Hướng tới "trung tâm thi ca" của thế giới

03/02/2012 07:37 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Sáng qua (2/2), Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất đã khai mạc tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh). Cơn mưa đầu mùa Xuân kèm tiết trời lạnh giá, sương mù dày đặc đã khiến buổi lễ khai mạc chậm hơn 1 giờ đồng hồ so với dự kiến.

Nhưng trong cái mưa, cái lạnh ấy, ai cũng có thể thấy được sức mạnh của thi ca, của văn hóa đã kêu gọi và quyến rũ hơn 100 nhà thơ đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ tụ lại với nhau, để nói những điều tốt đẹp cho hòa bình của mỗi xứ sở. Các đoàn có đông nhà thơ tham dự nhất là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ - những nước có nền văn hóa và văn học lớn trên thế giới. Trong đó, đông nhất là đoàn nhà văn Trung Quốc gồm 9 người. Còn lại các đoàn khác trung bình từ 3 đến 5 đại biểu.

Một “căn cứ mộng mơ” từ núi Bài Thơ

Sau lễ kéo cờ thơ in tất cả quốc kỳ thành một vòng tròn thể hiện "tinh thần thơ", đoàn kết, gắn bó và cùng phát triển, các nhà thơ quốc tế đã lên đường tham dự lễ dâng hương Hoàng đế - thi sỹ Lê Thánh Tông và thả thơ tiền nhân tại chân núi Bài Thơ. Chỉ tiếc là sương mù dày đặc, chân núi Bài Thơ đang ngổn ngang tế bần xây dựng nên cảnh không được "nên thơ" cho lắm. Tuy nhiên, hầu hết các nhà thơ quốc tế đều rất vui vẻ và tỏ ra thích thú khi được một số nhà thơ Việt Nam đọc, dịch lại bài thơ mà hoàng đế Lê Thánh Tông từng khắc lên núi Bài Thơ với những câu thơ đầy ý nghĩa và hết sức hùng hồn như: ...Phía bắc, bọn giặc giã như hùm beo đã dẹp yên/Vùng biển phía đông, khói chiến tranh đã tắt/Muôn thuở trời Nam, non sông bền vững/Bây giờ chính là lúc giảm việc võ, tu sửa việc văn.

Bài thơ này cũng được khắc lại bằng đồng và ngay tại chân núi Bài Thơ, ông Phạm Minh Chính, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh đã tặng lại tác phẩm này cho Bảo tàng Văn học VN để trưng bày trong thời gian tới.

Nhà thơ Hữu Thỉnh xúc động cho biết: "Vách núi Bài Thơ đã giữ được một bài thơ lịch sử của Lê Thánh Tông khi hoàng đế từ Thăng Long đi tuần thú khu vực biển Đông Bắc. Bài thơ ấy là một "căn cứ thơ mộng", một căn cứ có chiều sâu văn hóa để cho Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương tại Quảng Ninh... Và hơn thế, tại Liên hoan thơ này, Việt Nam muốn cùng với các nhà thơ quốc tế tôn vinh thi ca, gửi thông điệp hòa bình, hữu nghị, phát triển đến các nhà thơ châu Á, mong mỏi châu Á – Thái Bình Dương phải là trung tâm của thế giới, tượng trưng cho hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Từ nay về sau, hai bờ Thái Bình Dương mãi mãi là khu vườn khoe sắc bất tận của các nền văn hóa dân tộc".

Thả thơ bên vịnh Hạ Long - Nguồn: Internet

"Việt Nam là… một nước thơ"

Chiều cùng ngày các nhà thơ đã bước vào cuộc hội thảo Thơ ca vì một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, đoàn kết, hợp tác, hữu nghị và phát triển. Có thể vì lần đầu tiên và còn lạ nước, lạ cái nên hầu hết các tham luận của các nhà thơ đều bám sát "đầu bài", "khoe" về bề dày, chiều sâu nền văn học của nước mình chứ chưa mở rộng được cái nhìn kỹ lưỡng sang các nền văn học của các nước khác, ngoại trừ một số đại biểu đã có "thâm niên" nghiên cứu văn học của một quốc gia nào đó. Vì thế, trong quá trình diễn ra hội thảo không có nhiều sự phản biện, chỉ có lắng nghe, cảm nhận và chia sẻ.

Dịch giả người Hàn Quốc Ahn Kyung Hwan cảm kích: "Tôi đã dịch một số tác phẩm văn học Việt Nam và cũng đã phần nào thấy được bề dày, chiều sâu đời sống văn học của Việt Nam từ xưa đến nay. Ở đâu trên đất nước các bạn cũng có truyền thống văn hóa, cũng có truyền thống tôn vinh thơ ca và đặc biệt là ở đâu cũng có công chúng yêu thơ ca. Vì thế, tôi hy vọng lần đầu, chúng ta bắt đầu từ Quảng Ninh, nhưng từ lần sau này và mãi mãi, hãy mang thơ ca đến các địa phương khác trong cả nước các bạn, cho tất cả những người dân...".

Về phía chủ nhà Việt Nam, lịch sử văn hóa của dân tộc đã xác nhận sức mạnh của thơ ca là gắn kết con người với nhau, bồi đắp tư tưởng, tình cảm con người, làm cho con người cao thượng, khoan dung và hào hiệp với nhau. Điều đó, chính những người cầm bút sáng tác hiểu rõ và tin cậy hơn bao giờ hết. Thế hệ tiền nhân đã tạo ra, bồi đắp được truyền thống thi ca ấy, thế hệ hôm nay và sau này đang nỗ lực kế thừa và gìn giữ cho được truyền thống ấy để Việt Nam xứng đáng là một cường quốc của thi ca.

"Việt Nam là một dân tộc của thơ ca, có truyền thống về thơ ca với rất nhiều nhà thơ nổi tiếng, những thành tựu to lớn đã đi vào ký ức của lịch sử, tâm hồn dân tộc. Chúng ta phải thường xuyên tôn vinh thi ca dân tộc vừa đồng thời kết hợp, học tập, chuyển hóa thơ ca của nhân loại để làm cho thơ ca của chúng ta vừa mang tính dân tộc, vừa sánh bước được cùng với thơ ca nhân loại. Tổ chức Liên hoan thơ hay ngày thơ hàng năm của Hội NV VN cũng chính là nhằm đến tư tưởng như thế, luôn quan niệm như thế!" – nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.

Phạm Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm