Đọc sách: Châm ngòi cho những sáng tạo

09/12/2012 13:24 GMT+7 | Đọc - Xem

Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang

(Thethaovanhoa.vn) - Đọc sách Khơi nguồn sáng tạo của tác giả Jack Foster (Alpha Books & NXB Lao động Xã hội, 2012), nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang giới thiệu…

Đây không phải là cuốn sách văn học, mà là về kỹ năng sống. Cuốn sách hữu ích cho hết thảy chúng ta, đặc biệt với những ai không sống được bằng nghề văn, buộc phải làm tròn vai trò khác: làm việc trong một công ty/ cơ quan với bộn bề khó khăn.

1. Trong giai đoạn các nhà phê bình văn chương thích chạy “show” diễn thuyết ở các hội thảo, trên kênh truyền hình hơn là đọc sách văn, và các nhà văn nhà thơ thì lại càng ái ngại khi liếc mắt vào các cuốn văn chương của đồng nghiệp bởi mải lo chuyện cơm áo gạo tiền, còn các nghệ sĩ thì ngơ ngác khi nói chuyện nghiêm ngắn về tình hình văn học thì thực tế hơn, chúng ta nên đọc cuốn sách nhỏ này, với những kỹ năng - châm ngòi cho sáng tạo.

“Cá nhân sáng tạo đã là tài sản vô giá. Một tập thể sáng tạo còn có sức mạnh khôn lường đến mức nào”. Lời giới thiệu của cuốn sách đã nói rõ vậy. Và quả thực khi áp dụng vào thực tế sống, thì nó hoàn toàn hợp lý thuyết phục.

2. Vậy làm sao để thành người có khả năng khơi nguồn sáng tạo (từ người khác)?

Có hai điều căn bản, trước nhất là cần giúp mọi người nghĩ tốt hơn về chính bản thân họ. Đó là bởi, “con người luôn hành xử theo hình ảnh mà họ tưởng tượng về bản thân. (...) nếu họ nghĩ mình là người sáng tạo, là người đột phá về ý tưởng, rất có thể họ sẽ trở nên sáng tạo và đột phá về ý tưởng”.

Thứ hai, cần tạo môi trường làm việc vui vẻ. Bởi sự thật luôn luôn là, những người cảm thấy vui vẻ sẽ luôn làm việc tốt hơn.

Với các điều bạn có thể làm và áp dụng tốt, như quan tâm đến đồng nghiệp, luôn nhớ rằng họ làm việc cùng bạn chứ không phải cho bạn, tự tìm hiểu xem họ có thích bạn không, luôn biết cách khéo léo nhận lỗi về mình để đừng đổ lỗi cho người khác, chỉ tuyển vào những người bạn thấy có cảm tình, thích thú, luôn tin tưởng và đánh giá cao nỗ lực của họ, cho phép họ thất bại, giúp họ đạt được những mục tiêu riêng của mỗi cá nhân ngoài công việc chung, không bao giờ nói dối không chỉ với những vấn đề quan trọng, luôn thể hiện lòng nhiệt huyết, biết cách nhờ họ giúp đỡ hay biết tự tạo niềm vui... thì đó là những cách tốt nhất có thể để khơi gợi những tiềm năng sáng tạo đối với đồng nghiệp của mình.

Cuốn sách Khơi nguồn sáng tạo cho ta thấy rõ, với tình yêu thương, sự thật thà, hào phóng thậm chí là những hành động cứ cho là ngốc nghếch... bạn đã có thể châm ngòi sáng tạo cho những ai làm việc cùng. Bạn hãy yêu cầu thật nhiều giải pháp chứ không chỉ là một, làm cho họ cảm thấy công việc được giao cũng dễ dàng, luôn coi trọng sự nghỉ ngơi, bởi chúng là thời gian não được nạp năng lượng để từ đó có thêm những ý tưởng mới, và dĩ nhiên, hãy cho họ đi chơi, nếu như họ muốn.

3. Đọc đến đấy, bạn có vẻ thấy kỳ cục, bởi những giải pháp khơi nguồn cho sáng tạo này không giống như bạn đã biết trước đó. Nhưng cũng nên thử xem, bởi tác giả viết lên cuốn sách - Jack Foster - với 15 năm làm Giám đốc sáng tạo của Foote, Cone & Belding ở Los Angeles, ông đã đưa công ty thành đại diện quảng cáo lớn nhất vùng bờ Tây. Ngoài ra, ông còn giành hàng chục giải thưởng, trong đó có giải “Người sáng tạo nhất trong năm”, do Câu lạc bộ Sáng tạo Los Angeles trao tặng.

Hãy mua và đọc thử xem, nếu không áp dụng được vì bạn thấy chưa phù hợp, thì cũng là sự thú vị khi biết được kinh nghiệm sáng tạo từ người khác. Và đừng lo, cuốn sách này khá mỏng.

Nguyễn Quỳnh Trang


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm