Từ thất bại của HLV Miura và U23 Việt Nam: Thiếu một chữ duyên...

21/01/2016 12:04 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Một trong những điểm cộng (nếu có) của HLV Miura sau gần 2 năm dẫn dắt các ĐTQG Việt Nam là dám cấy vào lòng đội bóng những nhân tố trẻ, mà nhiều người cho rằng, đấy là những phát hiện thú vị, để tạo tính kế thừa xuyên suốt.

Đón lõng

Bắt đầu từ AFF Cup 2014, HLV Miura sẵn sàng gạt qua những Anh Đức, Tấn Tài, Minh Châu và một vài thời điểm thậm chí cả Công Vinh, Thành Lương, Văn Quyết, Phước Tứ…, để thay thế bằng Huy Toàn, Mạc Hồng Quân, Huy Hùng, Minh Tuấn, Hoàng Thịnh, Quế Ngọc Hải và cả Đinh Tiến Thành.

Tuổi trung bình của ĐTQG dưới thời ông Miura được liệt vào hàng trẻ nhất trong lịch sử, trẻ hơn cả thế hệ 84 – 85 từng vô địch AFF Cup 2008 với HLV Henrique Calisto.

Thoạt đầu, nhiều người đã hoài nghi về phương pháp dụng binh của HLV Miura, khi cho rằng, HLV trưởng người Nhật Bản đã tránh một cuộc đối đầu với các cựu binh trong lòng ĐT Việt Nam bằng việc đẩy họ lên băng ghế dự bị.

Nhưng, bằng với thành công bước đầu cùng Olympic Việt Nam ở Asian Games 2014 trước đó, ông Miura có lý do để theo đuổi mục tiêu mà mình hướng tới. Cái đích hướng tới của HLV Miura chắc chắn là chiếc HCV SEA Games 28.

Bắt đầu từ Asian Games 2014, rồi AFF Cup 2014 và chiến dịch vòng loại U23 châu Á 2016, các nhân tố trẻ trong lòng đội bóng dần khẳng định được vai trò. Các bước chuẩn bị hoàn hảo cho kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á diễn ra ở Singapore, cuối tháng 5, đầu tháng 6/2015. Khi những Duy Mạnh, rồi Ngọc Hải, Huy Toàn, Ngọc Thắng… tiếp tục được sử dụng ở tầm ĐTQG cho các trận vòng loại World Cup 2018 cũng là lúc ông Miura hướng họ tới VCK U23 châu Á.

Tức là, HLV Toshiya Miura đã chuẩn bị sẵn lộ trình, một kiểu đi tắt đón đầu, chứ không phải tay mơ, vừa đi vừa mò mẫm. Lấy sân chơi tầm châu lục để chuẩn bị cho giải đấu khu vực, chuyện cũng chỉ có ở các nền bóng đá vùng trũng như Việt Nam. Nhưng đúng là, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên…, như thể một lời nguyền vậy.

Miura có nhiều điều để tiếc nuối

Tại SEA Games 28 trên đất Singapore, U23 Việt Nam với những cầu thủ trẻ thuộc hàng tinh tuyển nhất của nền bóng đá, nhưng đã phải dừng chân ở bán kết. Một nửa kế hoạch của ông Miura đã thất bại, song cũng rất may, cũng như kỳ AFF Cup 2014 trên sân nhà trước đó, VFF không giao một chỉ tiêu cụ thể nào. Thậm chí so với các đời HLV nội tiền nhiệm trước đó, các thành tích vào bán kết 2 giải đấu khu vực của ông Miura đã được cải thiện, được cho là thành công…

Khi ĐT U23 Việt Nam chuẩn bị giải đấu ở Qatar với độ tuổi trung bình thuộc hàng thấp nhất trong số 16 đội dự VCK U23 châu Á, ông Miura quyết định chơi một canh bạc tất tay. Nhưng, thật không may, vào phút cuối lần lượt các trụ cột không thể thay thế như Ngọc Hải, Huy Toàn, Ngọc Thắng… không thể đi cùng đội đến Qatar, vì nhiều lý do khác nhau. Một trong những lý do cơ bản là các ca chấn thương ngày một dày đặc, khiến ông Miura phải giật gấu vá vai.

VFF chưa gia hạn hợp đồng với HLV Miura là một dấu hiệu!

VFF chưa gia hạn hợp đồng với HLV Miura là một dấu hiệu!

Ông Trần Anh Tú, một thành viên của Thường trực VFF, đã trả lời như thế trước câu hỏi của Thể thao & Văn hóa Cuối tuần rằng: “Có lẽ VFF sẽ không gia hạn hợp đồng với HLV Miura thời gian tới”?


Không thành công, cũng thành nhân, bởi theo chia sẻ của vị HLV 53 tuổi này, U23 Việt Nam tập trung đá VCK U23 châu Á 2016 còn rất nhiều giá trị sử dụng cho thì tương lai. Vấn đề là, ai cho ông thời gian?! Người hâm mộ cạn kiên nhẫn đã đành, đến ngay cả các ông chủ VFF cũng chưa có biểu hiện nào cho thấy, họ sẽ tiếp tục gia hạn hợp đồng với HLV trưởng người Nhật Bản. Nói ra lại bảo mê tín, song có lẽ HLV Miura đã không “xem ngày” khi đặt bút ký hợp đồng với VFF.

Tất cả đều đang đếm ngược ngày tại vị của HLV Miura, trên cương vị HLV trưởng các ĐTQG. Có lẽ, sẽ rất ít người cảm thấy nuối tiếc, khi ông Miura nếu có quy cố hương, ngoài chính bản thân ông. Phải, mộng lớn chưa thành, hỏi sao không tiếc?!

6 HLV Miura đã trải qua 6 giải đấu lớn nhỏ khác nhau cùng các cấp độ ĐTQG khác nhau, nhưng đã không có cột mốc lịch sử nào được tạo ra cho nền bóng đá.

12. Theo nguồn tin không chính thức, mức lương mà VFF trả cho HLV Miura (trên danh nghĩa) khoảng 12.000 USD/tháng, tức là chưa bằng một nửa so với HLV ngoại gần nhất Falko Goetz. So với HLV Calisto (22.000 USD/tháng), lương của ông Miura cũng còn kém xa.

20. Tính từ tháng 5/2014, thời điểm VFF ký hợp đồng (2 năm) với HLV Toshiya Miura thông qua sự giới thiệu của LĐBĐ Nhật Bản và các đối tác kinh tế như Honda và Toyota, HLV Miura đã làm việc cùng bóng đá Việt Nam tròn 20 tháng.


TUỲ PHONG
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm