Thôn Đấu Tranh 'dậy sóng' vì di tích

15/11/2014 08:17 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) - Một di tích cấp quốc gia được xếp hạng năm 1988 song chính quyền huyện, xã không hề có bản đồ khoanh vùng di tích. Đến khi, người dân cầm cả xấp đơn gõ cửa các bộ, ban, ngành kêu cứu vì di sản bị xâm lấn, Sở VH,TT&DL Hà Nội mới lục hồ sơ và gửi về địa phương bản photo “Bản đồ khoanh vùng di tích”.

Cầm trên tay bản đồ, ông Dư Quốc Bảo, Phó Chủ tịch xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) đưa ra kết luận ngạc nhiên không kém: “Trong bản đồ khoanh vùng quy hoạch di tích lịch sử văn hóa đã có sự khoanh vùng chồng chéo, chồng lấn, thiếu- thừa không đúng quy định của pháp luật!”.

Câu chuyện về chợ dân sinh xâm lấn di tích quốc gia cụm đình- chùa xã La Phù đã nảy sinh nhiều câu hỏi lớn về việc quản lý và bảo vệ di tích.  

Chuyện ở thôn Đấu Tranh

Những ngày gần đây, thôn Đấu Tranh (La Phù, Hoài Đức, Hà Nội) “dậy sóng”. Mọi chuyện bắt đầu từ việc xin cải tạo nâng cấp chợ dân sinh xã La Phù rộng gần 500 mét vuông của chính quyền xã. Đáng chú ý, chợ tạm này nằm trong phần đất “tranh cãi” của di tích cấp quốc gia và sở hữu một cây di sản ở góc chợ. Theo lập luận của ban khánh tiết cụm di tích đình- chùa La Phù, chợ vốn là phần đất của di tích. Lúc đó, chính quyền địa phương xin làm “chợ tạm” rồi chờ có điều kiện sẽ chuyển đi. Nay các cụ lo “chợ tạm sẽ nâng cấp thành chợ chính” rồi đất di sản sẽ mất vĩnh viễn. Điều này làm thay đổi cảnh quan, hiện trạng di tích, vi phạm Luật di sản.

Vì thế, hàng chục cụ trong ban khánh tiết làng phân công nhau: người trực ở di tích cả ngày lẫn đêm để sẵn sàng truy hô, ngăn cản nếu có bất cứ ai muốn cơi nới chợ tạm bên di tích; một vài người khác cầm xấp đơn “kêu cứu” gõ cửa các cấp ban ngành ở Thành phố và Trung ương về tình trạng xâm lấn di tích; những cuộc họp ban khánh tiết cũng diễn ra thường xuyên trong đình để bàn chuyện bảo vệ di tích...


Chợ tạm nhếch nhác nằm trong vùng 1 di tích theo Bản đồ khoanh vùng di tích của Sở VH,TT&DL Hà Nội

Trong lúc ấy, tại UBND xã, chính quyền địa phương cũng nhiều việc không kém quanh cụm di tích. Trước sự phản ứng dữ dội từ các cao niên, cùng các công văn từ cấp trên gửi về phúc đáp đơn thư, chính quyền xã lúng túng truy lại trích lục bản đồ di tích. Song những người làm quản lý di tích địa phương đã không tìm được trong kho lưu của xã cũng như phòng Văn hóa- Thông tin huyện hồ sơ khoanh vùng di tích.

Khi tình hình ngày một căng thẳng, Sở VHTTDL Hà Nội đã gửi một bản photo hồ sơ khoanh vùng di tích. Theo đó, khu chợ, khu nhà trẻ, khu nhà văn hóa xã (trước đây là trụ sở UBND xã) đều thuộc phạm vi di tích.

Và trong văn bản gửi UBND huyện Hoài Đức đề ngày 23/10/2014, ông Trương Minh Tiến, PGĐ Sở VHTTDL khẳng định: Căn cứ hồ sơ, đối chiếu với vị trí chợ tạm trên thực tế, thì khu vực chợ tạm hiện này nằm trong khu vực bảo vệ của di tích.

Những bất cập, tránh đâu?

Sau khi nhận được hồ sơ khoanh vùng, xã La Phù cũng ra công văn ngày 10/11/2014. Theo đó, bản đồ khoanh vùng khu di tích của Sở gửi xuống không phù hợp với khuôn viên di tích cụ thể. Vì bản đồ đã gom cả phần đất của các hộ gia đình ở nhiều năm, trường Mầm non xã, Trung tâm văn hóa xã (đều có đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) vào khu vực 1 của di tích. Trong khi đó khuôn viên ao cửa đình khoảng 1000 mét vuông lại không có trong khuôn viên di tích.  

Cụ Tạ Tương Quý, thành viên ban khánh tiết, một trong những người gắn bó với di tích từ lúc đình chùa là “pháo đài” trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm tới lúc di tích được xếp hạng cho hay: Xưa ở quê tôi có lệ người sống không có đất ở thì ở đất công, người chết không có chỗ chôn thì chôn ruộng quan. Nên tất cả những người ở trong vùng được ghi trong hồ sơ là thuộc di tích là người ở đất công. Và những sai số như chính quyền xã nêu là có thể giải thích được.

“Và chúng tôi cũng không có ý định đòi đất ở của người làng.”- ông Quý nói tiếp- “Chúng tôi chỉ yêu cầu ngừng ngay mọi hoạt động nâng cấp chợ và trả lại khuôn viên phong quang, sạch sẽ cho di tích. Chúng tôi đã họp và thống nhất, nếu chính quyền địa phương không đáp ứng nhu cầu cộng đồng, chúng tôi sẽ trả lại “Bằng xếp hạng di tích” vì chúng tôi thấy cảnh quan di tích giờ không xứng với di tích cấp quốc gia.”

Trước những bất cập liên tiếp này, phóng viên có đặt câu hỏi với ông Dư Quốc Bảo, Phó chủ tịch xã La Phù: Tại sao quy hoạch và  trích lục sai như vậy mà cụm di tích đình- chùa La Phù vẫn được chính quyền thông qua và gửi hồ sơ làm bằng di tích? Ông Bảo trả lời: Câu hỏi này cũng chính là câu hỏi của địa phương đang tìm lời giải đáp.

Song trong câu hỏi khác về cách thức quản lý di tích cả mấy chục năm mà không có hồ sơ khoanh vùng di tích ông Bảo không trả lời.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm