Học viện bóng đá HA.GL Arsenal JMG: Trồng cây, trồng người

29/10/2012 06:45 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Nhìn hình ảnh chuyến tập huấn châu Âu dài ngày của U18 HA.GL (đây là khoá đầu tiên của học viện HA.GL Arsenal JMG và khoá đào tạo sẽ kết thúc vào năm 2014), có lẽ trong tim người hâm mộ bóng đá nước nhà không khỏi len lỏi những niềm vui…

Chỉ vài năm nữa thôi, chắc chắn bầu Đức sẽ gặt hái quả ngọt, nếu như 2 lứa đầu tiên của HA.GL Arsenal JMG  “ra ràng”. Ảnh: VSI

1. Nhất là khi U18 HA.GL đã bất ngờ thắng Arsenal với tỷ số 1-0. Đấy là chiến tích thực sự, mang đến nhưng cảm xúc và cảm hứng mà bóng đá nội cần phải có nhiều hơn nữa những khoảnh khắc đó. Trước khi tập huấn và thi đấu giao hữu tại Anh, đội HA.GL Arsenal JMG đã đến thăm và tập huấn tại học viện JMG của Bỉ đồng thời sang Pháp xem CLB Paris Saint Germain thi đấu trong trận gặp Stade de Reims.

Tại Pháp, đội đã có 3 trận đấu với kết quả thắng đội trẻ CLB Wissous 2-0, hòa U19 Paris FC 0-0 và thua Bỉ JMG 2-4. Song song với kế hoạch tập luyện và thi đấu, các cầu thủ trẻ của học viện còn được xem 2 trận đấu của đội một Arsenal gặp Schalke 04 tại Champions League và gặp Queen Park Rangers ở Premier League.

Chắc hẳn, các tuyển thủ U23 QG và ĐTQG cũng thèm khát được có những chuyến tập huấn châu Âu như vậy lắm. Nói thế, bởi lâu lắm rồi, các tuyển thủ QG chỉ quen với những trận, những giải tập huấn quanh quẩn với những đối tượng cũ. Những chuyến đi, nhưng trận đấu mang tính “khai sáng”, giúp cầu thủ ngộ ra giới hạn của bản thân, là khát vọng chuyện xa xỉ. Môi trường, đối tượng tập huấn lâu nay của các ĐTQG chúng ta đúng là có vấn đề. Nếu không vấn đề, tại sao các ĐTQG không thể vượt được vũ môn, ngoài trừ một lần may mắn vô địch AFF Cup 2008. Lối chơi, đẳng cấp, phong độ cũng rất mơ hồ.

“Đi một ngày đang, học một sàng khôn”. Hẳn mọi người còn nhớ ngay từ thời gian mới tái hội nhập với bóng đá khu vực và thế giới, HLV Karl Heiz Weigang đã cho ĐTQG tập huấn dài ngày ở châu Âu. Hiệu quả mang lại gần như tức thời qua quá trình thay đổi môi trường, đối tượng cọ xát hoàn toàn mới. Trong bối cảnh hiện nay, các tuyển thủ chúng ta không bị “ngăn sông cách chợ”, nhưng thực tế cơn khát được tập huấn bài bản, tử tế đang đeo đẳng họ  không nguôi.

2. Đến đây, câu hỏi đặt ra là tại sao một doanh nghiêp tư nhân như HA.GL lại làm được điều những điều tưởng chừng nan giải đó? Họ xây dựng hệ thống đào tạo trẻ đẳng cấp, nghiêm túc, thì VFF, với bao nhiêu đợt được FIFA hỗ trợ kinh phí đào tạo trẻ, hiệu quả vẫn đang mù khơi.  Họ hợp tác với một đại gia của bóng đá Anh như Arsenal, đưa cầu thủ sang trời Âu tập huấn, rõ ràng bóng đá Việt Nam được hưởng, đâu riêng ông bầu Đoàn Nguyên Đức. Vậy mà, một tổ chức đầu não của nền bóng đá như VFF, hoàn toàn có điều kiện tập hợp kinh phí, cùng mối quan hệ với các LĐBĐ trên thế giới, lại không làm được.

Bóng đá cũng như giáo dục, vẫn duy trì  thói quen giáo dục học sinh với giáo trình cứng nhắc, quá khó thoát được trình độ “ao làng”. Tiền vệ của đội U21 SLNA là Nguyễn Phi Sơn đã được BHL Sydney FC chú ý và đưa ra lời mời sang thi đấu cho đội U21 Sydney FC tại giải đấu dành cho các đội U21 tại A-League, quá mong mỏi anh được tạo cơ hội. Phi Sơn không phải là trường hợp duy nhất được các CLB nước ngoài nhòm ngó. Điều đó chứng tỏ người Việt đá bóng không tệ. Vấn đề, cách thức tuyển chọn, sự đầu tư và giáo dục để những tài năng bóng đá phát triển tầm cao…, chúng ta chưa làm tốt. Đa số các CLB chuyên nghiệp, các ông chủ hiện nay đều chỉ muốn “hái quả”, không thiết tha chú trọng  “trồng cây” và “trồng người”. Một cầu thủ muốn vào học viện bóng đá của bầu Đức được chọn từ hàng nghìn gương mặt trẻ. Quá trình học văn hóa cũng trần ai, chẳng kém học chơi bóng.

3. Chỉ vài năm nữa thôi, chắc chắn bầu Đức sẽ gặt hái quả ngọt, nếu như 2 lứa đầu tiên của HA.GL Arsenal JMG  “ra ràng”. Nói chuyện bóng đá, lại liên tưởng đến chuyện “trồng cây” của ông Đức, mà vừa qua báo chí trầm trồ khi sang Lào mục sở thị. Rừng cao su của Hoàng Anh-Attapeu đã trồng lên tới 25.000 héc ta.

Trong thời gian tới, con số này lên tới 40.000 héc ta, trong tương lai là 100.000 héc ta. Để thăm hết vườn cao su hiện nay và một số dự án khác tại Attapeu, phải mất 3 ngày trời ròng rã ngồi ôtô mới có thể đi hết. Khi mủ cao su đi vào thu hoạch đồng loạt, mỗi ngày họ thu về hơn một triệu USD…

Nhưng, mấy ai biết chỉ tính riêng cao su, hiện nay mỗi tuần Hoàng Anh-Attapeu phải bỏ ra 1 triệu USD chi phí các khoản. Biết là thế nhưng sự nghiệp trồng cây để có lợi ích ít nhất phải mất 10 năm, còn trồng người thì cả trăm năm. Dĩ nhiên, sự tốn kém khó mà đong đếm.

12 năm, bóng đá chuyên nghiệp ta đang sản sinh một thế hệ cầu thủ, xem ra chưa ổn chút nào. Cũng hợp lý thôi, bởi mấy CLB coi trọng đào tạo trẻ, nhất là tư tưởng và trình độ văn hóa.

NGỌC HÒA


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm