Chuyên gia hiến kế chống cuộc 'tàn sát văn hóa' của IS

12/03/2015 07:15 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) - Trước việc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phá hủy nhiều di sản văn hóa ở Iraq và Syria, ông Markus Hilgert, Giám đốc Bảo tàng Cận Đông ở Berlin (Đức) đã chia sẻ quan điểm của ông về vấn đề này, đồng thời đề ra những giải pháp hạn chế thiệt hại.

Markus Hilgert hiện còn là Chủ tịch Deutsche Orient-Gesellschaft, tổ chức thúc đẩy nghiên cứu về khảo cổ phương Đông. Ông cũng là giáo sư về nghiên cứu các nền văn minh cổ đại ở Heidelberg. Ông vừa có cuộc chuyện trò với báo giới:

* Các di chỉ di sản văn hóa như Nineveh, Nimrud và giờ là Hatra, từng đóng vai trò kinh đô của vùng Lưỡng Hà, đã bị phiến quân IS phá hủy toàn bộ. Là một chuyên gia về lịch sử cổ đại, ông nhìn nhận hành động này như thế nào?

- Thật khó tìm được từ ngữ để mô tả những gì đang diễn ra trước mắt chúng ta vào thời điểm này, không chỉ bởi chủ đề nghiên cứu, đóng vai trò chính trong những nỗ lực bảo vệ văn hóa của chúng tôi đang bị phá hủy hoặc đe dọa nghiêm trọng. Các vụ tàn phá này còn cho thấy một thảm họa văn hóa chưa có dấu hiệu kết thúc.

Hiện nay báo chí cho biết IS không chỉ đang tấn công và phá hủy các di sản văn hóa hàng ngàn năm tuổi mà còn giết hại nhiều người dân vô tội trong khu vực chúng kiểm soát. Liệu chúng ta có thể nghĩ về các công trình cổ trong khi đang có rất nhiều người thiệt mạng?


Giáo sư Hilgert, Giám đốc Bảo tàng Cận Đông ở Berlin (Đức)

Tôi nghĩ rằng thật sai lầm khi tách riêng 2 vấn đề này. Văn hóa đã định hình bản sắc con người một cách cơ bản và còn tạo ra bản sắc của các quốc gia, các xã hội.

Các di chỉ văn hóa là những nơi giúp gợi nhớ về quá khứ, góp phần định hình bản sắc văn hóa. Vì vậy, chúng ta phải quan tâm tới cả việc bảo vệ con người và bảo vệ những gì đã tạo nên lịch sử và bản sắc của con người.

* Có cách nào để giải quyết tình hình hiện nay mà không phải sử dụng tới biện pháp quân sự?

- Chỉ thông qua việc cải thiện toàn diện tình hình an ninh chung, chúng ta mới có thể bảo vệ tốt hơn các tài sản văn hóa giá trị. Tôi nghĩ rằng cần phải có các giải pháp chính trị. Bên cạnh đó, chúng ta còn phải chia sẻ với các quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi xung đột những kiến thức quan trọng trong việc bảo vệ di sản văn hóa giá trị.

* Nước Đức có thể làm gì để hỗ trợ việc bảo vệ di sản văn hóa?

- Khi tôi hỏi các đồng nghiệp ở Syria và Iraq rằng chúng tôi có thể làm gì để giúp đỡ, họ trả lời: hãy chống lại nạn buôn bán cổ vật bất hợp pháp. Nước Đức hiện chỉ cho phép bán các cổ vật có giấy tờ hợp pháp.


Di chỉ Hatra ở Iraq đã bị phiến quân IS phá hủy

* Nhiều nhà sưu tầm không hề quan tâm tới việc cổ vật mà họ muốn mua có xuất xứ từ đâu. Thậm chí họ còn coi cổ vật bị buôn bán lậu là chiến lợi phẩm. Chúng ta có thể giải quyết việc này như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng nâng cao nhận thức của công chúng là điều rất quan trọng. Chúng ta phải làm sao để công chúng nhận thấy sở hữu các cổ vật bất hợp pháp không phải là việc làm đúng đắn. Họ phải hiểu rằng đây không phải một hành vi phạm luật bình thường, mà là một tội ác khó chấp nhận.

* Liệu chúng ta có thể tạo được mô hình 3 chiều (3D) về các di sản văn hóa đã bị phá hoại và qua đó ít nhất có thể bảo tồn chúng dưới định dạng kỹ thuật số?

- Hiện đã có những dự án như thế. Theo tôi, mô hình 3D là một trong những công nghệ quan trọng nhất trong tương lai. Tuy nhiên chúng ta cũng phải biết rằng, để triển khai được những dự án như thế, người ta phải có cơ sở hạ tầng cần thiết.

* Các chính trị gia ở Iraq và Syria đang làm gì để bảo vệ di sản văn hóa của họ? Thế giới có thể giúp các nước này ra sao?

- Thật ấn tượng khi ngày nào Bộ Cổ vật và bảo tàng Syria cũng ghi lại mức độ hư hại của di sản văn hóa ở nước này. Họ còn tích cực ngăn chặn hoạt động đánh cắp cổ vật.

Iraq cũng làm như vậy. Bảo tàng Quốc gia Iraq ở Baghdad đã mở cửa lại vào hôm 28/2, trong bối cảnh IS vừa tàn phá nhiều di chỉ khảo cổ và tượng cổ hàng ngàn năm tuổi ở nước này.

Điều quan trọng là cộng đồng quốc tế, với kiến thức và phương tiện sẵn có, phải đầu tư vào việc “tạo dựng năng lực” cho những nước này. Nhất thiết phải có những chương trình đào tạo các nhà khoa học trẻ, chuyên gia phục chế và bảo tàng.

Trong 5 tới 10 năm nữa, khi tình hình an ninh được cải thiện, họ sẽ là những người bắt tay nghiên cứu tài sản văn hóa của đất nước mình.

Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm