Lòng tốt vẫn còn đây

11/03/2015 19:43 GMT+7 | Chuyện tử tế

(Thethaovanhoa.vn) - Tháng Giêng đẹp nhất của năm lại có quá nhiều chuyện buồn khi người Việt cứ phơi trên mặt báo bằng những hành động gây tranh cãi.

Lễ hội Gióng đánh nhau vì tranh cướp hoa tre. Giáo sư Vũ Khiêu hôn Hoa hậu Kỳ Duyên và tặng nàng câu đối “trật chìa” bị cộng đồng mạng thay nhau “ném đá”. Cô cựu người mẫu Trang Trần chửi người thi hành công vụ như hát hay và đã bị bắt. Người Việt yêu thích sự ôn hòa bị lên án quá dã man với cảnh máu me khi chém lợn ở làng Ném Thượng. Trong mấy ngày Xuân mà có hơn 6.000 người nhập viện do đánh nhau...

Tháng Giêng là tháng ăn chơi với vô vàn lễ hội. Thử tưởng tượng trong đám đông ở các lễ hội này, sẽ còn bao nhiêu vụ tương tự khiến hình ảnh người Việt ngày càng xấu thêm trong chính cái nhìn của người Việt? Nhưng chắc chắn một điều, người Việt phần đông không xấu xí như thế. Đầu năm, theo quan điểm xưa nay, người người, nhà nhà luôn nguyện “làm điều lành, tránh làm điều dữ”. Những điều lành đó thường xuất phát từ tâm thiện và đôi khi hết sức bình lặng. Trong dòng chảy hàng ngày có vẻ nhốn nháo và xô bồ, chúng ta thử lắng nghe lòng tốt của những người tử tế vẫn hiện diện quanh đây.

1. Chuyện thứ nhất của họa sĩ Lê Ký Thương, ông thường tự trào mình là “họa sĩ Cóc” với da mặt xù xì. Họa sĩ Cóc - Lê Ký Thương, kể: “Sau Tết, vợ chồng Cóc tiễn vợ chồng người bạn thân đi Nha Trang. Mải nói chuyện trên tàu, không ai để ý giờ giấc. Khi tàu bắt đầu chuyển bánh, vợ chồng Cóc mới… bàng hoàng. Khi thấy vợ Cóc hớt hải, Cóc lẽo đẽo chạy theo sau, thì anh chàng phụ trách toa mới vội kiểm tra loa và phát hiện loa… chưa bật. Coi bộ lỗi tại cái loa, lỗi người tiễn không chịu coi đồng hồ, chứ không phải tại anh chàng phụ trách đang đực mặt ra không một lời “xin lỗi quý khách”. Thôi đành đấm ngực ba cái mà thốt lên: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Giờ thì vợ chồng Cóc bắt đầu cười… mếu”.


Vợ chồng họa sĩ Lê Ký Thương

Chuyến tàu “bất đắc dĩ” của vợ chồng họa sĩ Lê Ký Thương, ông vừa trải qua một cơn tai biến, đã giúp ông trải nghiệm khi nhận ra nhiều lòng tốt vẫn còn quanh mình. Họa sĩ nhớ lại: “Biết tàu dừng lâu ở ga Mường Mán để tránh tàu, vợ chồng Cóc tính sẽ “từ giã” bạn ở đó và kiếm phương tiện trở lại Sài Gòn. Khổ nỗi, trong túi chỉ có hơn trăm ngàn (lên ga tiễn bạn thôi mà, đem chi cho nhiều). Cũng may, tiền bạn không thiếu. Thế là bạn đưa tiền cho mượn, lại còn được chia đôi ổ bánh mì vừa mua cho vợ chồng bạn ăn đêm. Vợ chồng Cóc lật đật từ giã bạn, nhảy xuống. Vợ bạn hóm hỉnh dặn vói theo: “Lần sau đi tiễn nhớ mang theo… bót đánh răng!”.

Ga Mường Mán vắng tanh. Vợ Cóc chạy vào phòng trưởng ga “trình bày hoàn cảnh” xem có cách nào quay lại Sài Gòn trong đêm. Không ngờ gặp người tốt. Anh ta nhiệt tình giới thiệu hai anh công an cũng sẽ lên chuyến tàu Bắc - Nam sắp tới. Cả hai công an này cũng là người tốt, vợ Cóc muốn “cảm ơn cụ thể” nhưng họ từ chối không nhận, hay do cám cảnh “hai cụ lụ khụ” đêm khuya thanh vắng? Lên được ngay chuyến tàu vừa trờ tới, vợ chồng Cóc thở phào. Vậy là thoát được cảnh bơ vơ bên vệ đường đón xe trong đêm đen”.


Nhà văn Nguyễn Đông Thức và Đoàn Thạch Biền đi “Mô-tô học bổng” nhưng xe bị hư

Những ai từng di chuyển trong mấy ngày trước và sau Tết, mới thấu hiểu thế nào là “Tết nhất rồi hãi lắm cảnh tàu xe”. Vợ chồng họa sĩ Lê Ký Thương được cho lên tàu khi chưa mua vé vả là gặp được “quý nhân giúp đỡ”. Họa sĩ Cóc kể tiếp: “Tàu sắp vào tới ga Sài Gòn, vợ chồng Cóc lại thêm một nỗi lo nữa: Tình ngay lý gian. Liệu nhân viên soát vé ở ga có làm khó dễ để phạt “xanh máu mặt” vì tội đi tàu lậu hay không? Những hành khách lậu vé sẽ bị phạt gấp đôi. Đang thấp thỏm lo thì lại bất ngờ gặp được quý nhân. Anh nhân viên phụ trách toa kiếm tặng cho “hai bác” hai vé hợp lệ từ ga Diêu Trì (Quy Nhơn). Gửi tiền, anh ta từ chối. Đành cảm ơn rốt rít. Thế là thoát nạn đi tàu lậu vé… 5 giờ sáng, vợ chồng dắt nhau ra bãi giữ xe mà không thể không cười. Đi tiễn bạn mà từ tối hôm qua cho đến sáng nay mới về tới nhà”.

2. Chuyện thứ hai thuộc về hai nhóm thiện nguyện, một của miền Bắc “Cơm có thịt” và một của miền Nam “Mô-tô học bổng”. Nhóm “Cơm có thịt” do nhà báo Trần Đăng Tuấn và nhà văn Phạm Ngọc Tiến cùng những người bạn thực hiện đưa quà đến trẻ em vùng cao, chủ yếu ở các tỉnh thành phía Bắc. Nhóm “Mô-tô học bổng” do hai nhà văn Đoàn Thạch Biền và Nguyễn Đông Thức cùng bạn bè đi phát học bổng, tặng quà cho học sinh nghèo tại các tỉnh thành phía Nam.

Hai nhóm này đã được báo đài đề cập khá nhiều, dù công việc của họ luôn diễn ra một cách thầm lặng. Những lòng tốt tiếp sức với họ cũng thầm lặng nốt. Chẳng hạn, khi biết công việc “vô vụ lợi” của nhóm “Mô-tô học bổng”, một cô giáo về hưu ở Q.Thủ Đức, TP.HCM đã liên lạc với nhà văn Nguyễn Đông Thức để góp 20 triệu đồng tiền con cháu tặng bà tiêu Tết. Cô giáo đề nghị không nêu tên. Trong khi hiện nay, nhiều người mượn danh nghĩa “từ thiện” để đánh bóng thương hiệu hay bản thân, thì những tấm lòng như cô giáo về hưu kia thật đáng trân trọng.


Nhà văn Đoàn Thạch Biền và Nguyễn Đông Thức chụp hình kỷ niệm với học sinh trong một lần “Mô-tô học bổng”

Vậy ngoài mục đích thiện nguyện thì hai nhóm “Cơm có thịt” và “Mô-tô học bổng” có gì liên quan với nhau? Xin thưa, hai nhóm này sẽ “bắt tay nhau”, mà nhà văn Nguyễn Đông Thức gọi vui là “cú bắt tay lịch sử”. Vào trung tuần tháng 3 này, hai nhóm sẽ gặp nhau ở vĩ tuyến 17 sông Bến Hải, Quảng Trị. Hai nhóm sẽ cùng đi thăm và phát quà cho học sinh 2 trường tiểu học Vĩnh Hà (huyện Vĩnh Linh, bờ bắc Bến Hải - có 80 cháu học sinh, 70 cháu là người dân tộc Vân Kiều) và Vĩnh Trường (huyện Gio Linh, bờ Nam Bến Hải - có 73 học sinh đều là người Vân Kiều). Đây là 2 xã miền núi, toàn người dân tộc Vân Kiều sinh sống, dù được Nhà nước chăm lo rất nhiều do sự đóng góp của họ trong kháng chiến, nhưng đến giờ vẫn nghèo rởt mồng tơi.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức, cho biết: “Quyết định của hai nhóm: phá lệ trao đủ quà cho tất cả học sinh của hai trường”. Thông thường, nhóm “Mô-tô học bổng” chỉ trao 40 suất học bổng cho các cháu nhà nghèo học giỏi ở mỗi trường học. Nhưng có lẽ, lần này phá lệ vì đây là địa điểm đặc biệt trong thời điểm đặc biệt kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. Được biết, ngoài học bổng, quà bánh, sách vở, Công ty Văn hóa Đông A của họa sĩ Trần Đại Thắng còn đồng hành cùng hai nhóm với 20 chiếc xe đạp dành cho các cháu học giỏi đến trường. Hỏi nhà văn Nguyễn Đông Thức đã đủ tiền chưa? Ông cười nói: “Làm sao đủ được, ba năm qua chúng tôi trao hơn tỷ đồng nhưng như muối bỏ biển. Tuy nhiên, còn đi được thì chúng tôi còn làm”.

Ờ, đầu Xuân “xem, thấy và nghe” chuyện tử tế của người tử tế, để mong rằng cả năm lòng tốt hiện diện khắp nơi trên nước Việt mình!

Trần Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm