoàng tử Alcott, người hầu Brighton, phần nào kéo lại cho nội dung phim. Bên cạnh đó, tuy diễn xuất còn khá non nhưng nhờ nét dễ thương, duyên dáng, Lily Collins đã thể hiện được một nàng Bạch Tuyết vô cùng đáng yêu. Bạn nhớ nán lại thưởng thức ca khúc I believe (in love) mang đậm văn hóa Ấn Độ do cô thể hiện ở phần credit cuối phim.

Phim của Tarsem Sighn luôn mang lại cho khán giả những trải nghiệm mới về mặt thị giác. Tất nhiên Mirror mirror cũng không phải ngoại lệ.

Phim đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Những điều có thể bạn chưa biết

- Mirror mirror có kính phí sản xuất vào khoảng 85 triệu USD. Tính cho tới thời điểm hiện tại bộ phim đã thu về 132,5 triệu USD trên toàn thế giới.

- Hãng Relativity đã mất hơn 1 tháng để tuyển diễn viên cho vai diễn Bạch Tuyết. Cuối cùng Lily Collins, vốn là con gái của tay trống, ca sỹ Phil Collins, đã được lựa chọn.


Hoàng Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm