Hơn 40 vạn khách đến Côn Sơn - Kiếp Bạc

17/02/2014 15:01 GMT+7 | Di sản


(Thethaovanhoa.vn) - Ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng Ban quản lý Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán (31/1) đến nay, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã đón trên 40 vạn lượt khách đến hành hương.

Trung bình mỗi ngày Khu di tích đón hơn 1,5 vạn lượt du khách, có những ngày cao điểm có trên 2 vạn lượt khách đến thắp hương, thưởng ngoạn tại đây. Đặt biệt từ 13 đến 16/2 (14 đến 17 tháng Giêng âm lịch), những ngày tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2014, Khu di tích này đã đón trên 5 vạn lượt du khách.

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia năm 1962; năm 2012 được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và trong Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc 2013, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận lễ hội mùa xuân Côn Sơn và lễ hội mùa thu Kiếp Bạc là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Côn Sơn - Kiếp Bạc luôn có ý nghĩa, tầm quan trọng trong lịch sử đất nước.

Biểu diễn nghệ thuật trong ngày khai hội. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là một quần thể nhiều di tích nằm trên địa bàn thị xã Chí Linh, Hải Dương. Khu di tích Kiếp Bạc có nhiều di tích liên quan đến những chiến công lẫy lừng của quân và dân nhà Trần, ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông thế kỷ XIII; gắn với thân thế sự nghiệp của Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, hai vị anh hùng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam. Khu di tích Côn Sơn còn là một trong những cơ sở phát tích Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần, gắn với Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả. Nơi đây cũng là địa danh gắn bó cuộc đời của danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Quần thể di tích Côn Sơn gồm khu vực núi Kỳ Lân, núi Ngũ Nhạc, hồ Côn Sơn, bãi rễ tự nhiên với cảnh trí “sơn thủy hữu tình”, tươi sáng mà u tịch, như thực như mơ. Nơi đây còn có chùa Côn Sơn cổ kính từ thời Lý, đền thờ Trần Nguyên Đán, đền thờ Nguyễn Trãi mới dựng như một tòa ngọc giữa thảm rừng xanh bạt ngàn thông reo vi vút ...

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn năm nay kỷ niệm 680 năm ngày mất của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả (1334 - 2014) nhằm tôn vinh công đức to lớn của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm trong sự nghiệp thống nhất tôn giáo, bảo vệ Tổ quốc. Cùng với lễ hội Côn Sơn, lễ hội truyền thống đền Kiếp Bạc được tổ chức từ ngày 15 đến 20 tháng 8 âm lịch hằng năm để nhân dân cả nước bày tỏ tấm lòng tri ân với Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại vương - vị Anh hùng dân tộc, nhà quân sự thiên tài có công lao to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thế kỷ thứ 13.

Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã góp phần làm nên nét văn hóa đặt sắc, đa dạng không chỉ riêng vùng đất Hải Dương, mà trở thành dòng chảy liên tục “hội tụ, kết tinh và lan tỏa” đến hàng triệu đồng bào trên mọi miền đất nước và có vị thế quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2014 này gồm các nghi lễ truyền thống như: Lễ dâng hương, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc, lễ giỗ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả… và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ và trò chơi dân gian được diễn ra trong suốt các ngày hội như: Thi gói bánh chưng, giã bánh dày; hội thi pháo đất; thi đấu vật dân tộc...

Một nét mới tại lễ hội năm nay là Tỉnh Đoàn Hải Dương đã huy động gần 200 học sinh, sinh viên, thanh niên tình nguyện tham gia phục vụ công tác tổ chức lễ hội. Các tình nguyện viên đều là những đoàn viên ưu tú được tuyển chọn từ trường Đại học Sao Đỏ, Đại học Hải Dương và đoàn viên, thanh niên ở thị xã Chí Linh. Các bạn trẻ đều từng là thành viên của các đội xung kích về đảm bảo an toàn giao thông hoặc bảo vệ môi trường. Nét mới này đã để lại trong lòng du khách thập phương đến với Khu di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc không chỉ là sức trẻ thanh niên tình nguyện, mà còn là nét đẹp về văn hóa ứng xử của người dân xứ Đông.

Cùng với đó, Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng phương án để đảm bảo an toàn cho du khách hành hương về Côn Sơn - Kiếp Bạc. Bên cạnh lực lượng Cảnh sát giao thông chốt tại tất cả các điểm, tuyến đường dễ xảy ra ách tắc, công an Chí Linh còn tổ chức các tổ Cảnh sát giao thông cơ động, sẵn sàng phân luồng, tuyến, có mặt kịp thời điều tiết giao thông.

Ban quản lý cũng tổ chức cho các hộ dân trong khu vực di tích ký cam kết không tăng giá dịch vụ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau những ngày diễn ra lễ hội; không để hình thức kinh doanh đổi tiền lẻ, hưởng chênh lệch trong khu vực di tích, khu vực lễ hội, không cài, giắt, đặt rải tiền một cách tùy tiện, gây phản cảm, bố trí bàn công đức hợp lý để phục vụ nhân dân công đức tu bổ di tích… Ban quản lý còn phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp hành nghề mê tín, dị đoan, bắt chẹt, nâng giá chèo kéo du khách thập phương...

Mạnh Tú

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm