Sách về lịch sử lại viết sai lịch sử

08/09/2012 13:49 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Hai cuốn sách với hai tên gọi khác nhau, nhưng ruột sách cùng một nội dung. Điều đáng nói là hai cuốn sách này viết về lịch sử dân tộc với những sai sót rất nghiêm trọng. Chúng tôi đang nói tới cuốn Tiếng ru của mẹ - Lược sử diễn ca và cuốn Bóng mẹ trong sử ca.

Sách Tiếng ru của mẹ - Lược sử diễn ca do các tác giả Võ Thành Tân, Lê Văn Tiễn, Bùi Văn Vóc, Lê Thị Rụ, Lê Nam đứng tên. Sách in và nộp lưu chiểu quý III năm 2010, quyết định xuất bản số 324B/QĐ-ĐoN, do NXB Đồng Nai cấp phép ngày 1/6/2010. Quyết định xuất bản tiếp sau đó số 325B/QĐ-ĐoN cũng do NXB Đồng Nai cấp phép dành cho cuốn Bóng mẹ trong sử ca cũng của những tác giả nói trên.

Thật lạ là hai cuốn sách dù tên gọi khác nhau, được cấp phép xuất bản liền kề nhau trong cùng một ngày, nhưng nội dung là một, giống nhau từ tên tác giả, lời giới thiệu cho tới nội dung, lỗi chính tả, dấu chấm, dấu phẩy…

Rập khuôn nội dung của nhau, hai cuốn sách còn có những lỗi sai nghiêm trọng, đáng lên án về mặt kiến thức, trong bài này chúng tôi dẫn chứng từ cuốn Tiếng ru của mẹ - Lược sử diễn ca (cũng có nghĩa là trong cuốn Bóng mẹ trong sử ca cũng có những lỗi giống như vậy)



Hai cuốn sách cùng một nội dung với rất nhiều sai sót

Những sai lệch về thời gian

Ngay ở phần Lời giới thiệu, các tác giả đã nói rõ sách được viết “dựa theo cuốn Đại quang Việt sử dịch từ sách chữ Nho của LS Lê Văn Tiễn”. Chúng ta đã biết, bộ Đại Quang Việt sử 2 tập do Bác sĩ Lê Nam và LS Lê Văn Tiễn đứng tên đã bị dư luận phản đối trong các bài báo trước đó về việc “đổi trắng thay đen” lịch sử dân tộc. Vậy là ngay ở phần cứ liệu đã căn cứ trên nguồn sai lệch. Vì vậy, khi đi vào nội dung, những sai sót đó được thể hiện rõ hơn bao giờ hết.

Nhà Minh đến tháng 4 năm Bính Tuất (1406) mới xâm lược nước ta. Nhưng tr.58 sách viết: “Đến năm Đinh Hợi (1400) thật ơ?/Giặc Minh ngoài cõi dương cờ xuất binh”. Không chỉ sai về mặt thời gian, mà ngay cả tên gọi năm theo hệ Can Chi cũng sai. Năm 1400 là năm Canh Thìn chứ đâu phải năm Đinh Hợi.

Ở tr.80, sách viết: “Chương 5: Triều Lê sơ 1428 - 1433”. Viết thế, tức là nhà Lê sơ chỉ tồn tại có 5 năm thôi sao? Đúng ra, thời gian này là thời trị vì của vua Lê Thái Tổ.

Vua Lê Thánh Tông là người khởi xướng việc dựng bia tiến sĩ vào ngày 15 tháng 8 năm Giáp Thìn (1484) niên hiệu Hồng Đức thứ 15. Ấy nhưng tr.104 của sách lại viết: “Tới năm Nhâm Tuất (1442) đại đồng/ Dựng bia tiến sĩ ghi công anh hào”. Nếu độc giả không biết gạn lọc thông tin, sẽ đinh ninh bia tiến sĩ do vua Lê Thái Tông có công dựng nên và thời gian diễn ra trước sự kiện tới 42 năm v.v…

Nhầm lẫn về sự kiện lịch sử, nhân vật

Ở tr.101 có mục “Giải thưởng thái điền dao” chép về việc chia ruộng thời Lê Thái Tổ như sau: “Sau ngày ca khúc khải hoàn/ Những người vừa được vua ban thái điền/ Tức là nhận đất ưu tiên/ Tùy theo sức ném dao trên độ dài”. Nhưng đọc khắp Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử, Khâm định Việt sử thông giám cương mục… chúng tôi không thấy có việc ném dao lấy ruộng ở thời Lê Thái Tổ. Sử chỉ ghi nhận tướng Lê Phụng Hiểu sau khi có công cùng vua Lý Thái Tông đánh Chiêm Thành năm Giáp Thân (1044) đã xin vua ném đao lấy ruộng: “Phụng Hiểu mới trèo lên chóp núi Băng Sơn, xách đao ném một cái, đao đi xa hơn 10 dặm, cắm vào địa phận làng Đa Mi” (theo Việt điện u linh), ruộng ấy được gọi là “thác đao điền” (ruộng ném đao).

Khi viết về vua Lê Thánh Tông, sách đã ghi: “Ghé thăm Mũi Né giữa trời/ Vua qua Trảng Cát lên đồi Âu Cơ”. Sách chú giải rằng “vua Lê Thánh Tông từng vào tới Mũi Né, Bình Định, Bảy Núi An Giang…” (tr.112). Trong khi sự thật thì năm Tân Mão (1471) vua Lê Thánh Tông khi đánh Chiêm Thành mới mở rộng lãnh thổ Đại Việt tới đèo Cù Mông (giữa Bình Định, Phú Yên nay) chứ đã tới được đất An Giang đâu.

Chúng ta đều biết Nguyễn Hoàng là em Ngọc Bảo (hai người là con Nguyễn Kim), Ngọc Bảo lấy Trịnh Kiểm làm chồng, tức Nguyễn Hoàng là em vợ Trịnh Kiểm. Ấy thế mà tr.151 viết: “Tạm yên thì tới việc đời/ Cậu sợ cả cháu (5) ở nơi chuyên quyền” rồi hiệu đính ở tr.152 là “Cậu sợ cả cháu: Nguyễn Hoàng là cậu, mà cứ nơm nớp sợ cả cháu là Trịnh Kiểm…”.

Những kiến giải thiếu hiểu biết

Ở tr.78, sách viết: “Đến năm Mậu Tuất (1418) có tên/ Là năm Lục Thủy ở miền Thăng Long/ Hay là còn gọi Hồ Đông/ Nơi có sáu nhánh suối trong đổ về”. Hồ Lục Thủy là tên gọi hồ Hoàn Kiếm trước đó. Tên gọi do xuất phát ở chỗ hồ có nước trong xanh (lục thủy) quanh năm. Ấy nhưng sách lại viết do hồ “có sáu nhánh suối trong đổ về”.

Ở tr.97 của có câu: “Bình Ngô đại cáo (3) thay lời/ Do Nguyễn Trãi thảo cho đời thêm vui”. Phần Hiệu đính ở tr.98 giải thích “Đại cáo: Chính là cái lễ lớn, lễ xưng vương”. Trong khi chúng ta biết “cáo” ở đây là thể văn nghị luận thường được vua chúa dùng trình bày một chủ trương, một sự kiện để mọi người cùng biết. Cũng nên biết rằng khi dựng cờ khởi nghĩa năm Mậu Tuất (1418) Lê Lợi đã xưng Bình Định Vương chứ không phải đợi đến năm Mậu Thân (1428) khi Bình Ngô đại cáo ra đời.

Còn rất nhiều những sai sót khác mà phạm vi một bài báo chúng tôi không thể nêu ra hết. Ngoài ra, sách còn mắc hằng hà sa số lỗi chính tả, mà lẽ ra một cuốn sách không nên có.

Hiện nay lịch sử dân tộc ngày càng bị khuyết trong hiểu biết của giới trẻ. Nếu sách này đến tay người đọc, hệ lụy “đổi trắng thay đen” từ sách sẽ làm cho bạn đọc hiểu sai lịch sử nước nhà. Mong rằng bài viết là một hồi chuông cảnh báo để những người có trách nhiệm với sử học, với lĩnh vực xuất bản có hành động kịp thời.

Trần Đình Ba

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm