Đặng Nhật Minh chỉ xúc động trước người thua thiệt

10/02/2011 08:10 GMT+7 | Phim

Từ những mất mát trong cuộc đời mình, vị đạo diễn luôn đứng về phía những người chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống. Ông cho rằng, nghệ thuật nếu lại phục vụ những người có tiền, có quyền, có hạnh phúc… thì thành thừa thãi.

Thời báo Nihon Keizai Shimbun (Nhật Bản) dành cho ông những lời đặc biệt: “Đặng Nhật Minh - người nghệ sĩ bằng điện ảnh đã nói lên được tâm tư, tình cảm của dân tộc mình và cũng là của các dân tộc châu Á ra với thế giới”. Mới đây, ông đã trở thành đạo diễn Việt Nam đầu tiên được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ tôn vinh.

- Là con trai trưởng của giáo sư Đặng Văn Ngữ, nhưng ông không nối nghiệp cha, trong khi cả gia đình ông hầu như đều theo nghề y. Vì sao vậy?

- Đầu tiên tôi cũng dự định nối nghiệp cha nhưng sau đó tôi đã bước chân vào nghệ thuật thứ bảy trong một trường hợp hết sức đặc biệt. Hồi đó tôi được cử đi Liên Xô để học phiên dịch trong vòng 18 tháng. Trở về, tôi được phân công dịch lời thoại cho các phim nói tiếng Nga, rồi đến phiên dịch cho các lớp đào tạo điện ảnh của Liên Xô dành cho người Việt. Dần dần, tôi thấy nghề này rất hay. Tôi rất thích những bộ phim Xô Viết thời chống sùng bái cá nhân, hay những phim ca ngợi người lính... Từ đó, tôi tự mày mò học nghề đạo diễn. Thông thạo tiếng Nga và tiếng Pháp, vốn ngoại ngữ là công cụ giúp tôi tiếp cận nghệ thuật điện ảnh một cách có bài bản. Thêm vào đó, khả năng mẫn cảm nghệ thuật của bản thân cùng sự hiếu học, ham hiểu biết (đọc sách chuyên đề và lắng nghe những người tiên phong trong giới điện ảnh) đã giúp tôi vững vàng hơn trong nghề nghiệp.

- Không chung nghề nghiệp, vậy ông thừa hưởng những điểm gì ở cha mình?

- Ngoài những di sản khoa học với nhiều công trình có giá trị, đặt nền móng cho ngành Ký sinh trùng Việt Nam thì cha tôi còn để lại một di sản tinh thần vô giá: Đó là nhân cách của một trí thức đi theo cách mạng suốt đời gắn bó với số phận của đất nước, số phận của dân tộc. Chính nhân cách đó đã khiến cha tôi từ bỏ mọi tiện nghi vật chất cùng những điều kiện làm việc đầy đủ ở nước ngoài để trở về đất nước tham gia kháng chiến.

Cha tôi chẳng khuôn phép, áp đặt tôi điều gì nhưng bản thân nếp sống, cái cung cách sống, sinh hoạt của ông khiến tôi học hỏi, tiếp thu được nhiều điều. Tôi học được ở ông cái cách làm việc say sưa, khoa học, làm đến tận cùng. Đối với cụ không có chuyện làm việc 8 tiếng một ngày, mà cụ làm bao giờ xong việc mới về nhà ăn cơm, rồi lại trở về phòng thí nghiệm để nghiên cứu cho đến tận 22-23h mới về nhà ngủ. Ngày nào cũng như ngày nào, cụ làm việc say mê và làm đến hoàn hảo chứ không tặc lưỡi cho qua. Tôi được mang tiếng là khó tính trong làng điện ảnh là do học được cái tính cần cù làm đến tận cùng đó ở cha. Không thể nói là khoa học và nghệ thuật không có gì giống nhau.

Ông cụ giản dị thương người, cụ không ngại ngần đi chữa bệnh cho người ta, cụ lặn lội để tiêu diệt sốt rét, cụ luôn đứng về người nghèo khổ... Cho nên phim của tôi cũng nói về những người nghèo khổ, chứ không nói về những người sống ở khách sạn năm sao, biệt thự villa, không có những ông giám đốc xách cặp, những cảnh lộng lẫy xa hoa, lên xe xuống ngựa…

NSND Đặng Nhật Minh (đeo kính) chỉ đạo diễn xuất phim "Đừng đốt" về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

- Phải chăng từ uất ức cá nhân cho đến những nỗi đau đời, ông đều đưa vào tác phẩm?

- Gia đình tôi có nhiều mất mát hy sinh. Mẹ mất ở Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp, bố mất trong kháng chiến chống Mỹ, khi pháo đài bay B-52 thả bom xuống nơi cụ làm việc, nên tôi không thể nào vui được. Tôi luôn đứng về những người đau khổ, thiệt thòi trong cuộc sống. Mục đích làm phim của tôi không phải để thông cảm với những người có tiền, có quyền, có hạnh phúc… Nếu nghệ thuật lại phục vụ họ nữa thì thừa thãi quá. Tôi không uất ức cá nhân gì với họ, nhưng trong cuộc đời, tôi rất ít khi xúc động trước những người giàu có, mà tôi chỉ xúc động trước những người nghèo khổ, thua thiệt.

- Điện ảnh đang đứng trước những cạnh tranh của thời hội nhập và đang gặp rất nhiều khó khăn. Để giải quyết bài toán này khi làm phim, theo ông nhà nước cần có chiến lược gì?

- Trong cơ chế thị trường, tiếp thị là một công việc quan trọng. Thế nhưng vẫn luôn tồn tại một nghịch lý không thể giải thích. Nhà nước tài trợ đặt hàng để sản xuất một số phim gọi là phim của Nhà nước hàng chục tỷ đồng, nhưng lại không hề cấp một đồng nào để quảng bá cho những phim đó, càng không quan tâm đến việc phát hành chúng bằng băng đĩa để kéo dài đời sống của phim và tận thu cho mình. Về mặt này các hãng phim tư nhân làm tốt hơn rất nhiều. Họ bỏ ra 5 tỷ đồng để làm phim thì cũng bỏ ra ít nhất 3 tỷ đồng làm công tác tiếp thị, in đĩa để quảng bá. Kết quả, họ thu về được trên 10 tỷ là chuyện bình thường. Đã đến lúc Nhà nước cần học tập tư nhân cách tiếp thị đó.

Nhà nước không cần lời lãi, mà cũng không khuyến khích những người làm lời cho Nhà nước. Những người làm phim có chất lượng cao, đông khách, đông người xem thì cũng chỉ được Nhà nước trả cho ngần ấy tiền, đánh đồng loạt tất cả vào một rọ.

- Không ít đạo diễn trẻ tâm sự rằng, họ muốn cải tiến, muốn phá tung tất cả, nhưng cái khó bó cái khôn. Ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi nghĩ không có gì quá khó khăn với các đạo diễn trẻ. Băng đĩa đầy rẫy, các phim bên Mỹ vừa chiếu xong thì 1 tháng sau ra đĩa. Đạo diễn trẻ đi nước ngoài như đi chợ, chứ đừng nói là không được tiếp cận với các thành tựu. Những đạo diễn như Phan Đăng Di, Bùi Thạc Chuyên một năm đi nước ngoài đến hàng chục lần. Cho nên bây giờ chả có gì là hạn chế các đạo diễn trẻ cả, họ có điều kiện hơn chúng tôi trước đây rất nhiều. Như hồi chúng tôi còn trẻ, muốn xem một phim của tư bản thì phải có giấy của Cục điện ảnh mới được xem.

Bất cứ phim nào mang bản sắc của dân tộc mình, mang cá tính riêng của người làm ra nó, đều được đón nhận. Những gì lai căng, bắt chước, a dua đều không có chỗ đứng. Thế nhưng gần đây lại xảy ra hiện tượng đạo phim. Trong nghệ thuật thì bắt chước là tối kỵ. Tôi không thể hiểu được, chỉ có họ mới trả lời được. Tất cả cái gì bắt chước đều là hỏng, lấy cắp thì càng hỏng nữa. Nếu được, tôi xin có lời khuyên cho các đạo diễn trẻ mới vào nghề ở Việt Nam: Đừng bắt chước những người đi trước, dù bắt chước những cái hay của họ.

NSND Đặng Nhật Minh nhận giải Phim nhựa xuất sắc tại Cánh diều vàng 2009 cho phim "Đừng đốt". Diễn viên Minh Hương (thứ ba từ phải sang) - người vào vai Đặng Thùy Trâm - cũng nhận được giải Nữ diễn viên chính xuất sắc. Ảnh: Hoàng Hà.

- Đạo diễn Doãn Hoàng Giang nói “Nghệ thuật chỉ dành cho thanh niên”. Quan điểm của ông thì thế nào?

- Đạo diễn Doãn Hoàng Giang bằng tuổi tôi, cũng tuổi Hổ, ông nói điều này có lẽ vì muốn lấy lòng những người trẻ. Tôi thì không quan niệm trẻ hay già, tôi làm phim không chỉ để cho trẻ xem cũng không phải chỉ để cho già xem, mà trước hết là cho bản thân tôi. Khi mà mình thích thì khán giả cũng sẽ có người thích, người nào thích thì rất cảm ơn, ai không thích thì đành xin lỗi. Tôi không thể nào làm phim chiều theo ý thích của người khác mà bản thân mình không thích.

Có rất nhiều bạn trẻ xem xong phim chiến tranh của tôi thì nước mắt lưng tròng và nói: “Chúng cháu thích lắm, nhưng không có nhiều những bộ phim như thế nên chúng cháu đành xem phim giải trí cho vui vậy”. Tôi làm phim không định cho các bạn trẻ thích, mà để cho tất cả khán giả. Tôi làm bằng hết tâm huyết của mình, xúc cảm của mình, trái tim của mình.

Tôi đọc báo thấy một nhà báo viết về điện ảnh nói: Điện ảnh bây giờ phải là giải trí và phục vụ tuổi teen, điện ảnh phải được tuổi teen chấp nhận. Tôi không phản đối việc làm phim giải trí cho tuổi teen, ai thích làm thì cứ làm, nhưng đừng bắt buộc cả nền điện ảnh này phải làm phim giải trí cho tuổi teen.

- Ông vốn nổi tiếng là có con mắt xanh khi lựa chọn diễn viên vào vai diễn. Vậy tiêu chuẩn khi chọn diễn viên của ông là gì?

- Tôi chọn diễn viên cũng theo quan điểm nghệ thuật của mình, hết sức chân thành, dung dị. Diễn viên mà mắt xanh, má phấn môi đỏ, kẻ mày thì tôi không quan tâm, tôi coi họ như những bức tường. Tôi chỉ để ý những gương mặt nhân hậu, trong sáng và giản dị - những người hợp với phim của mình. Các cô chân dài vào các phim của tôi, tự nhiên trật khấc ngay. Tôi không ghét bỏ họ nhưng họ không thích hợp với quan điểm nghệ thuật trong các phim của tôi.

- Còn ngoài cuộc sống, có khi nào ông nhìn nhầm người?

- Trong cuộc sống nói chung cũng có khi tôi nhìn nhầm người chứ, không cứ gì nam hay nữ. Nhất là hồi tôi làm tổng thư ký Hội điện ảnh Việt Nam, tôi giúp rất nhiều người, không làm hại ai, nhưng chính những người tôi giúp đỡ thì họ lại quay lưng lại và hại tôi, chẳng hiểu tại sao. Cũng có thể là những hiềm khích trong nghệ thuật nhưng tôi không quan tâm.

Có lần tôi xem bói, ông thầy bói có nói “Những người trẻ được anh giúp đỡ thường hay phản lại anh”. Tôi cảm ơn ông ta, nhưng vẫn tiếp tục tốt với mọi người chứ không phải vì thế mà tôi cảnh giác với họ. Trong ngôi nhà chung của nghệ thuật thứ bảy, người ta nên ăn ở với nhau tử tế hơn, dồn công sức và trí tuệ để làm ra những bộ phim hay, hơn là bàn mưu tính kế làm hại nhau. Đó là điều kiện tiên quyết để có một nền điện ảnh vững mạnh với những tác phẩm thực sự có giá trị. Bây giờ đến tuổi này rồi, tôi chỉ nhớ những điều tốt đẹp, để cho lòng mình thanh thản. Nghệ thuật điện ảnh với bản chất phức tạp giúp ta rèn luyện bản lĩnh kiên định, vững vàng và quyết liệt. Trên tất cả, nhân cách và tài năng của người nghệ sĩ mới là câu trả lời cuối cùng của họ trước dư luận và xã hội.

Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm