Không trò đố… thầy dạy ai!

14/09/2018 12:54 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - "Anh có vô tình ngang qua cổng Trường Đại học TDTT TP.HCM hay Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, thì cẩn thận kẻo… bị bắt đi học đấy", đó là câu nói vui của một giảng viên trường Đại học TDTT Bắc Ninh. Sự thật không vui lắm đâu, khi các trường Đại học chuyên ngành thể thao (Bắc Ninh, Đà Nẵng và TP.HCM), và cả những trường có chuyên khoa thể thao, đang rơi vào cảnh thừa thầy... thiếu sinh viên, từ nhiều năm qua.

Nhân sự kiện tái hiện trận chung kết giải bóng đá Hội ngộ David Beckham sau 15 năm giữa Đại học TDTT Bắc Ninh và Đại học TDTT TP.HCM (còn gọi là Trường I và Trường II), do Công ty Thể thao Thiên Long và VietFootball phối hợp tổ chức, chúng tôi có dịp gặp lại rất nhiều những người bạn, những người thầy, đã và đang hoạt động trong địa hạt thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, đặng có thể nghe được những tâm tư khó nói thành lời. Việc vận động, tư vấn tuyển sinh, thậm chí "săn lùng" sinh viên vào trường là có thật.

Ví như tại Trường Đại học TDTT TP.HCM lúc này, với 5 khoa và rất nhiều các bộ môn, nhưng chỉ có bóng đá, điền kinh và bóng chuyền là đủ chỉ tiêu sinh viên, chứ các môn như thể thao dưới nước, bóng ném, bóng rổ, xe đạp…, hiếm năm nào đủ trò. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề thu chi, đã đành, nhưng xa hơn, nó còn khiến cho thể thao Việt Nam nói chung rơi vào khủng hoảng thiếu các cán bộ, giảng viên. Ví như môn bóng ném chẳng hạn, việc tuyển đầu vào là hết sức khó khăn bởi lý do đơn giản... ai biết bóng ném là cái gì? mà phải học đến... đại học!

Tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng hôm diễn ra trận tái đấu, những lão tướng như nguyên TTK và Phó TTK VFF: Ngô Lê Bằng, Nguyễn Hữu Bàng, Dương Nghiệp Khôi, Nguyễn Văn Thành…, phần lớn đều đã nghỉ hưu, nhưng vẫn cố gắng đến sân động viên thế hệ học trò của họ, rằng ráng gắn bó với thể thao, với bóng đá nước nhà. Đừng thấy khó mà thối chí, với ngay cả các giảng viên những trường Đại học Thể thao chuyên ngành, các giám sát… Những sinh viên ra trường năm 2003, một số không gắn với nghiệp mà mình đã học.

Thật nghịch lý, bởi bóng đá Việt Nam các cấp độ ĐTQG đã và đang lên cơn sốt trong nhiều năm qua, vẫn không thể kích cầu đầu vào cho các trường thể thao. Nó khác với những gì đã diễn ra sau các cột mốc AFF Suzuki Cup 2008, SEA Games 2003 và 1995, cũng như Tiger Cup 1998…, mà nền bóng đá tạo lập. Khi ấy, số lượng học sinh đăng ký dự thi vào các trường thể thao tăng đột biến, với "tỷ lệ chọi" nhiều năm lên đến hàng trăm (tức 1 chọi 100). Cái gốc của thể thao đỉnh cao, phải bắt đầu từ nền móng phong trào.

Quang Hải lọt 'tầm ngắm' CLB hạng hai Nhật Bản, VTV không chia sẻ bản quyền AFF Cup

Quang Hải lọt 'tầm ngắm' CLB hạng hai Nhật Bản, VTV không chia sẻ bản quyền AFF Cup

Quang Hải lọt 'tầm ngắm' của CLB Nhật Bản, VTV không chia sẻ sóng truyền hình AFF Cup 2018 là những thông tin chính có trong chuyển động bóng đá Việt tối ngày 11/9.

Ngành thể thao nói chung và bóng đá nói riêng thực sự đang rơi vào khủng hoảng thiếu cán bộ giảng dạy các bộ môn. Chúng ta hoan hỉ với những thành công ban đầu, với bóng đá chuyên nghiệp và các ĐTQG, mà quên khâu đào tạo những cán bộ có chuyên môn, như đội ngũ trọng tài, giám sát, nhà tổ chức giải… Việc thuê mướn các trọng tài ngoại để điều hành một số trận đấu ở V-League, thực sự là một nỗi đau với bóng đá Việt Nam ở khâu đào tạo lực lượng "vua áo đen" kế thừa, cũng như uy tín của giới trọng tài Việt Nam.

Đến một môn thể thao vua như bóng đá hay nữ hoàng điền kinh, còn thiếu hụt nghiêm trọng, thì đừng nói các môn thể thao đỉnh cao khác. Đây thực sự là vấn đề nhức nhối với ngành thể thao và phải cải thiện ngay từ bây giờ, trước khi quá muộn.

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm