Chất xám Nhật Bản lên ngôi ở AFF Cup 2014

04/12/2014 05:27 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Thành công của bóng đá Việt Nam và bóng đá Thái Lan ở vòng bảng AFF Cup 2014 đã khiến cho thương hiệu của bóng đá Nhật Bản đột nhiên trở nên rất có giá ở Đông Nam Á. Sở dĩ nói thế là bởi cả hai nền bóng đá trên đều rất tích cực sử dụng “chất xám” Nhật Bản ở những vị trí trọng yếu.

Nếu như vị trí HLV trưởng đội tuyển Việt Nam và trưởng BTC giải VĐQG Việt Nam được giao cho 2 chuyên gia Nhật Bản là ông Toshiya Miura và ông Koji Tanaka, thì Thái Lan lại bổ nhiệm ông Ichiro Fujita làm GĐKT LĐBĐ Thái Lan đồng thời đưa ông Yoshio Kato, cựu HLV thủ môn đội tuyển Nhật Bản, làm HLV thủ môn của đội tuyển Thái Lan.

Hướng về xứ sở mặt trời mọc

Và trong khi LĐBĐ Việt Nam sắp sửa đón chuyên gia Nhật Bản thứ 3 để ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển nữ, thì giải VĐQG Thái Lan trong vài năm gần đây chứng kiến sự xuất hiện ồ ạt của các cầu thủ cũng như HLV tới từ Nhật Bản. Chonburi, CLB giành chức á quân Thai-League 2014, đang được đặt dưới quyền dẫn dắt của HLV Masahiro Wada. Còn HLV thủ  môn Kato vừa làm cho đội tuyển Thái Lan vừa làm việc ở CLB Chonburi.

Ngoài HLV Wada và HLV Kato, còn có ít nhất 3 HLV người Nhật Bản khác làm việc ở các đội bóng hạng dưới của Thái Lan trong mùa giải 2014. Có người đã thi đấu nhiều năm ở Thái Lan và sau khi giải nghệ cầu thủ thì tiếp tục ở lại Thái Lan để chuyển qua làm HLV, mà điển hình là trường hợp của Yoshiaki Maruyama, HLV của Rangsit, đội bóng vệ tinh của Bangkok Glass, CLB đang thi đấu ở Thai-League 2014.

Có tới 13 trên tổng số 20 CLB Thái Lan ở Thai-League 2014 sử dụng ngoại binh người Nhật Bản, và cả thảy có 17 cầu thủ quốc tịch Nhật Bản được đăng ký thi đấu tại Thai-League 2014. Đội bóng sử dụng cầu thủ Nhật Bản nhiều nhất ở Thai-League 2014 là Chiangrai United với 3 ngoại binh Nhật Bản.

“Nhật Bản hóa” nền bóng đá không phải là phát kiến mới

Thực ra không phải bây giờ Nhật Bản mới “xuất khẩu” HLV sang khu vực Đông Nam Á, bởi trước đây đã có không ít trường hợp các đội bóng Đông Nam Á mời HLV Nhật Bản về dẫn dắt như Philippines (giai đoạn từ năm 2001 tới năm 2003 với các ông Masakata Imai và ông Sugao Kambe) hay Lào (giai đoạn 2012-2014 với HLV Kokichi Kimura), nhưng cả 3 HLV này đều không để lại nhiều dấu ấn.

Điều đáng nói là cả 3 HLV Imai, Kambe hay Kimura đều là những nhà cầm quân tương đối có tên tuổi ở Nhật Bản, và họ từng làm việc ở J-League 1 hoặc J-League 2 trong vai trò HLV tạm quyền, trợ lý HLV hoặc HLV đội trẻ trước khi sang tìm kiếm cơ hội ở Đông Nam Á.

Cũng phải nói rằng chất lượng của bóng đá Philippines ở giai đoạn trước khi sử dụng ồ ạt ngoại binh nhập tịch và chất lượng của bóng đá Lào vẫn còn kém một khoảng cách khá xa so với các đội bóng hàng đầu Đông Nam Á, nên việc một số HLV Nhật Bản như các ông Imai, Kambe hay Kimura không thể gặt hái thành công với đội tuyển Philippines hay đội tuyển Lào là chuyện không bất ngờ.

Có lẽ vì thế mà bất chấp sự khởi đầu không mấy ấn tượng của các HLV Nhật Bản ở Đông Nam Á, Thái Lan và ngay sau đó là Việt Nam vẫn mạnh mẽ thực hiện công cuộc “Nhật Bản hoá” nền bóng đá của mình, để rồi ở vòng bảng AFF Cup 2014, cả đội tuyển Việt Nam lẫn đội tuyển Thái Lan đều thi đấu hết sức ấn tượng và đoạt được ngôi vị số 1 ở bảng A và bảng B.

Đằng sau một trào lưu

Tất nhiên, không phải ngẫu nhiên mà số lượng cầu thủ và HLV Nhật Bản lại xuất hiện với mức độ đột biến ở bóng đá Thái Lan trong thời gian vừa qua, bởi họ đã nhận được sự trợ giúp rất đắc lực từ phía LĐBĐ Nhật Bản (JFA).

Thay vì yêu cầu các cầu thủ Nhật Bản sau khi giải nghệ phải trở về Nhật Bản để học làm HLV, JFA và J-League đã giúp mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn bằng việc tổ chức một khoá đào tạo HLV bằng C của JFA tại Singapore để tạo điều kiện cho những ai muốn học làm HLV mà không cần phải tốn nhiều thời gian đi lại.

Ông Yukio Nakano, GĐĐH cao cấp của J-League, lý giải cho việc JFA và BTC J-League hỗ trợ hết mình cho các HLV Nhật Bản hành nghề tại châu Á như sau: “Một HLV từng làm việc ở các quốc gia châu Á khi trở lại Nhật Bản có thể sẽ mang theo một vài cầu thủ xuất sắc. Nếu các cầu thủ nước ngoài hiểu rõ vị HLV mà họ cùng đi thì họ sẽ bớt lo lắng hơn khi quyết định chuyển tới thi đấu ở một quốc gia và một giải VĐQG hoàn toàn xa lạ. Tôi muốn thấy có càng nhiều người Nhật Bản tham gia vào đời sống bóng đá ở các nước châu Á càng tốt, vì điều này sẽ giúp các cầu thủ và HLV thêm thấu hiểu nhau”.

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: “Chọn bóng đá Nhật Bản để học
là đúng”

Trò chuyện với Thể thao & Văn hóa, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch VFF, cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ trước khi quyết định lựa chọn bóng đá Nhật Bản làm mô hình để bóng đá Việt Nam hướng tới học hỏi. Ở Đông Bắc Á thì bóng đá Trung Quốc không mấy phát triển, còn bóng đá Hàn Quốc với chúng ta không có quan hệ thật sự thân thiết, còn khu vực Tây Á thì các nước Ảrập toàn tung tiền tấn ra để làm bóng đá nên chúng ta cũng không thể theo được. Như vậy chỉ còn lại Nhật Bản, nền bóng đá số một châu Á, và đồng thời giữa 2 quốc gia Việt Nam và Nhật Bản cũng có quan hệ rất gần gũi nên VFF đã quyết định chọn bóng đá Nhật Bản làm hình mẫu để hợp tác và noi theo”.


Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm