"Đười ươi chân kinh" của Bùi Giáng: Khi thơ đạt đến chân kinh

22/12/2011 12:40 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Những độc giả yêu thích và thần tượng Bùi Giáng (vốn khá đông) sẽ có thêm dịp “truy nguyên ngọn nguồn” cùng thi sĩ này khi tác phẩm Đười ươi chân kinh (NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam, 536 trang) vừa ấn hành nhân ngày sinh của ông (17/12). Đây là tuyển tập khá công phu mà những người thực hiện muốn đạt đến “chân kinh” của một thi sĩ có sức viết như “cuồng phong, sóng dựng”.

Để đánh dấu sự kiện này, Nhã Nam đã phối hợp cùng L’Espace (Hà Nội) tổ chức đêm thơ Bùi Giáng và giới thiệu tinh tuyển vào lúc 18h ngày 20/12, với sự tham gia của học giả Bùi Văn Nam Sơn, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, dịch giả Nguyễn Nhật Anh, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và nghệ sĩ ngâm thơ Ngọc Lan. Cũng tại hội trường L’Espace, đã có triển lãm giới thiệu khoảng 70 quyển sách của Bùi Giáng xuất bản trước 1975 và một số tranh ảnh, thủ bút độc đáo, thuộc sưu tập của Yên Ba và Nguyễn Nhật Anh, kéo dài trong 5 ngày.

Huyền thoại…

Đương thời, Bùi Giáng (1926-1998) có rất nhiều bút danh, như Trung Niên Thi Sĩ, Bùi Bàn Dúi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng… và Đười Ươi Thi Sĩ. Có lẽ vì “tinh thần đười ươi” mà tuyển tập có tên Đười ươi chân kinh đã tập trung tuyển những tác phẩm xuất bản thời Bùi Giáng còn sống.

Bùi Giáng (17/12/1926 tại Quảng Nam - 7/10/1998 tại TP.HCM). Ảnh: TL

Nhiều người hẳn còn nhớ cuốn Bùi Giáng - Qua 99 giai thoại (NXB Lao động, 1999) do Huyền Li sưu tập, đủ thấy xung quanh thi sĩ này có rất nhiều giai thoại. Có nhiều ý kiến cho rằng giai thoại về Bùi Giáng, nếu so với các thi sĩ khác và nếu tính về số lượng, chắc nhiều nhất thế kỷ 20 (!?); nhiều giai thoại đã trở thành huyền thoại.

Nhà thơ Vũ Ngọc Giao có một quãng dài đi chơi với Bùi Giáng nói đại ý rằng, các giai thoại được sinh ra vì hai lý do chính: muốn chứng tỏ mình thân với đười ươi thi sĩ nên tự “sáng tạo” ra một câu chuyện riêng; có giai thoại riêng rồi thì không cần đọc thơ họ Bùi nữa, vì thơ ông rất nhiều và không hề dễ đọc chút nào.

Đương thời, Bùi Giáng thích “ngao du ngày tháng”, có thể nói chuyện triết lý, văn thơ suốt ngày đêm, nhưng rất ghét kể giai thoại. Xét trên bình diện văn bản, điều này được ông thể hiện khá rõ khi viết về Lý Bạch, đại thi hào gắn liền với nhiều giai thoại. Bùi Giáng viết: “Người Trung Hoa đã điên rồ thêu dệt những giai thoại ngớ ngẩn tưởng là làm vinh dự cho ông, nhưng thực ra đã bôi nhọ ông một cách cổ kim chưa từng có. Tại hạ đã nhiều phen muốn nêu sự vụ kia ra, nhưng vừa nghĩ tới đã cảm thấy buồn nôn gớm guốc khôn tả”.

Thơ là chân kinh…

Dịch giả Nguyễn Nhật Anh (đại diện Nhã Nam) nói rằng tham vọng duy nhất của tuyển tập này là giúp độc giả bận rộn ngày nay có một cái nhìn bao quát, xuyên suốt về tất cả khía cạnh văn chương của thi sĩ vô tiền kháng hậu này.

Trong lời giới thiệu, Thiên Hải Đoạn Trường Nhân viết: “… Chúng tôi chủ trương chỉ chọn lọc những gì “đọc được” (readable) trở lên của “đười ươi thi sĩ”, và bằng nguyên tắc này, gạt bỏ ra ngoài hết thảy những gì mà chúng tôi cho là tạp nham, không cơ bản, những “sấm ngữ” tối nghĩa…”.

Tuyển tập Đười ươi chân kinh có vẻ như chia sẻ được quan điểm của nhà nghiên cứu Huỳnh Hữu Ủy: “Bùi Giáng là người tài, nhưng là một nhà thơ điên, vì vậy ông viết quàng xiên nhiều quá. Nhưng cũng chẳng hề gì, mấy ngàn trang sách của ông chỉ cần lọc lại thành một tập thơ nhỏ, rồi với tập thơ ấy chỉ cần tinh lọc thêm một lần nữa để chỉ còn lại chừng mươi bài, thì với mươi bài thơ ấy ông cũng đã là một nhà thơ lớn bậc nhất của thời hiện đại, một vì sao lấp lánh rạng rỡ mãi hoài trên vòm trời thơ của dân tộc Việt”.

Ngoài hình ảnh, các trích lục và phụ lục được tuyển lựa có tiêu chí, quyển sách còn dành ra một chương cho “những câu thơ lẻ xuất thần, đặc biệt là lục bát” và một “tự điển” về những từ ngữ có tần số xuất hiện nhiều, tiêu biểu trong thơ Bùi Giáng. Nhìn chung, đây là tinh tuyển khá thành công trong việc phác thảo diện mạo một tác giả quan trọng của văn học Việt Nam thế kỷ 20.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm