Từ chuyện Văn Hậu đến việc của người đại diện

13/07/2020 05:56 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Đại diện cầu thủ không còn là một khái niệm, hay chính xác ra là một vai trò mới mẻ với bóng đá Việt Nam nữa. Nó là một mắt xích không thể thiếu trong quá trình tiến lên chuyên nghiệp. Vậy, đại diện cầu thủ là những ai, và công việc cụ thể của họ là gì?

Văn Hậu và bài học Công Phượng

Văn Hậu và bài học Công Phượng

Văn Hậu đã chính thức nói lời chia tay với SC Heereveen sau khi hai bên không tìm được tiếng nói chung. Văn Hậu rời Hà Lan nhưng chưa bao giờ thất vọng. Trước mắt cầu thủ 21 tuổi là rất nhiều mục tiêu cần chinh phục. Văn Hậu cũng có bài học tham khảo từ đàn anh Công Phượng.

Theo ông Đặng Hoàng Dương, người đang có trong tay khoảng chục cầu thủ, từ CLB Hà Nội, đến Viettel, SHB Đà Nẵng, CLB Sài Gòn và B.Bình Dương, với nổi bật trong số này là Đức Chiến (Viettel), Hồ Tấn Tài, Văn Vũ (B.Bình Dương) và Quốc Phương (Sài Gòn FC), thì: "Người đại diện là tất cả những công việc xung quanh cầu thủ, để thân chủ chỉ tập trung vào thi đấu, mà vẫn được hưởng những quyền lợi cao nhất".

Đại diện cầu thủ ở Việt Nam có thể là một trợ lý ngôn ngữ, một cựu cầu thủ đã giải nghệ, một HLV, một nhà báo, luật sư, thậm chí là một anh… bán phở. Bản thân Đặng Hoàng Dương từng tập luyện ở đội trẻ Thanh Hóa, từng làm "bầu" vài đội bóng phủi, và với mối quan hệ cũng như uy tín trong giới quần đùi áo số, anh lấn sân qua cái nghề này. Nghe nói hoàn toàn phi lợi nhuận?! Nhưng, anh hùng đâu màng xuất xứ, miễn sao được việc, cho người và cho mình.

Cũng như giới showbiz Việt, đại diện cầu thủ ở Việt Nam phần nhiều vẫn chỉ là người giúp việc, xếp lịch quảng cáo, nhận show, xử lý khủng hoảng truyền thông, chỉ một số ít đưa ra được những tư vấn mang tính chiến lược, nâng cấp khả năng của thân chủ.

Vì không được đào tạo bài bản, với các kỹ năng mềm trong đàm phán, đại diện cầu thủ Việt Nam thường tỏ ra lép vế khi thương thảo với CLB chủ quản của cầu thủ, với khách hàng và với đội bóng mà thân chủ của họ được hướng tới đầu quân. Nhiều người làm công việc này, nhưng lại thiếu chuyên môn sâu, nên khó có thể đưa ra những tham vấn về lối chơi, vị trí hay những mặc cả chế độ về tỷ lệ các trận đấu, số bàn thắng hoặc giữ sạch lưới…

Chú thích ảnh
Ông Đặng Hoàng Dương (thứ 2 từ trái qua) cùng HLV Hoàng Anh Tuấn và cựu GĐKT VFF Jurgen Gede

Trở lại với trường hợp của Văn Hậu, sau thất bại với Heereveen của Hà Lan, đại diện của Hậu, ông Nguyễn Đắc Văn, khẳng định đã làm tốt nhất với khả năng của mình, để có thể giữ Hậu ở lại trời Âu, bởi: "Những cơ hội như thế này với một cầu thủ trẻ Việt Nam là rất hiếm hoi". Nhưng, cuối cùng thì Hậu vẫn phải trở về nơi anh bắt đầu: CLB Hà Nội, dù đội bóng chủ quản sẵn sàng hỗ trợ toàn bộ số lương mà Heereveen phải trả cho Văn Hậu.

Theo quan sát của chúng tôi, một trong những khâu quan trọng nhất trước một vụ đàm phán chuyển nhượng, đấy là thẩm định, thì phần nhiều chúng ta đã bỏ qua. Thẩm định năng lực của cầu thủ, năng lực của đội bóng và mặt bằng giải đấu. Ngoài ra còn môi trường sống, mức độ cạnh tranh suất đá… Điều mà người trong cuộc quan tâm lại chỉ là vấn đề lương, thưởng, là quyền lợi và hình ảnh. Đó là lý do từ Xuân Trường, đến Tuấn Anh, Công Phượng và Văn Hậu đều chưa thành công.

Chúng ta, bản thân cầu thủ và người đại diện của họ, không những không biết người, mà còn chưa hiểu hết mình. Vì thế, dễ gặp phải thất bại.

Bóng đá Việt Nam ngày càng có nhiều người như Đặng Hoàng Dương, Nguyễn Đắc Văn… tham gia vào nghề đại diện cầu thủ. Nhưng hiểu một cách cặn kẽ công việc mà họ và một bộ phận đáng kể khác đang làm, thì nó đơn thuần chỉ dừng lại ở mức độ môi giới hay giúp việc. Cầu thủ và đội bóng chủ quản của anh ta, vẫn là những người có tiếng nói quyết định. Thẳng mực tàu đau lòng gỗ, bộ phận này nói chung còn phải học nhiều!

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm