Đạo diễn Thanh Vân: Làm phim thu tiền lại bảo phục vụ khán giả, tôi không tin!

30/11/2012 09:17 GMT+7 | Phim


(Thethaovanhoa.vn) - Giống như những bộ phim của mình, ẩn sau vẻ ngoài hiền lành, lặng lẽ, dường như lại là một đạo diễn Nguyễn Thanh Vân khác, thẳng thắn, quyết liệt. Cuộc trò chuyện với TT&VH Cuối tuần diễn ra ngay sau khi anh mang phim trở về từ LHP Quốc tế Ấn Độ và lặng lẽ theo dõi LHP Quốc tế Hà Nội 2012 từ… hàng ghế khán giả.

Thời của tôi chưa qua sớm thế

* 5 năm kể từ sau "Trái tim bé bỏng" (Cánh diều Bạc 2007), đạo diễn Nguyễn Thanh Vân vẫn chưa có thêm bộ phim điện ảnh của riêng mình. Dường như anh chọn cách lặng lẽ trước những ồn ào của điện ảnh cũng như đời sống văn hóa - xã hội?

- Chẳng qua mình không còn là điểm “hot”, nên buộc phải lùi về vòng ngoài thôi.

* Mỗi người chỉ có một thời. Anh nghĩ sao về điều đó?

- À, nếu đúng ý chị thì tôi không nghĩ thời của mình qua sớm thế đâu. Tôi còn quá trẻ cho công việc, nghề nghiệp này. Nhưng đương nhiên, mỗi người có một thời chứ.

* Anh và chị Nhuệ Giang vẫn đều đặn đi dự LHP Quốc tế và đi - về cũng khá lặng lẽ…

- Năm ngoái mang Tâm hồn mẹ đi Dubai, vừa rồi lại đi LHP ở Ấn Độ. Tôi thấy mình thật may mắn vì có cơ hội tiếp xúc thế giới điện ảnh quanh mình.

* Anh chị mang điều gì đi và lấy được “quà” gì về từ những chuyến đi đó?

- Lấy được lòng tin vào con đường, vấn đề, dòng phim mà mình đã chọn. Tôi tin tưởng con đường đã lựa chọn, có thể hòa nhập dòng chảy điện ảnh khu vực và những người làm phim độc lập, ở trong đó mà không thấy ngượng.

* Ngượng hay cô đơn, thưa anh?

- Ngượng chứ. Không ngượng khi phim của mình được chiếu trong một mặt bằng mình tham gia, nằm trong đó. Thậm chí, tôi còn có niềm tự hào vì không quá xa lạ với điện ảnh thế giới bên ngoài.

* Thế còn người ngoài, họ nhìn điện ảnh của chúng ta thế nào?

- Ở khái niệm tò mò là chính. Điện ảnh Việt như cánh én nho nhỏ chưa thể hiện được thế lực hoặc dòng liền mạch như điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc hay bé nhỏ như Philippines, Thái Lan - đã có gương mặt ổn định. Cánh én nhỏ điện ảnh Việt như xuất hiện rồi lại biến mất nhưng dẫu sao vẫn phần nào giới thiệu được rằng điện ảnh Việt Nam cũng có một trí tuệ, văn minh chứ không đến nỗi mịt mù.

* Không thể bơi ra biển lớn nếu chúng ta vẫn chưa tự bơi trong cái “ao làng” của mình. Một câu hỏi cũ, những cánh én mỏng manh như anh vừa nói còn thiếu và yếu điều gì?

- Thiếu khát vọng vươn tới. Ta hơi bị quanh quẩn, nhìn nhau mà không biết rằng mặt bằng của ta ở đâu và liệu chúng ta có dám ước mơ đi đến một mặt bằng khác. Chúng ta vẫn mắc một chứng tật cũ là vẫn quanh quẩn nhìn nhau mà không nhìn về phía trước.

* Vẫn biết rằng, nghệ sĩ điện ảnh như ở tuổi anh mới chín về nghề. Trong khi đó, sự quanh quẩn như anh nói ở trên, rõ ràng là lãng phí. Tại sao không sử dụng, tận dụng những nguồn năng lượng dồi dào đó?

Nếu tôi làm 10 phim thành công thì đến phim thứ 11 tôi cũng bị đối xử như những đạo diễn mới.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân

- Đúng, một thế hệ tương đối tốt cách nay dăm năm. Một độ tuổi tương đối tốt với nghề nghiệp điện ảnh. Nhưng mỗi người chọn con đường của mình. Trong một thời điểm, thứ bậc, động cơ sẽ được tranh chấp. Hiện tại, môi trường điện ảnh khiến người như tôi lúng túng, hoang mang thì hơi quá. Lúng túng làm như thế nào và làm cái gì để đáng có một giá trị. Sự quanh quẩn đó làm chột đi khát vọng. Khi yếu tố quanh quẩn này giảm thì yếu tố duy trì nghề nghiệp một cách lương thiện phải nổi lên.

Trước thiêu thân, bùng nổ; giờ dè dặt, an toàn

* Bao nhiêu năm rồi anh không làm phim nhựa?

- 5 năm.

* Dấu ấn thế hệ đạo diễn như anh là gì?

- Nó bắt đầu cái gọi là thời kỳ đổi mới. Chúng tôi là cầu nối điện ảnh cách mạng thời bao cấp và tạo ra những sản phẩm điện ảnh tương xứng. Hiện tại, sự lộn xộn trong hệ thống văn hóa khiến chúng tôi cũng phải hết sức cẩn thận.

* Anh có xem các phim của đồng nghiệp trong thời gian qua?

- Có chứ.

"Đời cát", bộ phim đoạt nhiều giải thưởng danh giá: giải Vàng Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương, giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13 cùng nhiều giải thưởng khác
* Anh thấy thế nào?

- Dè dặt hơn, thiếu tính bùng nổ năng lượng của mình. Tác phẩm đầu của chúng tôi thiêu thân hơn, bùng nổ hơn. Giờ dè dặt, tính toán là chính. Vì thế, nó hỗn độn về bản sắc.

* Thử so sánh ở chính bản thân anh nhé? Hoặc dễ thôi, "Đời cát" và những tác phẩm sau này?

- Mỗi phim có số phận. Tự tôi so sánh thì hơi khó nhỉ?

* Anh có xem "Cát nóng" - phim mới nhất của đạo diễn Lê Hoàng?

- Tôi không xem. Chị thấy phim thế nào?

* Đúng là nó an toàn. Có thể vì tôi quá kỳ vọng vào sự trở lại của Lê Hoàng - một Lê Thị Liên Hoan vẫn thường xuyên “xuất chiêu” hàng tháng, hàng tuần trên báo chí, truyền hình. Vì thế, phim cũng thường thôi.

- Tất nhiên, phim Lê Hoàng những năm gần đây đã “thường thôi” rồi. Cảm hứng như đỉnh cao thời làm Lưỡi dao chắc chắn không còn nữa. Nhưng điều đó không chắc riêng Lê Hoàng mà nằm trong cả một thế hệ của tôi.

* Là người hoạt động điện ảnh lâu năm, từng chứng kiến cuộc trỗi dậy của dòng phim “mì ăn liền”, hay cuộc chấn hưng điện ảnh tốn kém nhiều tỷ đồng, theo anh đã đến lúc phân biệt các dòng phim: tư nhân, nhà nước, độc lập?

- Chúng cùng tồn tại, không cái nào phủ định được cái nào đâu. Có những cá nhân chọn cách làm phim hướng tới việc thu tiền của khán giả. Thu tiền nhé, chứ không phải chiêu bài hướng tới khán giả đâu nhé. Tôi không tin điều này. Họ nghĩ cách lấy nhiều tiền thì bảo phục vụ khán giả. Mệnh đề có ranh giới mong manh. Có người chọn cái cách đủ dũng cảm, lương thiện, trung thành, chân thật với chính mình. Đó là sự lựa chọn của xã hội và mỗi cá nhân.

Trên toàn thế giới cũng vậy. Ai theo con đường nào hãy theo đến cùng, chứ đừng như con kỳ nhông đổi màu. Nếu chọn thương mại thì cũng hãy vận dụng mọi chiêu trò lấy tiền của khán giả. Tôi rất trân trọng công việc đó.

Chả có sự bình quân nào đem lại phát triển

* Từng giành những giải thưởng quốc tế, quốc gia, hội nghề nghiệp. Gần đây, anh không mặn mà lắm với các LHP thì phải?

- Không phải không mặn mà là không có sản phẩm. Nếu có sản phẩm thì tôi cũng cho rằng, hãy làm tốt sản phẩm đó trước khi giải thưởng đến chứ không phải làm vì giải thưởng.

Với tôi và Nhuệ Giang, việc đến LHP Quốc tế là phần thưởng. Đến đó như là được làm sạch mình, để biết về một thế giới điện ảnh đẹp đẽ, phi lợi nhuận, độc lập trong các ý tưởng. Đến môi trường đó, tôi được gột rửa và thúc đẩy lòng tin.

* Chọn dòng phim độc lập đầy gian nan cũng có nghĩa anh chọn con đường khó khi đối mặt với vấn đề đầu tiên: tiền đâu?

- Cái khó đó là chung cho những người làm phim độc lập trên toàn thế giới. Mình cũng nằm trong khó khăn chung đó thôi. Vừa rồi, ở Ấn Độ, tôi gặp một nhà làm phim Belarus, anh ta kể rằng, anh ta mất bảy năm để hoàn thành bộ phim. Nói thế để thấy, chúng ta chưa phải là khó khăn nhất. Nhưng ở trong cái khó đó có niềm vui như người chọn đường núi chông gai khi lên đến đỉnh sẽ thấy sung sướng nhường nào. Cảm giác đó khác với người đi cáp treo hoặc leo bằng bậc thang. Lựa chọn đó và chiến thắng đó chắc chắn sẽ ngoạn mục hơn như khi ta đạt được đỉnh cao theo một cách dễ dàng.

* Anh chị nhắm cho mình một đỉnh cao nào chưa?

- Rất bình tĩnh để lại chờ đến cơ hội của mình chứ không định trước đỉnh cao ấy cao bao nhiêu mét hay ở nơi nào. Nhưng nói chung, chúng tôi đủ lòng kiên nhẫn để chờ đợi.

* Chờ đợi cơ hội, anh nghĩ sẽ còn chờ đợi bao lâu nữa?

- Điều này khó nói. Duy có điều, hiện giờ, tôi muốn làm kỹ lưỡng hơn, không muốn chắp vá và mãi phải khắc phục những khó khăn mà phải đàng hoàng hơn.

* Anh đã từng chia sẻ một cách khá bất mãn rằng, làm phim thành công hay thất bại cũng chỉ như nhau mà thôi?

- Đó là khi tôi nói tới sự đối xử của quản lý nhà nước đối với một phim thành công và không thành công. Ví dụ ở đâu đó ở thế giới bên ngoài kia, khi thành công được bù đắp tương xứng. Ý tôi nói ở đây là sự bình quân. Trần Anh Hùng làm phim đầu tay 300.000USD thành công, ngay lập tức, ở phim sau, anh ta có trong tay 2-3 triệu USD. Phim hút khách đã đành, vì nhà sản xuất sẽ tái đầu tư. Nói gì thì nói, đây là lúc đánh giá về mặt con người, là cách đánh giá tôn trọng năng lực.

Ở ta, nếu tôi làm 10 phim thành công thì đến phim thứ 11 tôi cũng bị đối xử như những đạo diễn mới. Tôi không thấy giá trị của tôi trong những dự án bình quân chủ nghĩa này. Cái này tôi nghĩ nên thay đổi. Chả có sự bình quân nào đem lại sự phát triển. Phát triển phải theo mũi nhọn, hình tháp. Hình tháp trong vũ trụ đi nhanh, mạnh chứ không phải một khối chữ nhật. Đơn giản từ vật lý, toán học quyết định nhiều thứ trong nghệ thuật.

* Theo anh, Cục Điện ảnh sẽ phải làm gì?

- Biết quý người có năng lực và đầu tư có trọng điểm.

Hồng Ánh là diễn viên hàng đầu

* Anh và chị Nhuệ Giang không chỉ đồng hành trong cuộc sống mà vẫn song hành trong nghề nghiệp. Sự đồng điệu có tác động thế nào tới cả công việc và cuộc sống?

- Tôi nghĩ đương nhiên là tốt. Và may mắn là phim của Thanh Vân là của Thanh Vân, còn phim của Nhuệ Giang là của Nhuệ Giang… Nếu mà thành một thì chết.

Hồng Ánh, diễn viên “ruột” trong các phim của Nguyễn Thanh Vân
* Phim Thanh Vân và Nhuệ Giang, kịch bản Nguyễn Quang Lập và không có Hồng Ánh không thành phim. Vì quá khó tính nên anh chị không chọn được người khác?

- Hồng Ánh là diễn viên hàng đầu trong điện ảnh nói chung và thế hệ cô ấy nói riêng, vì cô ấy xứng đáng. Cô ấy xứng đáng trong một mặt bằng không được cao lắm của LHP ở ta.

* Anh đã tìm được những Hồng Ánh phẩy, như Lan Hà, Lan Ngọc?

- Tôi đánh giá cao Lan Ngọc. Nếu có môi trường tốt, bầu không khí quanh mình tốt thì cô ấy sẽ tốt dần lên. Bầu không khí quanh mình mà nhà báo cũng là một phần trong đó.

Hà Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm