Nhà văn Bùi Anh Tấn gửi gắm “Bức huyết thư” cho Victor Vũ

10/05/2011 14:04 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - “Victor Vũ là một đạo diễn học điện ảnh tại Mỹ, nên có xu hướng làm phim nhanh, gọn, hành động và hấp dẫn. Anh thích tiểu thuyết của tôi, vì theo anh nó mở ra cho anh một góc nhìn mới về một vụ án Nguyễn Trãi, để qua đó, sẽ giúp anh xây dựng một bộ phim kiếm hiệp tình cảm…” - nhà văn Bùi Anh Tấn tâm sự như vậy về tiểu thuyết Bức huyết thư nằm trong bộ truyện của anh được chuyển thể thành phim sẽ do Victor Vũ đạo diễn.

Như vậy là sau những ồn ào xung quanh Giao lộ định mệnh, đạo diễn Vichtor Vũ đã nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của nhà văn Bùi Anh Tấn để bắt tay vào một dự án điện ảnh mới, hứa hẹn sẽ là bộ phim dã sử hấp dẫn của Việt Nam.

Trò chuyện với TT&VH, nhà văn Bùi Anh Tuấn hé lộ:

- Nếu như tập 1 của bộ tiểu thuyết Nguyễn Trãi tôi dựa vào các tài liệu chính sử gần 90%, thì tập thứ 2, Bức huyết thư lại là dã sử gần 90%. Điều quan trọng của tập 2 này là tìm cách lý giải về cái án tru di tam tộc của toàn gia quyến họ Nguyễn. Đến nay giả thiết về cái chết này có rất nhiều, tuy nhiên tất cả cũng chỉ là giả thiết thôi và tôi cũng chọn một giả thiết cho riêng mình qua bức huyết thư, trong đó lồng vào những nhân vật lịch sử như Thái bảo Đinh Liệt, Tuyên từ Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh, Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân và cả sự kiện Lê Nghi Dân cướp ngôi vua.

Bùi Anh Tấn. Ảnh: TL

* Theo anh, việc tác phẩm nghiêng về hướng dã sử và mang tính hư cấu, giải trí... sẽ cho phép nhà văn, rồi đạo diễn có thể vươn đến những điều gì trong sáng tạo? Và người thưởng ngoạn sẽ thụ hưởng được những điều gì?

- Là nhà văn, dĩ nhiên tôi nghiêng về viết tác phẩm theo hướng dã sử và mang tính hư cấu, còn nếu không, cứ đọc các bộ sử là tốt nhất, xem tiểu thuyết làm gì. Tôi luôn tâm niệm viết về lịch sử chứ không phải là minh họa, kể lể về lịch sử. Tuy nhiên sự hư cấu, kể cả dã sử - theo quan niệm cá nhân tôi (và xưa nay tôi vẫn trung thành với cách này qua các tiểu thuyết lịch sử của mình) - là vẫn phải bám theo những sự thật của lịch sử đã diễn ra chứ không vẽ râu ria thêm những sự không có, hoặc mượn A để nói B nào đó... Những điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sự chọn lựa của mỗi nhà văn và tôi tôn trọng tất cả các chọn lựa đó. Tất nhiên, lịch sử thì chỉ vài dòng ngắn ngủi qua các trang sử sức tích và nhiệm vụ nhà văn khi viết là phải làm sống động những trang sử đó, cho nhân vật của mình mặc “quần - áo”, tô vẽ tâm hồn, có đau và yêu thương. Nguyễn Trãi của tôi là vậy.

* Với quan niệm như thế, hẳn cách viết của anh cũng chịu vài ràng buộc nhất định?

- Viết thế nào để không bị “hiểu lầm” đó là điều rất khó, tiểu thuyết Hội thề của Nguyễn Quang Thân là một ví dụ. Đã qua rồi cái thời Phẩm tiết, Vàng lửa... của Nguyễn Huy Thiệp, còn nay, nhiều lúc viết về lịch sử (trong đó có tôi) cũng phải cân phân đong đếm lắm khi đặt bút. Quyền hư cấu của nhà văn bỗng nhiên bị “hạn chế” bởi hàng loạt những yêu cầu của cuộc sống! Tôi đọc đâu đó có nhà lịch sử nói đại ý rằng sự thật lịch sử đã và đang diễn ra đúng với khách quan của cuộc sống, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chúng ta. Lịch sử là lịch sử, tôi tin vậy.

Bìa của Bức huyết thư (NXB Thanh niên & Phương Nam Book)

* Qua các trao đổi với phía sản xuất và đạo diễn, họ có cho anh biết điều gì dẫn đến quyết định chuyển thể tác phẩm này - vì làm phim dã sử khá tốn kém? Qua kịch bản, anh nghĩ Victor Vũ có nhấn đúng những ưu tư và gửi gắm mà anh muốn đặt vào trong tác phẩm không?

- Victor Vũ thích tiểu thuyết của tôi vì theo anh nó mở ra cho anh một góc nhìn mới về một vụ án Nguyễn Trãi, để qua đó, sẽ giúp anh xây dựng một bộ phim kiếm hiệp tình cảm... Làm phim dã sử, dĩ nhiên là tốn kém rồi, cái này các nhà sản xuất cũng đã tính đến. Thành thật mà nói, Bức huyết thư của tôi là nói đến những âm mưu cung đình thời “hậu” Nguyễn Trãi với những âm mưu tranh giành, chém giết... nhiều yếu tố hư cấu, tình yêu lãng mạn và đánh đấm ồn ào. Còn phim của Victor Vũ thì sẽ hướng đến tình yêu nhiều hơn, đó là cách xử lý của anh.

* Tại sao anh chọn Nguyễn Trãi làm cảm hứng, mà không phải là một nhân vật nào khác? Bộ sách này có dừng lại chưa, hay sẽ còn các phần kế tiếp nữa?

- Tôi đã viết xong về Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Alexandre de Rhodes và nay đang viết về Lý Thường Kiệt. Từ vị vua thành công Trần Nhân Tông, nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes, danh tướng Lý Thường Kiệt và Nguyễn Trãi thì thân phận nhân vật nào cũng có những điểm đặc biệt riêng, có sự thăng trầm khác nhau và tất cả họ đều ghi dấu ấn tạo nên những trang sử đậm nét trong lịch sử Việt Nam.

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm