TĐCS.Đồng Tháp chính thức giải tán

01/11/2014 05:54 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Theo thông báo số 347/TĐ – VPUBND (kết luận của ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tại buổi làm việc với Giám đốc Công ty TNHH Bóng đá Đồng Tháp cùng với sự tham dự của đầy đủ các ban bệ như Sở Nội vụ, các thành viên Hội đồng thành viên…), Sở VH, TT&DL Đồng Tháp sẽ tiếp nhận toàn bộ tuyến trẻ của bóng đá địa phương này (từ U21 trở xuống), đồng thời sáp nhập công ty TNHH Bóng đá Đồng Tháp trực thuộc Sở VH, TT&DL và có khả năng tiến tới giải thể công ty này (theo Luật doanh nghiệp)…

Thông báo chưa đề cập đến số phận của TĐCS.Đồng Tháp tại V-League 2015, nhưng với những động thái kiểu “giải tán” Cty TNHH Bóng đá Đồng Tháp, đơn vị quản lý trực tiếp đội bóng, có thể ngầm hiểu cái kết của câu chuyện tốn nhiều giấy mực trong suốt những ngày qua.

Từ tờ giấy báo tử

Từ khuyến cáo của Liên đoàn bóng đá châu Á AFC, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp yêu cầu các đội bóng (trực thuộc địa phương hoặc doanh nghiệp) phải thành lập Cty CP hoặc TNHH với chức năng quản lý trực tiếp đội bóng. Theo đó, CLB TĐCS.Đồng Tháp trực thuộc Cty TNHH Bóng đá Đồng Tháp với đầy đủ con dấu và chữ ký riêng. Nhưng, hôm qua (31/10), tại buổi họp của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp và các bên có liên quan, chức năng của Cty này đã bị thu hồi.

Điều đó cũng có nghĩa rằng, CLB TĐCS.Đồng Tháp không còn giữ được chức năng thành viên của BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia (VPF). Hiểu theo cách nào đó, nó giống như một thông điệp tiến tới giải thể đội bóng và vấn đề còn lại chỉ là thời gian, cũng như quyết định tiếp theo được đưa ra.

Công văn này gần như đã định đoạt số phận của TĐCS.Đồng Tháp ở V-League 2014.

Sau khi báo cáo và đề xuất các phương án với Tỉnh uỷ, cũng như Sở VH, TT&DL Đồng Tháp, lãnh đạo Cty TNHH Bóng đá Đồng Tháp không có phát biểu nào thêm.

Như Thể thao & Văn hoá đã thông tin, những khó khăn về tài chính không thể giải quyết chính là căn nguyên dẫn đến cuộc bể dâu này. Theo báo cáo mới nhất, TĐCS.Đồng Tháp không thể “chồng” đủ 35 tỷ, để tham dự các giải bóng đá chuyên nghiệp 2015 như yêu cầu của VPF và VFF.

Họ cũng không thể huy động thêm các nguồn lực trong và ngoài tỉnh, khi Tập đoàn Cao su Việt Nam đã xin rút và thậm chí vẫn đang còn nợ số tiền tài trợ từ mùa giải năm ngoái.

“Phóng thích” hay…

Vấn đề với TĐCS.Đồng Tháp lúc này là, họ sẽ làm gì với hơn một nửa đội hình (đa phần là cầu thủ trẻ) còn hợp đồng?! Theo PGĐ Cty TNHH Bóng đá Đồng Tháp, Vương Thanh Trung, các phương án chuyển nhượng (bán cầu thủ) đã và sẽ được tính tới nhằm thu hồi vốn để tái đầu tư cho các tuyến trẻ. Nhưng ngay cả điều này cũng khó, khi từ 4 tháng qua, các cầu thủ TĐCS.Đồng Tháp gần như không được nhận lương. Theo Luật Lao động, họ thậm chí có quyền kiện ngược lại.

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, một cầu thủ TĐCS.Đồng Tháp không giấu nổi sự hoang mang và bất bình: “Ngoài lương 4 tháng nay, tiền thưởng các chiến thắng cho suất thăng hạng V-League 2015, tiền thưởng chức vô địch giải hạng Nhất 2014 và các khoản thu nhập khác, chúng tôi cũng chưa nhận được. Với những người ký hợp đồng năm một với đội bóng ở mùa giải 2014 còn đỡ, chứ những cầu thủ đã chơi cho TĐCS.Đồng Tháp từ trước đó hiện vẫn là “chủ nợ” của Cty từ mùa giải 2013 kia. Đội bóng khó khăn, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, thế còn nguyện vọng chính đáng của chúng tôi thì sao?”.

Có một chi tiết mà có lẽ các cầu thủ cũng như BHL TĐCS.Đồng Tháp phải nằm lòng, đó là các khoản thưởng từng trận, thậm chí tiền thưởng cho cả chức vô địch và suất thăng hạng, được hứa hẹn đều không có văn bản chính thức.

“Chúng tôi biết điều đó, nhưng lãnh đạo là người lớn, không thể hứa lèo trước mấy chục con người được. Chúng tôi đã liên hệ với luật sư để sẵn sàng giải quyết các tranh chấp hợp đồng và đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình”, một ý kiến khác cho biết.

Cổ nhân có câu: “Trâu chậm uống nước đục”. Vì chính sự bị động và cẩu thả, sẽ không bất ngờ khi TĐCS.Đồng Tháp phải đứng nhìn cầu thủ của mình ra đi mà không thu được bất cứ đồng nào, dù đáng ra đó là nguồn thu chính đáng. Thủ môn Trần Bửu Ngọc với bản hợp đồng đào tạo trẻ phi lý có thời hạn đến năm… 28 tuổi là một trường hợp như thế.

Các CLB bỏ giải vì không có kinh phí trong 2 năm qua

K.Kiên Giang (V-League 2014)

SQC.Bình Định (giải hạng Nhất 2014)

CLB BĐ Hà Nội (V-League 2013)

XSKT.Lâm Đồng, Trẻ K.Khánh Hòa, Trẻ SHB.Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Trẻ Hà Nội (giải hạng Nhất 2013)


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm