Nhạc sĩ Dương Thụ: HLV ngoại hay nội cũng phải tùy lúc

12/01/2013 17:00 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Cà phê thể thao gặp nhạc sĩ Dương Thụ khi câu chuyện về thầy ngoại-thầy nội cho bóng đá Việt Nam đang nóng hơn bao giờ hết.

* Nhạc sĩ từng nhiều lần ủng hộ việc thuê huấn luyện viên ngoại. Lần này Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ thuê ông Kazuyoshi Tanabe, một chuyên gia bóng đá Nhật Bản làm công việc điều hành giải chuyên nghiệp, ông nghĩ sao?

- Tôi nghĩ VPF đã có quyết định sáng suốt. Nhật Bản rất gần gũi với chúng ta. Người Nhât Bản làm bóng đá nghiêm túc và có một chiến lược bóng đá vô cùng đúng đắn. Từ một quốc gia chịu ảnh hưởng của nền thể thao Mỹ (dân Nhật thích bóng chày, không ưa chuộng bóng đá lắm, giống như Mỹ), bóng đá kém phát triển, thậm chí trong quá khứ còn thua cả Việt Nam mình. Trong những năm gần đây, nhận ra điều này, họ đã đầu tư vào bóng đá và bây giờ trở thành một thế lực, không phải chỉ ở châu Á. Con đường của họ là một con đường sáng, chúng ta nên theo.


 Chuyên gia Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe

Tất nhiên Nhật là quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. Những điều kiện để làm bóng đá đỉnh cao về mặt con người, tài chính, nguồn lực xã hội, về thể chế thể thao và phương thức quản lý điều hành, chúng ta mơ cũng không thể có được. Vậy thì học được ở họ điều gì. Có đấy, tuy không nhiều nhưng thật cần thiết cho những nỗ lực tự thân: Tính chuẩn mực trong hoạch định và tổ chức thực hiện, những giá trị chuyên nghiệp thật sự của bóng đá, Sự  nghiêm túc, khe khắt, và thói quen làm đến cùng là những điều mà người Việt Nam ta rất thiếu. Ông Riedl (Alfred Riedl, cựu huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam) không đủ cứng rắn với chúng ta, còn cả nể, không làm đến cùng nên đội tuyển ta chỉ về nhì. Ông (Henrique) Clisto (một cựu huấn luyện viên đội tuyển khác) cứng rắn hơn nên đội tuyển ta đã về nhất. Nhưng ông ấy vẫn không đủ kiên nhẫn nên đã bỏ cuộc.

Chúng ta cần một liều thuốc mạnh hơn, và có lẽ hợp con bệnh hơn, là người Nhật, để biết đến cùng bóng đá ta sẽ là cái gì, cỡ nào. Tất nhiên ông Tanabe chỉ là người điều hành, không phải là huấn luyện viên. Nếu VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam) có một giám đốc kỹ thuật và một huấn luyện viên người Nhật cho đội tuyển quốc gia nữa thì bộ ba này sẽ làm nên chuyện.

Nhưng dù chỉ một mình ông Tanabe, nếu VPF cho ông ấy nhiều quyền lực và biết lắng nghe những gì ông ấy trình bày thì cũng tốt, vì nền tảng của một nền bóng đá phải dựa vào giáo dục học đường và phong trào quần chúng, nhưng đấy là chuyện lâu dài, trước mắt là phải từ các giải đấu chuyên nghiệp, từ các câu lạc bộ. Ý tưởng thì có thể copy được, nhưng con người để triển khai và thực hiện ý tưởng ấy mới quan trọng. Tanabe có thể là người làm được việc đó. Và nếu ông có một ê-kip trẻ tuổi và họ tự coi mình là những người học việc, chúng ta sẽ nhận được kết quả tốt đẹp.

* Tổng cục thể dục thể thao có thái độ cứng rắn trong việc dùng huấn luyện viên nội, đây có phải là một quyết sách đúng?

- Tôi nghĩ cứ khăng khăng quan điểm dùng huấn luyện viên nội là quá bảo thủ, tổng cục sẽ lấy điểm về “lập trường tư tưởng”. Nhưng đó lại là tư duy chính trị lỗi thời cần phải loại bỏ. Học ngoại khác xa vọng ngoại. Nước Nhật làm bóng đá mấy chục năm nay là học từ Brazil. Từ đội tuyển quốc gia cho đến cấp câu lạc bộ, đều là huấn luyện viên Brazil, hoặc huấn luyện viên ngoại có phong cách giống Brazil. Và bây giờ họ đã có bóng đá Nhật Bản với huấn luyện viên Nhật Bản và nếu đá với Brazil thì cũng không quá thua sút.

Người Nhật Bản họ kiêu hãnh và tự trong lắm, nhưng để cho có thể kiêu hãnh và tự trọng họ đã học cả thế giới. Ta còn đang rất kém, sao lại từ chối học hỏi. Cho nên ngoại hay nội cũng là tùy lúc. Yếu kém như bây giờ thì không nên tự tin quá. Hãy học Nhật Bản, bao giờ nhất nhì châu Á đã. Nên quyết định cứng rắn trong việc dùng huấn luyện viên nội lúc này là đáng tranh cãi. Cá nhân tôi là một người yêu bóng đá nội, thì tôi phản đối.


Những nhà điều hành bóng đá Việt Nam cần lắng nghe ý kiến nhiều phía

* Hội đồng huấn luyện viên, VFF và các chuyên gia bóng đá Việt Nam có lẽ đang chia làm hai phe. Một phe cương quyết dùng huấn luyện viên nội và phe ủng hộ dùng huấn luyện viên ngoại. Với tư cách là một người hâm mộ, ông nghĩ sao?

- Những tranh cãi đang xảy ra là một tất yếu. Nó phản ánh đúng thực trạng tư duy bóng đá của người làm bóng đá và tư duy của giới quản lý thể thao nói chung. Ý kiến không trái chiều nhau mới làm tôi ngạc nhiên. Xã hội bao giờ cũng có những người cấp tiến và những người bảo thủ, những người thực dụng và những nhà lý thuyết, những người ảo tưởng và những người thực tế. Ở thời điểm này những người cấp tiến, thực dụng và thực tế có lợi cho tiến trình xã hội hơn. Tôi ủng hộ họ, không phải chỉ trong lĩnh vực bóng đá.

Tuy vậy ta vẫn cần trân trọng những người bảo thủ, những người ưa lý thuyết, những người ảo tưởng vô vị lợi, họ thật nhiệt huyết và trong sáng, chỉ có lúc này, vô tình họ trở thành vật cản đường mà không tự biết thôi. Muốn thành công phải biết thuyết phục, muốn vậy phải thân ái, nhẹ nhàng. Người Việt mình thích “bạo lực”. Hễ thấy trái ý thì “tấn công” liền. Tôi mong rằng các cơ quan có trách nhiệm hãy ngồi lại với nhau, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau và ý kiến của công chúng. Nếu được vậy thì thật là tuyệt vời.

* Đây là thời kỳ đen tối nhất của bóng đá Việt Nam kể từ khi nó ra đời. Phần lớn người hâm mộ bóng đá tỏ ra thất vọng, bi quan, nhưng có vẻ ông không thuộc trong số đó?

- Mặc dù có thất vọng, nhưng tôi không bi quan. Tôi cũng không phải là người lạc quan mà chỉ là người có suy nghĩ tích cực. Khi cái xấu, cái hạn chế, cái khuyết điểm được gọi đích danh và khiến mọi người phẫn nộ vì đã nhìn thấy rõ và không còn mơ hồ nữa thì đó chính là lúc tốt nhất để ta làm một cái gì đó cho nó tử tế. Lùi lại vài năm, tụt hạng vài năm để làm lại một cách qui củ, sửa tất cả những sai làm chúng ta phạm phải còn tốt hơn là thỉnh thoảng lại vớ được một chức vô địch hoặc về nhì để rồi đâu lại vào đấy, lại bết bát lại “thảm họa” bóng đá như năm rồi. Dư luận hãy ủng hộ những người cấp tiến, hãy “ học việc” đã, đừng mơ làm thầy thiên hạ thì sớm muộn bóng đá sẽ là môn thể thao quần chúng tốt nhất, có ý nghĩa nhất đối với người Việt. Còn nó sẽ giỏi đến cỡ nào, nó ở đâu trên bản đồ thế giới thì còn phải phụ thuộc vào việc nước ta sẽ trở thành một quốc gia như thế nào. Còn cứ lẹt đẹt như bây giờ thì hãy quên bóng đá đi.

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm