Nhà văn Alan Moore: Quay lưng với Hollywood

28/12/2012 15:12 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Thiên tài lập dị này là người đứng sau thành công của những cuốn tiểu thuyết đồ họa kinh điển V for VendettaWatchmen. Nhưng ông đã từ chối sự giàu có mà Hollywood mời chào. Hiện sống ở quê nhà Northampton (Anh), ông vẫn làm phim "ít tiền" như một thú vui.

Nói nhà văn 59 tuổi là "lập dị" không có gì quá lời. Qua mấy thập kỷ, ông đã duy trì ngoại hình thường thấy của mình như một nhân vật trong các phim giả tưởng hoặc cổ trang: mái tóc như bờm sư tử và bộ râu phù thủy rậm rạp. Trẻ con ở các khu mua sắm ở Northampton mà Moore hay lui tới thỉnh thoảng vẫn phát hoảng, và chúng gọi ông là Chúa.

Nhà văn lập dị

"Tôi hoàn toàn hài lòng vì điều đó, bởi Jesus qua đời ở tuổi 33 và lũ trẻ nhầm tôi với một người trẻ hơn tôi rất nhiều", ông nói.

Nhưng với những người hâm mộ của các tiểu thuyết đồ họa hay truyện tranh mà Moore đã sáng tác, trong đó WatchmenV for Vendetta (đều đã được Hollywood chuyển thể thành phim), thì thực sự ông được tôn sùng. Moore là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất đất nước. Đồng thời, "hư hỏng" nhất và cũng khó tiếp cận nhất.

Đối với người ngoài, Moore như một câu đối hóc búa. Một trong những sự thật đánh đố nhất là việc ông sống cả đời ở Northampton, một địa phương nhỏ ở nước Anh, có nền văn hóa khá phong phú nhưng túng quẫn về kinh tế. "Nhiều cửa hàng buôn bán đang chết đi. Những người hiếm hoi giàu có ở nơi này là chủ các xưởng sản xuất vữa".

"Đây là nơi tuyệt vời đối với tôi. Giữ cho tôi tập trung. Cuộc đời chẳng dễ dàng gì, cũng chẳng quá khó khăn. Ở Northampton có một sức hút nào đó níu chân tôi".

Nhà văn Alan Moore. Ảnh: The Observer
Thích làm những bộ phim thật ít tiền

Tại sao bây giờ Moore lại làm phim, sau một thời gian dài "chống cự" Hollywood? "Những kinh nghiệm của tôi trong quá khứ, qua nhiều năm sống trong thế giới muôn màu muôn vẻ của Hollywood, đã tạo ra cảm giác ghê tởm trong tôi. Hầu hết các bộ phim Hollywood hiện nay đều là làm lại từ một phim trước đây hoặc một phim truyền hình mà ai cũng thích hồi những năm 1960, hoặc mà ai cũng ghét hồi những năm 1960".

"Nhưng tôi luôn thích những ý tưởng làm ra các bộ phim thật rẻ, thật nhỏ nhắn. Nếu bạn là một nhà văn hoặc nghệ sĩ, những gì bạn cần là một cái bút bi Biro và một cuốn sổ tay Woolworths. Tôi yêu những bộ phim làm ra gần như không tốn một đồng kinh phí nào".

Alan Moore, tên đầy đủ Alan Oswald Moore, sinh năm 1953 là một nhà văn Anh được biết đến với nhiều bộ tranh truyện, tiểu thuyết đồ họa nổi tiếng như Watchmen, V for Vendetta hay From Hell. Ông được coi là người sáng tác tiểu thuyết đồ họa xuất sắc nhất trong lịch sử và là "một trong những nhà văn Anh quan trọng nhất trong 50 năm qua". Một số bút danh khác của ông là Curt Vile, Jill de Ray và Translucia Baboon.

Bộ phim ngắn do Moore viết kịch bản và người đồng hương Mitch Jenkins đạo diễn, được quảng bá trên mạng vào tháng trước có tên Jimmy's End. Đây là một câu chuyện về thế giới bên kia. Phim được quay tại một câu lạc bộ của dân lao động ở Northampton. Moore góp mặt với một vai khách mời.

Với tiền, Moore có một mối quan hệ phức tạp. "Một thứ bùa mê", ông nói về tiền, "Nó chỉ ở đó khi ta tin vào nó".

Moore khiến người ta khó hiểu khi ký kết chuyển nhượng bản quyền làm những phim như Watchmen trong khi không muốn tác phẩm được làm thành phim. Khi bộ phim ra đời, tác giả chán ghét những gì ông nhìn thấy trên màn ảnh và cả doanh thu từ nó. Ông đề nghị đoàn làm phim loại tên ông ra khỏi đó và bắt đầu từ chối tiền bản quyền. Phần thù lao của mình, Moore chuyển cho Dave Gibbons, người đã cùng ông "thai nghén" tác phẩm này.

Cùng với Jimmy's End, Moore và đồng sự Jenkins cũng đang quay một phim ngắn có tên Act of Faith, cũng lấy bối cảnh Northampton. Bộ phim tốn của họ 11.000 bảng, số tiền mà nếu mang đến trường quay Watchmen thì chỉ đủ để mua… cà phê. “Ồ, thế đấy: tôi sợ kinh phí của các bộ phim đó lắm rồi, cũng nhiều như tôi sợ các bộ phim đó vậy".

"Tôi đã phát triển một lý thuyết cho rằng có một mối quan hệ đối nghịch giữa đồng tiền và trí tưởng tượng. Nếu bạn có trí tưởng tượng quá phong phú thì bạn không cần nhiều tiền, còn nếu bạn có quá nhiều tiền thì bạn chẳng cần nhiều trí tưởng tượng".

"Bạn phải có khả năng chi trả các hóa đơn của mình, nếu không bạn sẽ chẳng thể ngủ được vào ban đêm. Nhưng, thế giới trong đầu tôi luôn giàu có hơn rất nhiều so với thế giới bên ngoài nó. Nhiều tác phẩm nghệ thuật và văn chương của tôi được tạo ra để đưa hai thế giới đó đến bên nhau".

"Nhưng tôi cực kỳ tự hào vì điều đó. Từ chối một thứ vì nó không phải là thứ tôi muốn làm. Cách hành xử đó như có từ trong gien của tôi vậy".

Trí tưởng tượng, với Moore, như thể cơ bắp. "Nếu bạn luyện tập, nó sẽ ngày càng lớn lên". Sau 4 thập kỷ, có đôi lúc "luyện tập" hơi quá đà, ông không biết đặt những ý tưởng của mình ở đâu nữa.

Huyền Mi (theo Guardian)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm