Đạo diễn Việt Đặng: “Đột nhập” trại cai nghiện bằng phim

17/11/2012 09:05 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Dự án đưa phim và việc viết kịch bản (Zero+) đến trại cai nghiện của đạo diễn Việt Đặng được khởi động lúc 14h ngày 15/11 tại Hãng phim Sơn An (91A Đinh Tiên Hoàng, TP.HCM) với bộ phim Những đứa trẻ thiên đường của Iran.

Điểm đến đầu tiên của dự án là Trung tâm Cai nghiện Nhị Xuân (dự kiến vào cuối tháng 11 này) với 9 buổi học viết kịch bản và 3 buổi xem phim cho hơn 1.200 học viên của trại. Đây quả là một dự án táo bạo, vì các trại cai nghiện vốn nổi danh là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. TT&VH có cuộc trò chuyện với đạo diễn này.

“Ý tưởng thường đến trong lúc miệt mài thực hiện công việc và từ đó luôn đẻ ra những vấn đề phải suy nghĩ và giải quyết. Hiện giờ tôi thấy mình đang đi đúng hướng và được mọi người ủng hộ. Với tôi như vậy là mãn nguyện”, Việt Đặng bắt đầu câu chuyện đầy lạc quan.

Khơi gợi “tính bổn thiện”

* Xuất phát từ đâu mà anh nghĩ phim và công việc viết kịch bản sẽ có ích với học viên trong trại cai nghiện?

- Phim ảnh hay kịch bản đều trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến những giá trị của cuộc sống và những vấn đề của con người. Mỗi cá nhân tự soi rọi vào đó để chiêm nghiệm, để rút ra những bài học và trải nghiệm riêng. Theo tôi, một trong những nguyên nhân sâu xa khiến cho không ít các bạn trẻ lạc lối chính là sự trống rỗng của tâm hồn, sự chai lỳ cảm xúc và sự đánh mất trách nhiệm với gia đình, xã hội, cộng đồng và trước hết là với bản thân mình… Phim ảnh nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung giúp con người nhận biết được những giá trị đích thực của cuộc sống, từ đó mà con người có thể sống đẹp hơn, sống có ích và ý nghĩa hơn.

Đạo diễn Việt Đặng

* Thông thường trại cai nghiện khó “đột nhập”, việc đem được phim đến đây chiếu với anh là khó hay dễ?

- Nói nghe sáo rỗng, chứ tất cả xuất phát từ cái tâm và tiêu chí hướng tới cộng đồng, không phân biệt là cộng đồng lớn hay nhỏ, đa số hay thiểu số. Khi cái tâm hướng tới những điều tích cực nó sẽ bắt gặp những phản hồi đồng cảm, đồng điệu. Có lẽ vì thế mà dự án của chúng tôi từ khi ra đời đến nay dù gặp không ít khó khăn về nguồn kinh  phí nhưng vẫn triển khai và tiếp cận được tới nhiều đối tượng, nhiều giới khác nhau trên địa bàn thành phố cũng như các tỉnh thành tại phía Nam. Nhân đây cũng xin cảm ơn sự phối hợp và giúp đỡ nhiệt tình của Ban giám đốc Trung tâm Giáo dục dạy nghề và Giải  quyết việc làm Nhị Xuân trong quá trình triển khai dự án. Đó là nguồn động viên rất lớn cho chúng tôi, những người mà nhiều bạn bè và cả gia đình họ vẫn thường bảo: “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng!”

Liệu pháp tâm lý

* Tại sao anh lại chọn các phim Iran để khởi động cho dự án này?

- Đây là một bộ phim hết sức giản dị và đầy cảm xúc. Nó gần gũi với mọi đối tượng. Thứ nữa, những giá trị mà bộ phim chuyển tải đến người xem rất gần gũi với văn hóa phương Đông, với lối suy nghĩ, nếp sống trọng tình cảm của người Việt. Cái mà hiện tại đang có nguy cơ bị mai một và biến tướng xấu trong xã hội ngày càng thực dụng, chạy theo tiêu xài. Đó là 2 điều mà chúng tôi quan tâm và “ưu tiên” cho tác phẩm này.

Khởi động dự án đưa phim đến trại cai nghiện

* Với 9 buổi học và 3 buổi xem, theo kinh nghiệm của anh thì sẽ bao nhiêu phần trăm học viên bình thường (chứ chưa nói học viên cai nghiện) sẽ viết được kịch bản? Nếu họ không viết được mà vẫn muốn kể chuyện đời, thì anh và dự án phải làm sao?

- Chỉ cần có được dăm bảy bạn học viên là đã thành công. Thực ra, mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là dự án có thể gieo vào lòng các học viên một suy ngẫm, một trăn trở nào đó để họ nhìn lại. Khi đã có một điểm tựa, con người có thể vượt qua được chính mình. Điều đáng quý nhất là nhu cầu được cảm thông và chia sẻ. Vì vậy, nếu có học viên nào không thích viết kịch bản theo nghĩa sách vở mà chỉ muốn bộc bạch, kể chuyện đời mình cũng là điều dễ hiểu, cũng bình thường thôi. Chúng tôi rất trân trọng những nhu cầu như thế. Biết đâu đó lại là chất liệu rất “đời”, rất “thực” sẽ làm nên một kịch bản có giá trị trong tương lai.

* Vậy là anh coi việc viết kịch bản này như một liệu pháp giải tỏa tâm lý, để họ thấy bản thân mình còn có ích?

- Đúng vậy. Các học viên được đối thoại để tìm về với chính mình. Chúng tôi không có tham vọng gì lớn lao ngoài mong muốn được chia sẻ, thắp lên ngọn lửa của niềm tin và giúp các học viên trở về với bản chất thiện lành vốn có của họ… Còn nếu xây dựng được thành một kịch bản hay bộ phim tử tế ư? Được thế thì còn gì bằng!

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm