V-League 2018: Coi chừng... 'sốc nhiệt'!

17/04/2018 06:30 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Chẳng cần phải là nhà quan sát, hay thống kê tài ba gì cũng dễ để nhận ra rằng, V-League 2018 sau màn khởi đầu khá bốc lửa, đang bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt trên nhiều sân cỏ cả nước. Nếu những nhà tổ chức không có biện pháp kịp thời, e cú "sốc nhiệt" sẽ đến sớm kéo cái sân chơi số 1 quốc gia này trở lại cảnh đìu hiu xưa.

Hiệu ứng từ đội tuyển U23 quốc gia và kỳ tích mang tên á quân châu lục là có thật khi nó thổi một làn gió mới vào sân cỏ nội vốn quá nhiều năm u ám. Số lượng khán giả tới sân tăng vọt, tạo nên điểm nhấn ấn tượng cho chặng mở màn của V-League 2018.

Không chỉ ở "chảo lửa" quen thuộc, bầu không khí của ngày hội bóng đá còn sống dậy ở những địa chỉ từng xem là ế khách dài dài, điển hình nhất là sân Hàng Đẫy gần như không có chỗ trống khi chủ nhà Hà Nội tiếp "đội bóng quốc dân" Hoàng Anh Gia Lai. Thậm chí, theo thống kê, với chỉ 2 trận Hà Nội FC đá trên sân nhà mùa này, số lượng khán giả đến sân đã đông bằng nửa mùa giải 2017 cộng lại! Hay như sân Thiên Trường, 7 năm sau khi Nam Định trở lại với V-League hiện đang giữ kỷ lục số khán giả đến xem 1 trận đấu - 22.000 người (Nam Định gặp XSKT Cần Thơ tại vòng 1).

Còn so sánh giữa 2 mùa sau 5 vòng đấu, con số khán giả cũng tăng ở mức rất ấn tượng. Cụ thể, nếu 5 vòng đầu tiên ở V-League 2017 chỉ là 191.000 người đến sân (trung bình: 5,457 người/trận), thì của V-League 2018 lên tới 325.300 người (trung bình: 9.286 người/trận).

Một so sánh thú vị khác là sự trẻ hóa trong đội ngũ cổ động viên tới sân. Bên cạnh lớp khán giả "già" kiểu truyền thống, V-League bắt đầu xuất hiện lớp khán giả cực trẻ, được tổ chức bài bản với cách xem, cách cổ vũ sôi động kiểu xì-tin hơn rất nhiều.

Khán giả đến sân đông hơn vì giải đấu số 1 trong hệ thống thi đấu quốc gia này hay hơn, hấp dẫn hơn? Xin nói thẳng là không hề! Một lần nữa vẫn những con số là minh chứng.

Nếu 5 vòng đấu đầu tiên của V-League 2017 cũng có 35 trận đấu với 96 bàn thắng (trung bình: 2,74 bàn/trận), thì V-League 2018 là tổng số 88 bàn (trung bình: 2,51 bàn/trận). Tương tự, mùa trước sau 5 vòng có 137 thẻ vàng (trung bình: 3,91 thẻ/trận) và 3 thẻ đỏ (trung bình: 0,09 thẻ/trận), thì mùa này tăng hơn với 142 thẻ vàng (trung bình: 4,06 thẻ/trận) và 4 thẻ đỏ (trung bình: 0,11 thẻ/trận).

Về chất lượng của chuyên môn qua 5 vòng đấu đầu tiên tại V-League 2018 theo đánh giá chung là dừng ở mức trung bình. Ngoại trừ một Hà Nội vượt hẳn lên với chất lượng đội hình lẫn lối chơi, thì hầu hết còn tụt lại so với mùa trước đó, đương kim vô địch Quảng Nam, FLC Thanh Hóa, kể cả Than Quảng Ninh và đặc biệt sự nhạt nhòa của đội bóng được kỳ vọng Hoàng Anh Gia Lai là minh chứng rõ nhất. Đó là chưa kể đến bạo lực sân cỏ có xu hướng bùng phát cùng điểm nóng về công tác trọng tài sớm xuất hiện.

Sài Gòn FC họp hơn 2 tiếng để có 3 điểm trước HAGL

Sài Gòn FC họp hơn 2 tiếng để có 3 điểm trước HAGL

Chủ tịch CLB Sài Gòn Trần Tiến Đại tiết lộ, sau 4 trận đầu bết bát, cả đội đã cùng nhau ngồi lại đến 2 giờ rưỡi đồng hồ để cùng phân tích những yếu tố dẫn đến thất bại. Từ đó, họ mới có thể nhẹ nhõm tinh thần để thăng hoa đánh bại HAGL.

Nhưng đó vẫn chưa phải là điều đáng để lo nhất. Sau 5 vòng đã đấu của V-League, số khán giả đến sân dù vẫn đông nhưng đang có xu hướng... giảm dần. U23 Việt Nam vẫn tạo nên hiệu ứng, nhưng sức tác động của hiệu ứng ấy đã không còn cao, bởi lẽ đơn giản, đó cũng chỉ là những hiệu ứng tâm lý mang tính nhất thời.

Ai dám đảm bảo nếu những gương mặt U23 vẫn không tiếp tục tỏa sáng, khản giả sẽ đến sân, nhất là lớp những người trẻ đang háo hức đến sân thỏa mãn thú vui hội hè? Ai sẽ đảm bảo nếu các đội bóng cứ thi đấu xuống dốc, các fan trung thành vẫn ào ào ra sân cổ vũ... Vậy mới nói - Coi chừng cú "sốc nhiệt" nếu V-League mất nhiệt quá nhanh.

Vũ Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm