Thương lắm cầu thủ Than Quảng Ninh!

25/08/2021 08:28 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Đã có sự “đùn đẩy” giữa lãnh đạo tỉnh và CLB Than Quảng Ninh về số phận của đội bóng này. Thế rồi, tương lai của đội bóng đất Mỏ sẽ đi về đâu? Một câu hỏi lặng người, dĩ nhiên đây không chỉ là chuyện riêng của bóng đá vùng mỏ.

Cầu thủ Than Quảng Ninh đưa ‘tối hậu thư’ với đội bóng chủ quản

Cầu thủ Than Quảng Ninh đưa ‘tối hậu thư’ với đội bóng chủ quản

Hàng loạt cầu thủ Than Quảng Ninh đã đồng loạt đăng tâm thư và đưa hạn chót 31/8 về việc trả lương, lót tay của đội bóng này lên mạng xã hội và tuyên bố sẽ thuê luật sư vào cuộc nếu không được thanh toán đầy đủ.

Mới đây, các cầu thủ Than Quảng Ninh đồng loạt lên facebook tố lãnh đạo đội bóng không trả lương, lót tay và sẽ đem vụ việc để nhờ FIFA giải quyết. Ngay sau đó, ông Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch CLB phát biểu trên truyền thông nghe thật não nề.

"Từ năm 2020 đến nay tôi đã 3 lần gửi đơn trả đội bóng cho UBND tỉnh Quảng Ninh, mới đây nhất cũng gửi thêm đơn. Một mình tôi không thể nuôi được đội bóng với kinh phí mỗi năm lên tới cả trăm tỉ đồng.

Suốt thời gian qua khi đội bóng gặp khó khăn, UBND tỉnh Quảng Ninh nhiều lần họp và nói sẽ tháo gỡ nhưng đến giờ cũng chưa thấy gì. Hiện tôi đã trả đội bóng cho UBND tỉnh, công ty của tôi cũng không tài trợ cho CLB Than Quảng Ninh nữa vì giờ không làm ăn được”. Ông Hùng cũng nói rằng, CLB nợ cầu thủ khoảng 60 -70 tỷ đồng.

Vấn đề nhức nhối này đã tồn tại trong hơn 2 năm qua, từ ầm ĩ cho đến bùng phát ra. Đây là hệ quả tất yếu cho cách làm thiếu bền vững, sự đồng bộ giữa các bên và nặng về hình thức. Rõ ràng, cách làm bóng đá này khó để có sự phát triển lâu dài khi doanh nghiệp “khó thở” là đội bóng gặp hạn. Còn vai trò về mặt quản lý của các cấp nhà nước cũng không chuẩn chỉ.

Khi cả hai không tìm được giải pháp chung, cốt lõi, cầu thủ và người hâm mộ là những người chịu thiệt. Cầu thủ sống trong tình cảnh “ăn đong” thời gian quá dài, đi không được mà ở cũng chẳng xong. Thứ bóng đá bằng niềm tin hiện tại cũng không thể tồn tại ở các sân chơi phủi, huống hồ gì giải bóng đá chuyên nghiệp.

bóng đá Việt Nam, tin tức bóng đá, Than Quảng Ninh, Than Quảng Ninh giải thể, V-League, hủy V-League, cầu thủ Than Quảng Ninh kêu cứu, dtvn, vòng loại world cup
Than Quang Ninh đứng trước nguy cơ giải thể
Ảnh: Hoàng Linh

Còn người hâm mộ đất Mỏ thì quá đau đớn vì đã đặt niềm tin quá lớn. Họ tin, họ yêu, họ dành cả thời gian lẫn tiền bạc để tìm niềm vui với đội. Nhưng rồi, tất cả cũng chỉ là sự phụ bạc. Chính người hâm mộ bóng đá đất Mỏ phần nào “cứu cánh” cho các cầu thủ với số tiền quyên góp. Thế mới thấy, thật uổng phí cho tình cảm dành đến đội bóng với cách hành xử của BLĐ cũng như những người có thẩm quyền.

Dù vậy, Than Quảng Ninh không phải là trường hợp hiếm hoi ở Việt Nam sống trong cảnh sớm muộn rồi cũng có ngày giải tán này. Thậm chí, trước đó, rất nhiều đội bóng từng giải tán với lý do khó đỡ như Vissai Ninh Bình, Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành hay mới nhất Tây Ninh phải bỏ hạng Nhất vì thiếu tiền. Đấy là cái giá của kiểu làm bóng đá hớt ngọn, đánh bóng thương hiệu phù phiếm.

Nếu dịch kéo dài và cách làm việc thiếu căn cơ của cấp quản lý là VFF, nhà tổ chức VPF cùng các đội bóng, không loại trừ khả năng, nhiều CLB rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Thực tế, đã có nhiều đội bóng đứng trên bờ vực nguy hiểm. Việc nuôi quân, duy trì phong độ trong một thời gian dài không phải là chuyện đơn giản. CLB có ông bầu giàu có không sao, những đội bóng sống bằng nguồn ngân sách eo hẹp thì dễ rơi vào khốn đốn dẫn đến đổ vỡ. “Nhìn mặt, bắt hình dong”, có thể cảm nhận không ít ông bầu đã không còn mặn mà khi bỏ tiền quá nhiều cho bóng đá nhưng thu về không bao nhiêu, đặc biệt niềm tin về công tác tổ chức, điều hành giải đang có nhiều vấn đề. Vậy nên, hiệu ứng Than Quảng Ninh rất có thể “lây lan” sang các CLB khác dẫn đến cuộc khủng hoảng trên diện rộng.

Để một nền bóng đá thật sự chuyên nghiệp, sống khỏe bằng cách tự kiếm ra tiền, chưa có CLB làm được, họ chỉ sống nhờ vào hầu bao các ông bầu. Chính quyền các địa phương cũng buông lỏng việc quản lý đội bóng cho doanh nghiệp, trừ khi đội…vô địch! Khi xảy ra biến cố, quả bóng lại được đùn đẩy.

Để điều chỉnh lỗi hệ thống của giải chuyên nghiệp, bộ phận cần điều chỉnh nhất vẫn là VPF và VFF. Từ đó tạo ra niềm tin cho các thành viên cũng như doanh nghiệp muốn đầu tư vào bóng đá. Chứ cứ rối như thời gian qua, đặc biệt nhiều quan chức ở các CLB không am hiểu bóng đá nhưng rất giỏi “đả kích”, thiếu tinh thần cầu thị vì đại cục, e rằng chưa biết bao giờ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam mới đi qua thời kỳ quá độ.

Gia Bình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm