V-League nhìn từ dàn đèn, mặt cỏ

25/03/2020 13:20 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Chất lượng mặt cỏ, độ sáng đủ chuẩn nơi dàn đèn hay bộ mặt khu vực vệ sinh của các sân bóng ở V-League đã trở thành câu chuyện muôn thưở “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Đá tập trung là 'lối mở' cho V League 2020

Đá tập trung là 'lối mở' cho V League 2020

Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, bàn bạc, thỏa thuận rồi đưa ra những kịch bản thế nào, phương án ra sao để mọi việc êm xuôi, vẹn cả đôi đường, đó không hề là câu chuyện đơn giản của VFF, VPF cùng với các CLB đang tham gia địa hạt bóng đá nước nhà.

Chuyện lớn nhỏ khác nhau như thế, bao năm qua luôn được nhắc đến nhưng rồi mọi thứ vẫn chưa thể chỉn chu nhất để đáp ứng đầy đủ các điều kiện tổ chức thi đấu. Hay nói cách khác đã cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong cả tư duy cũng như cách làm hiện nay.

Ngay trước thềm LS V-League 2020, sau quá trình kiểm tra, đã có nhiều SVĐ không đủ điều kiện đúng như quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Tuy vậy, cuối cùng các cơ quan quản lý buộc phải “bảo lãnh” để các CLB chưa đủ tiêu chí quy định( về cơ sở vật chất) được phép tham gia giải đấu.

Đó như là sự thông cảm và chia sẻ với những vấn đề mà các đội bóng đang gặp phải, như lời TTK VFF Lê Hoài Anh: "Các CLB cũng có những khó khăn về việc nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất vì vấn đề quản lý thuộc vào địa phương nên việc nâng cấp sửa chữa cũng vướng vào kế hoạch của tỉnh có liên quan.

Bản thân CLB cũng mong muốn các tỉnh thành phố sẽ ủng hộ để có điều kiện phát triển trong bối cảnh đòi hỏi về mặt hình ảnh ngày càng cao. Tôi muốn truyền tải 1 thông điệp rằng chúng ta cố gắng đảm bảo cơ sở vật chất được nâng cấp.

Dù không đầu tư nhiều nhưng đủ chức năng, sạch sẽ, không có rác cho môi trường bóng đá văn minh để khi mọi người đến cảm thấy yêu thích và muốn đến hơn”.

Chú thích ảnh
Hàng Đẫy là một trong những sân bóng hiếm hoi ở LS V-League 2020 đạt tiêu chuẩn về dàn đèn cũng như mặt cỏ. Ảnh: Hoàng Linh

Do vậy, việc LS V-League 2020 tạm nghỉ chính là cơ hội để các CLB tận dụng thời gian cải tạo, tu bổ mặt sân, hệ thống chiếu sáng để đáp ứng yêu cầu. Sân Lạch Tray sẽ thay thế toàn bộ mặt cỏ hiện tại bằng loại cỏ lá gừng, vốn đang được sử dụng tại nhiều sân bóng ở Việt Nam như Cẩm Phả, Pleiku hay Gò Đậu.

Sân Hòa Xuân cũng không ngoại lệ khi vừa đá vừa tu bổ cho mặt cỏ vốn bị kêu ca rất nhiều. Sân Thanh Hóa cũng đã được chăm sóc lại để có một diện mạo mới khi giải đấu trở lại.

Trong khi đó, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cũng đang ráo riết hoàn tất hệ thống chiếu sáng, để có thể thi đấu vào lúc buổi tối thay vì 15h00 như hiện nay.

Nhìn từ việc các CLB hiện nay đang phải giải quyết câu chuyện cơ sở vật chất theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng” mới thấy hết những bất cập, yếu kém hay lộ trình để đáp ứng đầy đủ các tiêu chí chuyên nghiệp của bóng đá nước nhà từ lời nói đến hành động hay kết quả đạt được vẫn lắm nỗi nhiêu khê.

Không chỉ mặt sân hay hệ thống chiếu sáng, ngay cả khu vệ sinh của các sân bóng đã trở thành nỗi ám ảnh cho những ai phải chấp nhận sử dụng trong mỗi trận đấu.

Nếu mặt sân là chuyện lớn bởi liên quan trực tiếp đến trận đấu bóng đá, thì những chuyện nhỏ như nhà vệ sinh lại phản ánh sinh động hơn tư duy chuyên nghiệp của các CLB bóng đá tại Việt Nam.

Chúng ta vẫn hay nghe câu nói: “Người ta có thể thưởng vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ khi đội bóng thắng lợi nhưng bỏ ra dăm chục triệu sửa nhà vệ sinh thì không làm”.

Từ đó, có thể thấy rằng, vấn đề lớn nhất chưa chắc là kinh phí thiếu hụt, nó nằm ở chỗ cách nhìn nhận tổng thể từ mỗi CLB. Nói cách khác, nhiều người cứ nghĩ đơn thuần, sân bóng là nơi chỉ để đến xem rồi về. Ngược lại, nếu muốn chuyên nghiệp, phải chuyên nghiệp từ những chi tiết tưởng như rất nhỏ đó.

Trần Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm