U23 Việt Nam nhạt nhòa hay thực trạng đào tạo bóng trẻ

05/11/2021 05:15 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Sau lứa trẻ gây tiếng vang ở Thường Châu, không thể phủ nhận rằng bóng đá Việt Nam đang khan hiếm những nhân tố mới nổi bật. Nhìn những gì mà đội tuyển U23 Việt Nam vừa thể hiện tại vòng loại U23 châu Á 2022, có thể thấy rõ bức tranh tổng thể về công tác đào tạo trẻ vốn không sáng màu.

HLV Park Hang Seo chia tay đội U23 sau khi về Hà Nội

HLV Park Hang Seo chia tay đội U23 sau khi về Hà Nội

HLV Park Hang Seo sau khi về đến Hà Nội tối qua 4/11 đã cùng 8 cầu thủ của đội tuyển U23 Việt Nam gia nhập bong bóng khép kín của đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho các trận đấu gặp Nhật Bản và Ả rập Xê út tại vòng loại thứ ba World Cup 2022.

 

Từ những “mùa vàng” đã có...

Nhìn lại sẽ thấy, lứa cầu thủ làm nên kỳ tích tại Thường Châu 2018 là một thế hệ đặc biệt. Hầu hết trong số họ bây giờ đều đóng vai trò trụ cột ở CLB, vị trí vững chắc trên ĐTQG. Những Đình Trọng, Tiến Dũng, Văn Hậu, Duy Mạnh, Xuân Trường, Quang Hải, Công Phượng, Văn Đức... đã góp phần quan trọng vào những thành quả của bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua dưới thời HLV trưởng Park Hang Seo.

Tuy nhiên, những nhân tố đặc biệt không phải lúc nào cũng có. Thậm chí thành công của lứa cầu thủ thế hệ 1995-1997, 1997 -1999 đã như một tiêu chuẩn khắt khe để so sánh với cầu thủ bây giờ. Ai cũng muốn cầu thủ trẻ sau đó phải thể hiện được khả năng, thi đấu ấn tượng và mang lại những hiệu ứng tích cực. Kỳ vọng như vậy không sai nhưng đôi khi đó lại áp lực đáng kể. Vì thế, đội U23 Việt Nam hiện tại cho dù đã có tấm vé đi dự VCK U23 châu Á vào năm sau, nhưng cũng không ít những lời chê bai dành cho họ. Chúng ta phải hiểu rằng, trong bóng đá, không phải lúc nào cũng có được lứa cầu thủ tài năng đều tăm tắp. Người hâm mộ phải nhìn rõ thực tế, đánh giá đúng tình hình để có cái nhìn công tâm hơn cho lứa trẻ bây giờ. Lỗi không phải ở cầu thủ trẻ, mà là cả hệ thống đào tạo ra họ.

Cũng chính “lăng kính” đội tuyển U23 hiện tại sẽ cho chúng ta những tham chiếu xác thực hơn về bóng đá trẻ, công tác ươm mầm thời điểm hiện nay. Rõ ràng tiếng vang đã có với những thành tích ấn tượng như thế nhờ chiến lược đào tạo trẻ dài hơi xuyên suốt những năm trước đó của 1 vài CLB, hay 1 vài trung tâm. Không thể phủ nhận những hiệu quả từ công tác đào tạo trẻ mang lại nhiều năm qua. Tuy nhiên, đâu đó trong chiến lược đào trẻ ấy vẫn còn rất nhiều lỗ hổng, sự thiếu đồng bộ, dẫn đến việc chưa phát huy hết nội lực của nền bóng đá nước nhà.

bóng đá Việt Nam, U23 Việt Nam, Park Hang Seo, HLV Park Hang Seo, VFF, Việt Nam vs Nhật Bản, vòng loại thứ ba World Cup, Việt Nam vs Ả rập Xê út, VFF, U23 châu Á
Màn trình diễn nhạt nhòa của lứa U23 quốc gia lúc này phản ánh đúng thực trạng công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam. Ảnh: VFF

... nhưng bóng đá trẻ không phải là “lúa trời”

Ngoại trừ vài học viện, trung tâm, địa phương đang làm tốt thì bóng đá Việt Nam vẫn còn loay hoay với bài toán mang tên đào tạo trẻ. Nói đâu xa, V-League đã có nhiều đội bóng phải vật lộn những khó khăn về tài chính để hoạt động thì lấy đâu ra tiềm lực để xây dựng xuyên suốt các lứa kế cận. Không ít đội bóng mỗi mùa còn chạy đôn chạy đáo để tìm quân cho đủ danh sách để thi đấu.

Đã có những khủng hoảng nhất định ở mỗi CLB trong nước trong nhiều năm qua. Rất khó để đòi hỏi họ khi còn chật vật tìm kinh phí hoạt động cho đội 1, nói gì đến tuyến trẻ. Rất nhiều địa phương gần như hoàn toàn “mất trắng” khâu đào tạo trẻ hoặc bóng đá trẻ không được đầu tư đến nơi đến chốn nhiều năm qua.

Nhìn từ đó, mới thấy được những nỗi lo chính đáng đang đặt ra lúc này. Như đã nói, không phải không có những dấu ấn nhất định cho công tác đào tạo trẻ nhưng vẫn còn manh mún và “mạnh ai nấy làm”. Mà nhân tài đâu phải như “lúa trời” cứ chờ đến lứa để gặt. Bóng đá cũng vậy, đâu phải lúc nào cũng có những cầu thủ năng khiếu trời cho để chờ đợi. Nói gì đến việc trông chờ để có được lứa cầu thủ giỏi thì càng hiếm. Ví như học viện của HAGL, sau lứa thứ nhất của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, vẫn chưa giới thiệu được thêm cầu thủ nào nổi trội đấy thôi. Kể cả Hà Nội FC, quân đông là vậy, nhưng sau 1 Quang Hải cực kỳ xuất sắc, vẫn chưa thấy gương mặt nào đủ sức thay thế.

Trong bóng đá, không phải cứ đầu tư, cứ làm đào tạo trẻ tốt thì sẽ cho ra được cầu thủ giỏi. Bởi ngoài những tiêu chí về cơ sở vật chất, điều kiện dinh dưỡng hay chuyên gia đào tạo thì yếu tố con người mang tính cốt lõi. Tuy nhiên, phải đầu tư, phải xắn tay vào làm mới mong có kết quả. Mọi thứ không phải tự dưng mà có, càng khó trông chờ nếu cứ làm tự phát như hiện nay. Ngoài những đơn vị như PVF, Viettel, HAGL, Hà Nội chuyên nghiệp trong cách làm, còn lại đào tạo theo kinh nghiệm là chính.

Rõ ràng, muốn đào tạo ra được cầu thủ giỏi cần có HLV giỏi, bác sĩ giỏi, nhà quản lý giỏi và đội ngũ chuyên gia cùng điều kiện dinh dưỡng đầy đủ. Bên cạnh đó, nhất thiết phải có hệ thống tuyển chọn, đào tạo xuyên suốt từ tất cả các trung tâm đào tạo khắp cả nước, bắt đầu từ trẻ em 6 tuổi trong hệ thống bóng đá học đường chẳng hạn. Vẫn biết đào tạo thành công những tài năng trẻ là quá trình rất khó khăn, nhưng giới chuyên môn thường nói vui - Bóng đá Việt Nam rất mạnh đào tạo trẻ, nhưng đó là... mạnh ai nấy làm! Đó là thực tế cần phải được thẳng thắn nhìn nhận để chỉnh sửa.

Cũng cần nhớ, không chỉ vào vài “lò” đào tạo như thế đã đủ để cho ra được những lứa cầu thủ tài năng. Đào tạo bóng đá trẻ trước hết cần được “phủ sóng” rộng khắp rồi tính đến chuyện phát triển chuyên sâu. Không ít những vùng đất, những địa phương có nhiều tiềm năng về con người nhưng lại không đủ tiềm lực để đầu tư. Có nhiều tỉnh thành, thành tích các lứa Nhi đồng –Thiếu niên rất tốt nhưng càng lên trên càng hụt hơi, vắng bóng. Từ đó, để thấy rằng, rất cần những nguồn lực để hỗ trợ các địa phương nhằm khai thác được giá trị con người đang có.

Cùng với đó, phạm vi tuyển sinh càng rộng thì xác suất phát hiện ra cầu thủ tốt càng lớn. Nội dung đào tạo căn cơ, bài bản thì khả năng cho ra những cầu thủ toàn diện sẽ lớn hơn. Thêm nữa, muốn có trò giỏi thì phải có được thầy giỏi. Phải làm sao để có được đội ngũ chuyên gia, giảng viên, HLV có được phương pháp truyền dạy, hướng dẫn chất lượng.

Bên cạnh đó, đào tạo bóng đá trẻ không chỉ từ các trung tâm hay những học viện. Một trong những môi trường phổ biến nhất để phát lộ tài năng chính là bóng đá phong trào, bóng đá học đường. Từ nguồn lực lớn của sân chơi này, các nhà tuyển trạch sẽ phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, sàng lọc và cọ xát. Cuối cùng mới có được sản phẩm ưng ý nhất.

Như vậy, những hạn chế, hụt hẫng trong đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam đã được nhận diện khá rõ ràng. Quan trọng từ thực tế như vậy sẽ có chuyển biến đủ mạnh thế nào trong thời gian đến để mọi thứ không phải “đứt gãy” thêm nữa. Đứt gãy trong đào tạo trẻ hẳn nhiên cũng sẽ để lại lỗ hổng cho tính kế thừa, kế cận của bóng đá Việt Nam.

Nhìn tổng thể hiện nay, công tác đào tạo trẻ vẫn là câu chuyện riêng của các ông bầu có nhiều điều kiện về kinh tế, các trung tâm riêng lẻ. Mọi thứ chưa có được định hướng chung, thống nhất và mang tính đồng bộ. Đó là chưa kể, mỗi trung tâm đào tạo lại có cách làm khác nhau dẫn tới sự thiếu đồng bộ về chuyên môn. Thống nhất, liên tục và đồng bộ là yêu cầu bắt buộc được đặt ra cho đào tạo trẻ. Chỉ có như thế, bóng đá Việt Nam mới đủ nguồn lực để phát triển bền vững.

Nói thì dễ, làm mới khó. Vì vậy, điều cần nhất với công tác đào tạo trẻ hiện nay là hành động quyết liệt, việc làm cụ thể chứ không phải hô hào.

“Việt Nam chưa có một hệ thống đào tạo trẻ chuẩn mực, nền tảng còn yếu, mới chỉ có vài CLB chuyên nghiệp làm tốt. Bóng đá Việt Nam vẫn còn thiếu và yếu ở khâu đào tạo trẻ. Muốn phát triển bóng đá Việt Nam, sẽ cần một sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt. Nếu hệ thống đào tạo bóng đá thanh thiếu niên không được làm bài bản thì bóng đá Việt Nam không thể phát triển được. Bóng đá Việt Nam sẽ không thể dự World Cup”, HLV Park Hang Seo đã nói về bóng đá trẻ Việt Nam.

Còn theo chuyên gia Đoàn Minh Xương thì hạn chế lớn nhất của chúng ta là tuổi đào tạo quá trễ, từ 11-13, trong khi thế giới và một số nước khu vực các em từ 8-10 tuổi đã bắt đầu được đào tạo. Thậm chí tại Đức các trung tâm đã săn tìm học viên từ 6 tuổi. Đó là chưa kể đến nguồn lực từ bóng đá cộng đồng vẫn chưa được khai thác hết, đặc biệt là bóng đá trong trường học, vốn được xem là nền tảng phát triển của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.

 

Trần Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm