Nguyễn Thúy Hằng: Rốt cuộc là hư ảo

16/12/2012 15:02 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Một món quà nhỏ nhắn và bất ngờ xuất hiện vào những ngày cuối năm 2012, khi việc đọc sách, trở thành một thú vui xa xỉ. Đó là tập sách Họ bột hư ảo gồm 28 bài viết của nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hằng, được NXB Văn học và Nhã Nam xuất bản.

Nguyễn Thúy Hằng

Họ bột hư ảo bổ sung vào mảng văn chương cá nhân của Nguyễn Thúy Hằng: Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý (Kiến thức & NXB Trẻ, 2006) cùng Bởi từ lâu chúng ta không thể ngủ (Kiến thức & NXB Văn học, 2008), bên cạnh một số triển lãm sắp đặt, các tác phẩm hội họa mỹ thuật, vốn là “nghề” tay phải của chị. Với lời giới thiệu trang trọng của nhà thơ Dương Tường, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan, do nhà nghiên cứu Cao Việt Dũng biên tập, tập sách của nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hằng đã và đang nhận nhiều ưu ái.

Một tâm hồn không thể nắm bắt

Có những e ngại, khi nói tới mảng sáng tác văn học của Nguyễn Thúy Hằng. Hẳn là vì, đó là những trang tự sự được viết ngẫu hứng, không theo bất cứ một lề lối quy tắc chuẩn mực nào. Những dòng chảy ý tưởng và cảm xúc chẳng tường minh, ghi lại khoảnh khắc bất ngờ xuất hiện trong não hay bừng nở từ tim của tác giả… Tất cả như hiện hình từ mơ mộng, vượt trên cõi đời thực, và được ấn định bằng ngôn ngữ.

“Để tôi nói về chứng tâm thần rối loạn ám ảnh và những thứ tương tự như tâm trạng khi yêu, tâm thần thôi thúc, dữ dội, dai dẳng, triền miên. Lượng hóa chất serotonin của họ giống nhau, rất thấp. Cả hai đều là trạng thái điên cuồng chất ngất” (Họ, T27).

Hay: “Thỉnh thoảng, trong mùa hè, cô cũng có một ít xu hướng nhuốm vàng, nhưng rồi cô cũng trở lại với thân thể xanh nguyên, đắm dưới làn nước trong và bốc khói trong mùa Đông”. (Màu điên xám xanh, T53).

Những trang văn không thể định hình, thì sự cảm nhận của người khác nếu đọc chúng, tựu trung cũng chỉ là hư ảo.

Tôi không tin rằng, Nguyễn Thúy Hằng có thể tự phân tích các ngôn từ đã viết ra. Chỉ là phản ứng hoàn toàn cá nhân của tác giả với những (tạm gọi là) sự áp đặt không chủ đích từ những người quan tâm, giả dụ như những cái tên đã nêu trên với những sáng tác của chị. Và nếu có thể nói bất cứ điều gì về 28 đoản khúc sáng tác không thuộc thể loại văn chương nào thì chỉ có thể dùng chính cái tên sách: Hư ảo. Thế thôi.

Chính vì thế, việc xuất bản Họ bột hư ảo quả là việc đáng khích lệ với những người làm văn chương tự phát, chọn ví trí ngồi cao hơn đám đông, khi rõ ràng sách ra không phải để thu về lợi nhuận, bởi nhà sản xuất đã nắm rõ mười mươi về việc khó bán.

Một nghệ sĩ không dễ nắm bắt

Một thời gian, không còn thấy nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hằng xuất hiện trong đám đông nào đó ở Hà Nội, có lẽ, chị đang lẩn khuất nơi nào đó tại TP.HCM. Giữa phố đông, một nghệ sĩ chọn lối "bay" về phía xa xôi, không thể nắm bắt.

Lần này, trong Họ bột hư ảo, nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hằng có nhắc tới đâu đó về chuyện yêu.

“Ở đây trăng đã sáng lắm rồi, tôi vừa nghe trên radio một giọng kể buồn rầu họ nhắc lại từ ngữ mà tôi cho rằng rất xa lạ, nó kể lại năm tháng xưa kia tôi bội bạc đến thế nào: tôi chồng chéo tình cảm và tôi chạy theo rong ruổi thường ngày: tôi để lại trong tình yêu sự bất tín” (Như một kẻ khác, T35).

“Hãy mặc chiếc áo hoa có rãnh sâu trước ngực/ hãy ngồi như cô gái đang đợi tình nhân tới/ với đôi mắt nâu và đeo dây gỗ màu xanh lam/ sẵn sàng siết cổ người yêu chết trên tay mình” (Calla lys, em đến. T63).

Cùng những câu chuyện khác nảy sinh vào lúc chị đang viết ra những điều này, nên sau mỗi bài, là một ghi chú, ví như “Studio, 8pm. Thứ Ba. Tháng 2/2009” hoặc “20, tháng 9/2009, 9h tối. Phòng vẽ g.”…

Nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hằng vẫn ưa một mình nơi quán cà phê vắng, rất e ngại những chào hỏi vô ưu của ai đó bất chợt ngang qua, với lối nói chuyện nhỏ nhẹ nhưng rất quyết đoán, khi thì im ắng như bức tường rêu già nua đầy hoài nghi, lúc lại sôi nổi câu chuyện tựa nắng sớm vừa xòa qua ngõ, lúc gần, lúc xa. Dù thế nào, sau khi chị đi rồi, vẫn để lại khoảng trống thiếu ấm áp.

Khoảng trống của người chỉ sống bên trong tâm hồn mình, lặn vào cảm xúc mình, tự vui với bản năng mình, mà không cần thiết lắm những đường dây nối với con người bên ngoài.

Thế nên, văn thì vẫn là viết cho mình, thỏa thuê bày tỏ tâm trạng mình. Cũng có thể khích lệ một nguồn sáng tạo nào đó cho ai có tâm hồn nghệ sĩ đồng điệu, tương đồng với những nghệ sĩ ưa thể nghiệm. Mà rất có thể không có nghĩa gì.

Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm