U23 Việt Nam, đâu rồi những người hùng Thường Châu?

28/09/2019 06:16 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua 26/9, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã “nín thở” chờ xem kết quả bốc thăm VCK U23 châu Á 2020. Nói nín thở vì đã không ít dự đoán về việc các học trò ông Park sẽ rơi vào bảng đấu ‘tử thần”. Trước khi lá phiếu cuối cùng được mở ra (chỉ còn cái tên Việt Nam) mọi người đã cùng nhau nhẹ nhõm.

U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á: Đầu đã xuôi...

U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á: Đầu đã xuôi...

Kết quả bốc thăm kịch tính trên đất Thái Lan chiều 26/9 đã đưa thầy trò HLV Park Hang Seo đến bảng đấu vào dạng nhẹ ký nhất có thể. Tuy nhiên, với kinh nghiệm cầm quân của mình, thuyền trưởng người Hàn Quốc cũng chỉ thở phào được đôi phần.

Nhẹ nhõm vì trên lý thuyết với các đối thủ UAE, Jordan và CHDCND Triều Tiên rõ ràng là "dễ thở". Vào lúc này, nhiều người lại mơ về chiến tích Thường Châu gần 2 năm trước. 2 năm không dài cũng không quá ngắn để có những thay đổi theo nhiều chiều kích khác nhau. Những “người hùng trên tuyết trắng Thường Châu” ngày đó đã thể hiện bản thân mình sau giải U23 châu Á 2018 ra sao trong gần 2 năm qua?

Đi lên...

Nguyễn Quang Hải xứng đáng được nhắc tên đầu tiên và nhiều nhất trong thời gian qua. Kể từ khoảnh khắc vẽ “cầu vồng trên tuyết” cầu thủ người Đông Anh đã đi một bước dài vững chắc trong đời cầu thủ, dù anh mới ở tuổi 22. Trụ cột ở ĐTQG dưới thời ông Park và Hà Nội FC khi độc tôn ở V-League. Vô địch AFF Cup 2018 cùng danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu. Năm đó, Quang Hải cũng vinh dự có được phần thưởng QBV Việt Nam.

Đó là con số thông kê thành tích, còn những gì Hải “con” để lại trên sân là thật sự đáng xem. Cũng có lúc Quang Hải để quên phong độ của mình đâu đó sau mỗi đợt thi đấu trên Tuyển về. Phong độ mà giới chuyên môn gọi là “chán” bóng. Nhưng với đẳng cấp và phẩm chất của mình, Quang Hải đã trở lại đúng lúc, đúng chỗ khi HLV cần anh. Và Quang Hải đã như nguồn cảm hứng để cùng đồng đội vượt qua người Thái ở vòng loại hồi tháng 3 và năm sau sẽ đá VCK U23 2020 ngay trên đất Thái.

Kể từ trận ra quân thua Hàn Quốc 1-2 (mà Quang Hải là người ghi bàn) ở VCK U23 2018 đến nay gần 2 năm. Theo con số thống kê, từ thời điểm đó cho đến hôm nay, Quang Hải đã khoác áo thi đấu tròm trèm 120 trận. 120 trận trên tất cả các cấp độ đội tuyển CLB và trên mọi giải đấu. Quãng thời gian trôi qua, Quang Hải vẫn thêm nhiều lần chơi bóng để lại nhiều cảm xúc, thêm vài lần lại vẽ cầu vồng bằng những cú đá phạt. Không nghi ngờ gì nữa, vòng loại World Cup 2022, SEA Games 30 và U23 đầu năm sau, Quang Hải vẫn là quân bài chủ lực của ông Park.

Nếu Quang Hải để lại bàn thắng từ quả đá phạt như một khoảnh khắc thì hình ảnh Đỗ Duy Mạnh lá cờ Tổ quốc trong đêm 27/01/2018 đã trở thành một biểu tượng. Trong hệ thống phòng ngự của HLV Park Hang Seo suốt 2 năm qua, Duy Mạnh là cái tên đặc biệt nhất. Anh chơi như một libero bên cạnh những trung vệ dập như Trần Đình Trọng, Bùi Tiến Dũng hay Quế Ngọc Hải. Duy Mạnh vừa có nhiệm vụ phòng ngự, vừa là người phát động tấn công.

Ở tuổi 23, Duy Mạnh đang thể hiện mình như là một trong những trung vệ hay nhất của bóng đá Việt Nam với sự độc đáo và những tố chất hoàn toàn khác biệt. Nói như HLV Phan Thanh Hùng: “Mạnh có rất nhiều tiềm năng và chứng minh cho tất cả thấy rõ những tiềm năng ấy. Thành quả dành cho Mạnh hôm nay là hoàn toàn xứng đáng”.

Giải đấu ở Thường Châu 2018, Đoàn Văn Hậu sinh năm 1999 là người trẻ nhất trong đội hình. Văn Hậu chơi tốt ở 3 trận vòng bảng nhưng chấn thương đã khiến anh không thể đá tiếp ở những trận sau đó và nhường chỗ cho đồng đội Phạm Xuân Mạnh.

Chú thích ảnh
Từ ngôi á quân U23 châu Á, Quang Hải và Văn Hậu vẫn đang có những bước thăng hoa lớn trong sự nghiệp. Ảnh: Hoàng Linh

2 năm qua là tháng ngày vươn vai “khổng lồ” ở chàng trai quê lúa Thái Bình khi bước vào ngưỡng tuổi đôi mươi. Văn Hậu bây giờ đã trở thành trụ cột quan trọng không thể thiếu ở mọi cấp độ đội tuyển dưới thời ông Park. Hành trình này đến một cách tự nhiên và không có bất cứ một sự bàn cãi hay lăn tăn nào từ những người hâm mộ. Chỉ có thể nói một điều duy nhất, tài năng của Hậu là của hiếm không chỉ trong thời điểm này mà trong rất nhiều năm đã qua.

Từ quê lúa Thái Bình đến này sang xứ sở hoa Tulip, Đoàn Văn Hậu đã đi một bước dài trong sự nghiệp. Có thể còn cần thời gian và nhiều yếu tố nữa để xem Hậu có thành công khi chơi bóng tại châu Âu hay không? Nhưng chừng đó cũng đủ minh chứng và khẳng định được tầm vóc chơi bóng của hậu vệ này.

Đi ngang...

Phát triển muộn, phải cạnh tranh và khẳng định vị trí khi lên sau nhưng Phan Văn Đức đã được ông Park “xếp chỗ” rất nhanh và vừa vẹn với cầu thủ Nghệ An này. Rất nhanh, những gì Phan Văn Đức làm được trong những lần vào sân thay người ở 3 trận đấu vòng bảng của U23 Việt Nam trước U23 Hàn Quốc, U23 Australia và U23 Syria đã chinh phục hoàn toàn niềm tin của HLV Park Hang Seo.

Phần thưởng mà Phan Văn Đức nhận được là một suất đá chính trong trận tứ kết giữa U23 Việt Nam và U23 Iraq. Phan Văn Đức chính thức trở thành “người hùng” của người hâm mộ trong khoảnh khắc anh gỡ hòa 2-2 đầy xúc cảm.

Tiếc là chấn thương gặp phải sau đó, đã không cho Đức “Cọt” thể hiện được nhiều. Tiền vệ này đầy luyến tiếc về cơ hội thể hiện mình bị trôi qua: "Đời cầu thủ lúc nào cũng phải song hành với chấn thương, nhưng nhờ có điều đó tôi mới rút ra được nhiều kinh nghiệm. Tôi sẽ trở lại vào đầu năm sau. Lúc đó, các bạn sẽ thấy một hình ảnh Văn Đức hoàn toàn khác".

Và đi xuống...

U23 châu Á 2018 đã đưa hình ảnh của thủ môn Bùi Tiến Dũng “sáng lòa” trong mắt người hâm mộ. Bùi Tiến Dũng sau những pha cản phá 11m như “lên đồng” đã được gọi với cái tên “chàng trai thanh xuân” hay “thủ môn quốc dân”. Bùi Tiến Dũng ở đâu trong gần 2 năm qua khi anh làm quen với băng ghế dự bị hơn là được thi đấu.

Hôm qua, cái tên thủ môn này được nhắc nhiều, không phải là khen ngợi như hồi U23 trước đó. Với bàn thua trong trận đấu giữa Hà Nội FC và 4.25 SC, Tiến Dũng đã mất điểm khi ông Park ngồi theo dõi trên khán đài. Khi được thay Nguyễn Văn Công, cơ hội đã đến để mình chứng tỏ nhưng Tiến Dũng đã vuột mất chỉ trong một phút thiếu tập trung.

Bùi Tiến Dũng được coi như trò cưng của thầy Park, thậm chí, có giai đoạn nhiều người đã nghĩ người hùng U23 Việt Nam nghiễm nhiên sẽ được nhà cầm quân người Hàn trao cơ hội bắt chính khi lên ĐTQG. Có lẽ bây giờ dù có thương yêu Tiến Dũng đến mấy, ông Park cũng phải dựa vào lý trí để mà đặt niềm tin. Hơn thế, số lần ra sân chưa đếm hết bàn tay xuống mùa giải vừa qua sẽ khiến Dũng không thể ở phong độ của thời gian trước đó. Cùng với việc những Nguyễn Văn Toản, Phan Văn Biểu hay Phạm Minh Thành đang nổi lên như thế, để trở lại đúng nghĩa cho SEA Games 30 hay VCK U23 châu Á đầu năm sau, Tiến Dũng cần một cuộc lột xác thật sự.

HLV Park Hang Seo cũng từng cảnh báo các cầu thủ khi trở về CLB sau giải U23 châu Á 2018 nếu không được thường xuyên thi đấu sẽ là một trở ngại lớn nhất. Điều này khiến cho những cầu thủ không thể tích luỹ và hoàn thiện bản thân. Lời cảnh báo của ông Park đã thành sự thật, khi có vài nhân tố nổi nội đã không còn hình ảnh của chính mình. Bùi Tiến Dũng hay Hà Đức Chinh là ví dụ.

Từ thế hệ Thường Châu 2018 cho đến Thái Lan 2020, đội hình của ông Park còn lại những “gạch nối”. Đó là Nguyễn Quang Hải, Hà Đức Chinh, Nguyễn Thành Chung, Trần Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu, Trương Văn Thái Quý và 2 anh em Bùi Tiến Dũng – Bùi Tiến Dụng.

Đó là thế hệ cầu thủ tiêu biểu sinh vào các năm 1997-1998 và 1999. Gầy dựng được một thế hệ cầu thủ đã khó. Tiếp nối thêm lứa cầu thủ để cấy vào cũng chưa bao giờ chuyện đơn giản. U23 châu Á 2020, không biết những viên gạch nối này cùng lứa trẻ được đôn lên có tái hiện được kỳ tích Thường Châu.

Trần Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm