Nhớ ông Weigang

02/12/2011 12:10 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Với những gì đã làm cho bóng đá VN, HLV người Đức Karl Heinz Weigang thực sự là người bạn lớn. Lục tìm trong ký ức về HLV này, thấy có những điều bổ ích để có cái nhìn cận cảnh hơn về thất bại của U23 VN.

ĐT không phải là một đoàn xiếc lưu động

Năm 1996, tức sau khi bóng đá VN gây sững sờ ở sân chơi khu vực với chiếc HCB SEA Games 18 (1995), VFF đã mời CLB Juventus sang thi đấu giao hữu. Ông Weigang đã phản đối rất kịch liệt với VFF bởi ĐTVN tập trung chuẩn bị cho trận đấu một cách miễn cưỡng.

Ông nhấn mạnh: ĐT là tập hợp cầu thủ giỏi từ các CLB, là niềm kiêu hãnh của người hâm mộ, là tài sản quốc gia, nên cần được chăm sóc kỹ lưỡng, đặc biệt về tinh thần và vật chất, để có thể hoàn thiện về kỹ thuật hoặc vượt mức thành tích dự liệu đối với trình độ khu vực và xa hơn.

ĐT có mục tiêu riêng để tiến tới trên sân cỏ quốc tế. ĐT không thể để những người có trách nhiệm coi là một đoàn xiếc lưu động đó đây nhằm thoả mãn hiếu kỳ của một số khán giả địa phương và làm nguồn thu đột xuất cho địa phương nào đó.

Ông Weigang phản đối việc sử dụng ĐT làm quân xanh cho một CLB bóng đá địa phương và làm công cụ cho các Công ty thương mại nước ngoài trong việc đánh bóng thương hiệu của họ tại Việt Nam.

Tất nhiên dưới mắt HLV Weigang, trận giao hữu với Juventus chỉ  mang tính thương mại cho nhà tài trợ và mang tính quảng cáo cho đội khách. Sau trận ấy, giới chuyên môn nói chung chẳng rút ra được kinh nghiệm cụ thể gì về chiến thuật thi đấu. Chỉ có số khán giả đông đảo bỏ tiền để xem mặt mũi các ngôi sao Juventus.


 Cho tới giờ HLV Weigang (trái) vẫn là một trong những ông thầy ngoại để lại dấu ấn sâu đậm nhất với bóng đá VN

Trình độ kỹ thuật chênh lệch không thể mang lại cho khán giả một trận đấu hấp dẫn. Hình ảnh thủ môn Văn Cường bị chấn thương do va chạm với danh thủ Vialli, hậu vệ Công Minh quằn quại nằm sân vì lối vào bóng phạm luật của tiền vệ Juventus, đến hậu vệ Chí Bảo thi đấu lăn xả, thậm chí phạm luật, nhưng vẫn bị tiền đạo Juventus hất ra lằn biên đôi lần, hẳn vẫn còn  nhiều người nhớ.

Lời bình: Quả thật, phương thức tập trung, chuẩn bị và chọn đối thủ để cọ xát của các ĐTQG lâu nay đều rất bất cập. Thời gian dài thì quá dài, ngắn thì cũng ngắn quá. Cầu thủ luôn bị đẩy vào trạng thái ức chế vì kiểu giám sát như trại lính.

VFF khi tổ chức các giải đấu tập huấn thì quá coi nặng thành tích để vãn hồi áp lực từ khán giả, báo giới. Các đối thủ thường quanh quẩn trong khu vực nên các ĐTQG càng bị soi kỹ. Chúng ta vẫn chưa kéo được các đối thủ sừng sỏ đến từ trời Âu như Thái Lan, Malaysia, Singapore đã làm được. Cũng có một vài ĐT nước ngoài sang thi đấu, nhưng thái độ thiếu thiện chí, như Olympic Brazil chẳng hạn. Câu chuyện bán vé lần đó sốt xình xịch hơn cả ước vọng thu được gì về chuyên môn.

Với cách làm đó các ĐTQG thường dẫn đến hiện tượng thử kêu, đốt tịt. Mới đây nhất, ĐT VN từng chọn Đồng Nai, hay đội vừa xuống hạng và đang nát như ĐT.LA đế đá giao hữu. Như thế còn gì thể diện cho các tuyển thủ, thu hoạch khó đạt năng suất cao về chuyên môn. Đá giao hữu với Nhật Bản, ai cũng thấy khác ngay.

Nếu không thay đổi phương thức tập huấn, có lẽ còn lâu cầu thủ VN mới lột xác về chuyên môn lẫn bản lĩnh. Đá với Lào mà còn sợ, thì làm sao đủ tinh thần chơi trước 100.000 khán giả Indonesia?

Còn nhớ ngay sau khi bóng đá VN mới hòa nhập với dòng chảy bóng đá khu vực, thế giới, thì hạn chế lớn nhất chính là cọ xát quốc tế. Các đội bóng nước ngoài đến VN thi đấu đã hiếm, các ĐTQG xuất ngoại du đấu là xa xỉ. Thế nên, chuẩn bị cho SEA Games 18 (1995), HLV Weigang đã kéo quân sang châu Âu tập huấn. Đấy là điều chưa có trong tiền lệ, kết quả các tuyển thủ đã nâng cấp đột biến về  tư duy chiến thuật, kinh nghiệm và bản lĩnh trận mạc.

Các anh bán trận này bao nhiêu?

Ở Tiger Cup 1996, trong cuộc họp đấu pháp, ông trưởng đoàn Tô Hiền đã phải lấy cành khế để hiệu triệu lòng yêu nước sau khi ĐTVN để hòa đầy vấn đề trước Lào, khiến 4 cầu thủ suýt bị ông Weigang đuổi về. “Các anh bán trận này bao nhiêu”, HLV Weigang vừa hỏi vừa chỉ tay vào ví.

Lời bình: 15 năm sau Tiger Cup 1996, U23 thua trận tại SEA Games 26, thất bại vẫn không được nhìn nhận thuần túy chuyên môn, thay vào đó nghi án cầu thủ bán độ vẫn rộ lên. Không chỉ lần này, mà rất nhiều lần khác thất bại của ĐTQG bị đưa vào tầm ngắm. Tiếc rằng, cũng như hiện tại, nghi án vẫn chỉ là nghi án, trừ lần duy nhất cơ quan điều tra đã đụng “dao kéo” ở SEA Games 2005. Nếu lần đó U23 vô địch có thể sự việc sẽ chìm xuồng. Mõi lần tham chiến mặt trận nào, ám ảnh lớn nhất vẫn là sợ cầu thủ bán độ.

Những ngày này, nhìn ông Falko Goetz đang có dấu hiệu bị đồng hóa tính cách (tìm đủ thứ lý do đổ lỗi thất bại), lại nhớ đến HLV người Đức khác, ông Weigang, một cố nhân đích thực. Những ký ức 15 năm trước dường như mới diễn ra hôm qua.

NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm