Vô đối theo kiểu Hà Nội

21/09/2020 13:47 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Tất nhiên là việc Khắc Ngọc không thể ra sân sau khi đã nhận đủ thẻ phạt, rồi Trọng Hoàng ngồi dự bị và thậm chí, Viettel đã không dùng ít nhất 2 ngoại binh ở trận này, đã khiến cho năng lực chiến đấu của họ bị giảm thiểu đi nhiều, nhưng không một ai phủ nhận sức mạnh tuyệt đối của CLB Hà Nội. Và, đây là trận chung kết Cúp quốc gia, danh hiệu mà không phải Viettel của HLV Trương Việt Hoàng không muốn.

'Kinh nghiệm giúp Hà Nội chiến thắng'

'Kinh nghiệm giúp Hà Nội chiến thắng'

“Cho dù đây là chiến thắng khó khăn với những bàn thắng ở những phút cuối trận, nhưng chính chiến thắng này đã nói lên được thực lực, đẳng cấp cùng bản lĩnh của Hà Nội FC”, chuyên gia Đoàn Minh Xương đã nhìn nhận về kết quả của trận chung kết Cúp quốc gia – Bamboo Airways 2020 như vậy.

So với các trận bán kết và tứ kết trước đó, trận này Viettel thậm chí còn chơi tốt hơn. Nhưng, những người theo dõi trận đấu đều phải thừa nhận rằng, ngay cả học trò HLV Trương Việt Hoàng chơi tốt hơn và tốt nhất, thì trình độ của họ vẫn dưới Hà Nội FC một bậc.

Quang Hải và Thái Quý là những người ghi bàn cho CLB Hà Nội, trong chiến thắng 2-1; đội trưởng Văn Quyết chỉ có một trận đấu tròn vai, so với 2 trận gần nhất làm đầu tàu và tỏa sáng. Nó không có nghĩa là phong độ của Văn Quyết đi xuống, mà bóng đá, lại là thứ bóng đá mà Hà Nội FC đã và đang chơi, trọng trách chia đều cho các... ngôi sao.

Ở Việt Nam, với hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp gồm hơn 20 CLB, nhiều đội bóng tập hợp cả dải ngân hà, nhưng ngôi sao biết thay nhau tỏa sáng, có lẽ chỉ mỗi CLB Hà Nội.

Đó là lý do, Hà Nội đã đứng trên đỉnh vinh quang suốt 10 năm qua, nắm 5/10 chức vô địch V-League, 2 Cúp quốc gia, vào tới trận chung kết liên khu vực AFC Cup, cung ứng nhiều nhất các tuyển thủ cho các ĐTQG. Một đôi năm thì nó là hiện tượng, nhưng một thập niên thì nó phải là bản chất và là đẳng cấp. Trước trận chung kết Cúp quốc gia 2020, Thể thao & Văn hóa đã đặt câu hỏi: Ai cản được Hà Nội FC? Câu trả lời đến lúc này là, chưa tìm ra ai.

bóng đá Việt Nam, tin tức bóng đá, bong da, tin bong da, Hà Nội FC, V League, lịch thi đấu vòng 12 V League, Quảng Nam vs Hà Nội, BXH V League, VPF, VFF
Viettel dù có tung tiền sắm sao cỡ Quế Ngọc Hải thì cũng chưa đủ để trở thành đối trọng của Hà Nội FC. Ảnh: Hoàng Linh

CLB Hà Nội, với phiên hiệu tiền thân là Hà Nội T&T, trên thực tế, không phải 3 năm thăng 3 hạng như nhiều người nghĩ. Họ bắt đầu mua suất chơi từ giải hạng Nhất, sau khi đã có những tác động - đầu tư từ giải hạng Ba và hạng Nhì.

Nhưng kể từ khi lên chuyên, đội bóng này bắt đầu bung tiền sắm sao, với một trong những bản hợp đồng đắt giá nhất vào thời điểm năm 2008, đấy là thủ thành Dương Hồng Sơn, với giá gần 3 tỷ đồng.

Hồng Sơn trước khi ra Hà Nội bắt giải hạng Nhất đã là thủ thành số 1 của SLNA chơi V-League, bắt chính ĐTQG ở VCK Asian Cup 2007, giải đấu mà Việt Nam đã vào tới tứ kết lần đầu tiên trong lịch sử. Tất nhiên, ngay cả khi chỉ chơi hạng Nhất, Hồng Sơn vẫn cứ là kép chính của ĐTQG vô địch AFF Suzuki Cup 2008, đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu và Qủa bóng Vàng Việt Nam năm đó. Có Hồng Sơn, Hà Nội đón thêm Công Vinh năm 2009...

Tất cả với CLB Hà Nội ban đầu, đều được mua bằng tiền, bao gồm cả suất chơi chuyên và thậm chí suất... trụ hạng. Nhưng đội bóng này đã thay da đổi thịt, kể từ năm 2010, với một chiến lược nghiêm túc, bài bản. Và cho đến bây giờ, khi cả làng khựng lại, họ vẫn tiến lên và vô đối.

Trở lại với trận chung kết Cúp quốc gia. Viettel là đội bóng giàu truyền thống, dựa trên lịch sử và con người của Thể Công (cũ). Tất nhiên, họ cũng khát khao danh hiệu, sau khi đã bung rất nhiều tiền để sắm sao. Nhưng, bóng đá, như Thể thao & Văn hóa đã nhắc, phải là sự tích lũy. Trong đó, sự tích lũy quan trọng bậc nhất là nâng cấp lối chơi có mảng miếng. Về điều này, Hà Nội FC cũng... vô đối.

Vô địch đã khó, bảo vệ chức vô địch còn khó hơn. Nhưng Hà Nội FC đã làm được, từ V-League đến Cúp quốc gia. Vô đối đơn giản nghĩa là như vậy.

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm