Sài Gòn vs TPHCM: Derby TPHCM là trận 'chung kết ngược'

19/08/2022 09:33 GMT+7 | Bóng đá Việt

Ngay sau buổi gặp mặt với lãnh đạo thành phố hôm 11/8, thì 2 đội bóng TP.HCM lại tiếp tục thua trận và chôn chân ở 2 vị trí cuối bảng trước khi đá “chung kết ngược” với nhau ngay trên sân Thống Nhất tại vòng 13 Night Wolf V-League 2022, chưa bao giờ lại có một trận derby buồn đến thế.

CLB TPHCM kỳ vọng gì ở Lee Nguyễn?

CLB TPHCM kỳ vọng gì ở Lee Nguyễn?

Cổ động viên CLB TP.HCM đã đối diện với nhiều nỗi buồn xuyên suốt 12 vòng đấu mùa giải năm nay nhưng, ngoài trông chờ vào tài nghệ xoay chuyển của HLV Trương Việt Hoàng, họ dường như đã tìm thấy một tia sáng hy vọng cuối đường hầm mang tên Lee Nguyễn.

Derby buồn

Bóng đá TP.HCM có 3 giai đoạn mà cùng lúc có 2 đội đang chơi ở hạng cao nhất V-League, đó là thời kỳ của Cảng Sài Gòn – Công an TP.HCM (từ 2000-2002), Navibank Sài Gòn – Xuân Thành Sài Gòn (2009-2013) và thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, chỉ duy nhất lần này mới xuất hiện tình huống 2 đội bóng cùng thành phố lại nằm chót bảng, khả năng xuống hạng lại gần như nhau. Theo tính toán, giả sử như 2 trận đi – về của họ đều kết thúc với tỷ số hòa, thì có thể sẽ bị các đội xếp trên bỏ lại với khoảng cách 3-5 điểm. Nếu trong cặp đấu này, đội nào thua cả 2 lượt, thì coi như phải xuống hạng.

Thế nên ở tại cuộc gặp mặt của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên với 2 đội bóng, lãnh đạo thành phố sau khi úy lạo tinh thần và đồng ý sẽ xem xét các kiến nghị từ 2 đội, vẫn phải nhắc nhớ một điều: Làm gì thì làm, đừng để xuống hạng.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương tham gia buổi gặp cũng nói thẳng: “Lãnh đạo 2 đội cần nhìn vào một sự thật, đó là sẽ phải “tương tàn” để tránh suất duy nhất xuống hạng. Rất khó ăn nói với người dân thành phố nếu sang mùa sau, chỉ còn một đội đá V-League. Với góc nhìn của người làm chuyên môn thì chuyện xuống hạng là khó tránh khỏi và vì vậy, 2 đội cần phải có những tính toán trước mắt, rồi sau đó nói chuyện lâu dài mới khả thi”.

Thực tế thì không có đội nào mạnh dạn hứa về việc trụ hạng tại buổi gặp lãnh đạo thành phố nói trên. Cũng không thấy đề cập đến một giải pháp cụ thể nào, bao gồm khả năng phải xuống hạng. Cả Sài Gòn FC lẫn CLB TP.HCM hiện nay đều loay hoay với công tác nhân sự.

Các thay đổi lớn nhất của họ đều ở băng ghế chỉ đạo, với sự xuất hiện của Lê Huỳnh Đức trong vai trò GĐKT tại Sài Gòn FC và HLV Trương Việt Hoàng sẽ thay ông Trần Minh Chiến tại CLB TP.HCM. Vấn đề là cả ông Đức lẫn ông Hoàng đều không được trọng dụng tại các đội bóng cũ nên mới “rảnh việc”.

Họ không thể là những ‘cây đũa thần” để giải quyết những thứ tệ hại trước mắt. Hơn nữa, “điểm sáng” lớn nhất của 2 HLV này đó là việc họ đưa SHB Đà Nẵng và Viettel giành chức vô địch, không liên quan gì đến hoàn cảnh cần trụ hạng của 2 đội thành phố lúc này.

Lee Nguyễn, Bùi Tiến Dũng, Vleague, Sài Gòn FC, Nguyễn Hữu Thắng, Sài Gòn FC vs TPHCM, lịch thi đấu Vleague vòng 13, trực tiếp Sài Gòn vs TPHCM, bxh VLeague
Cho dù trận derby bóng đá Sài Gòn có kết quả như nào thì đấy cũng không thể là niềm vui với người hâm mộ nơi đây. Ảnh: VPF

Nói dễ, làm mới khó

“Trụ hạng trước đá”, là một mục tiêu vừa gần và vừa xa. Trước CLB TP.HCM và Sài Gòn FC, thì những đội như Navibank và Xuân Thành đều đã hứa hẹn về việc sẽ đầu tư cho công tác đào tạo trẻ, thậm chí như phía Navibank từng cho biết hợp tác cùng Bayern Munich để mở học viện tại TP.HCM. Nhưng mọi thứ chẳng đi đến đâu khi mà cả 2 đội bóng này đều không hề có các tuyến U và cũng chỉ tồn tại 5 năm trước khi “biến mất” ngay ở thời điểm họ không hề đối diện với chuyện xuống hạng.

Nói bao giờ cũng dễ, nhưng ai cũng biết đào tạo trẻ là chuyện không đơn giản và rất tốn thời gian. Sau 5 năm có mặt tại V-League, thì lực lượng của Sài Gòn FC lẫn CLB TP.HCM đều vẫn trong tình trạng vay mượn nhân sự, nên việc họ có các tuyến U để dự phòng càng khó xảy ra.

Sài Gòn FC hiện nay vốn là đội Hà Nội B năm 2016 “chuyển hộ khẩu” vào TP.HCM để tránh xung đột lợi ích với Hà Nội FC cùng thuộc chủ sở hữu. 4 năm đá V-League, đội bóng xa lạ với người Sài Gòn này luôn chơi tốt, không lo việc trụ hạng dù lực lượng không mạnh và điều kiện sân bãi chẳng tốt hơn bây giờ.

Thành tích tốt nhất của Sài Gòn FC là hạng 3 V-League 2020, lúc đó lực lượng nòng cốt vẫn là của Hà Nội B ngày nào. Chẳng hiểu sao cuối mùa đó, các ông chủ mới của Sài Gòn FC thay đổi toàn bộ lực lượng và kể từ đó, đội bóng lao dốc về thành tích.

Theo lời giải thích của họ thì có đến 21 cầu thủ của Sài Gòn FC cũ hết hợp đồng nên tự động ra đi. Câu hỏi đặt ra là tại sao họ không thể giữ lại và tái ký để rồi thành tích của Sài Gòn FC phiên bản mới còn tệ hơn trước?

Đội TP.HCM cũng không khác mấy. Tính luôn ông Trương Việt Hoàng, thì chỉ từ năm 2015 đến nay, họ đã có đến 5 HLV và 2 Chủ tịch. Điều đáng nói là ai cũng có sự nghiệp rất đáng nể, như các ông Toshiya Miura hay Alexander Polking đều từng hoặc sau đó là HLV của Việt Nam và Thái Lan. Như vậy, vấn đề của TP.HCM vẫn nằm ở chất lượng cầu thủ cũng như sự ổn định nhân sự trong bối cảnh mà các CLB ở V-League đều có những đầu tư chẳng kém gì họ.

Có một chi tiết đáng lưu ý là chưa từng có đội bóng nào của TP.HCM từng rớt hạng mà lại không “biến mất” gần như ngay sau đó. Hơn nữa, tính cạnh tranh của giải hạng Nhất chẳng kém gì V-League, không phải xuống rồi lại lên một cách đơn giản. Bài học của Đồng Tháp, Khánh Hòa vẫn còn đó. Những tân binh như Viettel hay Bình Định muốn trở lại V-League cũng mất hơn chục năm vắng bóng đỉnh cao…

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm