Bóng đá Hải Phòng sa sút nghiêm trọng: Lỗi hệ thống

06/10/2012 13:53 GMT+7 | V-League

(TT&VH)- Hai từ “thất vọng” dành cho V.HP trong suốt chiều dài V-League 2011 và hậu của nó là năm 2012. Là đội bóng luôn nhận được sự đầu tư lớn, có thể tung tiền mua cả một đội hình để thành ứng cử viên vô địch nhưng V.HP bỗng “phú quý giật lùi” rồi xuống hạng...

Bi kịch đã đến với bóng đá Hải Phòng ở năm 2012 này khi CLB Vicem Hải Phòng bị xuống hạng Nhất, bóng đá Hải Phòng không có đội chơi ở V-League. Như vậy, sau một vòng quay 12 con giáp, bóng đá Hải Phòng đã 3 lần xuống hạng. Đây là lỗi hệ thống và nếu bóng đá Hải Phòng không mổ xẻ, cứ giấu mãi niềm đau thì sẽ luôn nhìn thấy sản phẩm không mầu hồng trong tương lai.

Bài 1: Vicem Hải Phòng xuống hạng

Cái kết dữ dội

Thiếu tính ổn định

Ở V-League 2011, V.HP phải chơi đến trận cuối cùng mới biết mình trụ hạng. Ban trụ hạng ngầm làm nhiệm vụ chống xuống hạng thở phào nhẹ nhõm. Những tưởng, việc đó sẽ được V.HP rút kinh nghiệm cho V-League 2012, nào ngờ đội bóng lại làm cuộc cách mạng nhân sự, để cầu thủ Hải Phòng ra đi và phớt lờ ý kiến từ giới chuyên môn gọi trở về những cầu thủ Hải Phòng đang thành danh ở các đội.

Mỗi mùa V-League là một lần V.HP thay đổi từ quân đến tướng. Hình ảnh đó trở thành quen thuộc nên trước giờ V-League 2012 đã có một cuộc tháo chạy hàng loạt. V.HP mua về một loạt cầu thủ mới, mua cả bộ khung ngoại binh của đội ĐKVĐ SLNA mà không cần biết cầu thủ Kavin chấn thương nặng.



HLV Lê Thụy Hải không giúp cho Hải Phòng tránh được việc xuống hạng. Ảnh: V.S.I

Hơn nửa đội hình mới được V.HP đặt vào tay HLV Nguyễn Đình Hưng khiến ông này không thể gắn kết nổi khi đội bước vào V-League 2012. Ông Hưng từ chức và khi đi ông nói: “Tôi không phải là người mua cầu thủ. Cầu thủ đội mua về không đúng với đề xuất của tôi và chất lượng cầu thủ thấp hơn cầu thủ Hải Phòng, tôi không thể gắn kết nổi họ”.

Thua vì không biết mình yếu

Sau vòng 4 V-League 2012, V.HP thay ông Hưng bằng HLV lão làng Lê Thuỵ Hải. Khi nghe tin ông Hải tới Hải Phòng, một lãnh đạo Tổng cục TDTT (xin không nêu tên) nhắn tin phản ứng. Sợ tôi không nhận được tin nhắn, ông gọi điện thoại: “100 triệu đồng/tháng trả lương cho ông Hải có xót tiền của nhân dân không. HLV Lê Thuỵ Hải là người thế nào ai cũng biết. Hải Phòng không thiếu HLV, làm như kiểu này thì một trung tâm bóng đá mạnh của cả nước sẽ dần trôi về quá khứ thôi”.

Lời cảnh báo của lãnh đạo Tổng cục TDTT trở thành sự thật. Dưới tay ông Hải, V.HP chỉ có 2 trận thắng, vài trận hoà còn lại toàn thua để rồi trung thành mãi vị trí bét bảng với 14 điểm.

Gã nhà giàu V.HP chỉ chơi tốt 20 phút đầu, còn lại càng chơi càng thể hiện sự thua kém về chuyên môn và tự đánh mất niềm tin chiến thắng. Phong cách thi đấu rất “nhiệt” của V.HP mai một dần, thay vào đó là sự bế tắc, yếu ớt. Sau những trận thua, ông Hải đốp chát với báo chí: “V.HP yếu từ thầy đến trò. Ai giỏi thì chỉ cho tôi đá xem nào?”. Ông Hải bảo V.HP là đội bóng yếu thì đội phải chơi phòng ngự để kiếm một điểm qua các trận đấu rồi tính đường thay đổi ở quãng nghỉ, nhưng nực cười khi ông Hải để V.HP yếu ớt chơi tấn công với sơ đồ 4-4-2 cứng nhắc.

Mất ngôn ngữ bóng đá Hải Phòng

V.HP thua cũng bởi ông Hải không biết thứ “bóng đá cá sấu” đã trở thành ngôn ngữ đặc trưng của Hải Phòng. Đó là muốn thắng đối thủ trước tiên phải không thua, đội bóng là tập hợp của những người thợ đá bóng và những nghệ sĩ chơi bóng.

Dưới thời ông Hải, V.HP là những người thợ, chơi đúng vị trí, vừa đá vừa nhìn thầy mà không có nghệ sĩ để tạo sự khác biệt. CĐV Hải Phòng tức giận tung những lời khó nghe. Ở vòng 25, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh tại sân Lạch Tray phải thu hồi 2 băng rôn của CĐV trên khán đài: “HLV Lê Thuỵ Hải là ai?”, “Là người nói phét”.

Nhìn cảnh một địa phương có truyền thống bóng đá, tiềm lực tài chính mạnh mà xuống hạng như V.HP thì quả thật buồn và vô lý. V.HP tiền chẳng thiếu, muốn mua gì được nấy, nhưng dở ở chỗ đôi khi lại chạy theo hào nhoáng bề ngoài nên đánh mất tính cách.

V.HP không vun vén tình yêu bóng đá thành phố mà lại hướng tới một mục đích khác và đưa đội bóng thành tâm điểm hút cầu thủ tứ xứ. Những cầu thủ Hải Phòng cứ dần bị đẩy đi, số cầu thủ Hải Phòng ít ỏi còn lại cảm giác bóng đá ở quê mình hình như rất “bạc”.

Bóng đá dù chuyên nghiệp đến đâu thì vẫn mang mầu cờ sắc áo. Ai chiến đấu cho màu cờ sắc áo Hải Phòng khi có trận đấu V.HP ra sân không có nổi 1-2 cầu thủ đất Cảng?

V.HP mỗi mùa là một lần thay quân đổi tướng, càng thay càng rối thêm. Đội bóng này không nói tiếng Hải Phòng, bỗng trở thành bến đỗ lý tưởng của người mới. V.HP xuống hạng là cái kết dữ dội như thế.


Bài 2: Bóng đá kỳ quái - lòng người tản mác

Trần Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm