Nhạt nhòa derby thời bóng đá lên chuyên

12/06/2020 10:49 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Một ngày sau trận derby xứ Quảng - Đà, SHB Đà Nẵng tiếp Quảng Nam, là hàng loạt các trận derby khác, ví như Thanh Hóa gặp người hàng xóm SLNA hay TP.HCM hỏi thăm nửa còn lại của thành phố CLB Sài Gòn… Một vòng đấu, về lý thuyết, rất đáng chờ đợi. Nhưng, có thể những trận derby sẽ chỉ làm khơi gợi hào khí về một ngày xa xưa.

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay, 12/6. Trực tiếp HAGL vs Nam Định, TPHCM vs Sài Gòn. VTV6, BĐTV

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay, 12/6. Trực tiếp HAGL vs Nam Định, TPHCM vs Sài Gòn. VTV6, BĐTV

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay. Lịch thi đấu bóng đá V League vòng 4: trực tiếp HAGL vs Nam Định, Thanh Hóa vs SLNA, TPHCM vs Sài Gòn, Hà Tĩnh vs Hà Nội. Lịch thi đấu bóng đá hạng Nhất vòng 2. Lịch thi đấu bóng đá bán kết Cúp Ý. Lịch thi đấu bóng đá Tây Ban Nha La Liga vòng 28. Lịch thi đấu bóng đá Bồ Đào Nha Primeira Liga vòng 26. Lịch bóng đá ngày 12/6, rạng sáng 13/6.

Từ Sài thành đôi ngả...

Cách đây vài tuần, một cuộc cãi vã khá ầm ĩ giữa những người ủng hộ CLB TP.HCM và CĐV của Sài Gòn FC nổ ra trên một vài diễn đàn. Tất nhiên, nó không đi đến đâu và không có giá trị nào về văn hóa cổ động, không kích thích sự phát triển của các hội, nhóm CĐV. Người hâm mộ thời mạng xã hội lên ngôi cũng giàu toan tính lắm lắm, chứ không hẳn chân phương, không máu mê như trước.

Vào thời điểm trước khi V-League ra đời, cứ mỗi khi Cảng Sài Gòn gặp Hải Quan, hay Công an TP.HCM, sân Thống Nhất lại mở hội, không còn một chỗ trống. Ngày đó, CĐV ý thức rất rõ màu cờ sắc áo và phần cơ bản trong số họ là người thân, hoặc hàng xóm của các cầu thủ. Ví như Công an TP.HCM đá, cả con phố Đặng Văn Ngữ ở Phú Nhuận kéo đến sân cổ vũ Trần Minh Chiến…

Công an TP.HCM ban đầu không được xem là đối thủ xứng tầm với Hải Quan hay Cảng Sài Gòn, cho đến trước khi thế hệ của Trần Minh Chiến, Lê Huỳnh Đức, Liêm Thanh, Chí Bảo, Hoài Linh, Bá Hùng, Hoàng Hùng…, chứng minh được đẳng cấp, bằng những danh hiệu ở thập niên 90 của thế kỷ trước. Tiếc! những ngày vui không kéo dài, khi Công an TP.HCM giải thể đầu năm 2000.

Một thời gian dài tính bằng 2 thập niên, kể từ sau lần cuối cùng Cảng Sài Gòn vô địch V-League 2001-2002, bóng đá đất Sài thành chỉ còn những tiếng thở dài. Rất nhiều đội bóng được nhập hộ khẩu về đây, nhưng chẳng bền vì không hợp thổ nhưỡng, mặc cho TP.HCM là thành phố dễ đồng hóa. Nếu CLB TP.HCM còn mang chút "ruột rà" từ thời Cảng Sài Gòn, thì xem ra, CLB Sài Gòn là đội bóng nhập khẩu trụ lại được lâu nhất.

Bởi, trước CLB bóng đá Hà Nội chuyển vào mảnh đất này, và đổi phiên hiệu thành Sài Gòn FC (2016), từ Navibank Sài Gòn (tiền thân là Quân khu 4), đến XMXT Sài Gòn (Hòa Phát B&B, rồi Hà Tĩnh), Sài Gòn Hải An United…, đội trụ nhất cũng chỉ 2-3 mùa giải. Hết thảy họ đều không mang thuộc tính Sài Gòn nào trong lối chơi, ví như sự hào sảng, tận hiến. Sợi dây liên kết giữa cầu thủ và khán giả, CĐV cũng không bền, nên… giải thể.

Trở lại với hiện tại. Trên thực tế, ngay cả khi CLB TP.HCM và Sài Gòn FC cùng bay cao ở giai đoạn đầu mấy mùa giải gần đây, thì những cuộc chào hỏi giữa 2 đội bóng này ở Thống Nhất cũng rất nhạt nhòa. Không hiếm các trận đấu kết thúc với tỷ số 0-0. CĐV trên các khán đài cũng rất lèo tèo và nói vui như anh Lê Anh Tiến, một CĐV ruột của Sài Gòn, thì thành viên của Hội CĐV Sài Gòn FC bao năm qua rất ổn định ở con số 50 người.

truc tiep bong da, TPHCM vs Sài Gòn, lich thi dau V League, lịch thi đấu bóng đá Việt Nam, truc tiep bong da, trực tiếp bóng đá hôm nay, VTV6, bóng đá TV
Trận derby giữa TP.HCM và Sài Gòn FC lúc này dù quyết liệt, nhưng khó tạo nên bầu không khí hừng hực như thời bóng đá bao cấp. Ảnh: VPF

Một chính sách phát triển các Hội – Nhóm CĐV bóng đá ở TP.HCM vẫn còn rất tự phát và tương đối manh mún. Có người, hôm nay cổ vũ đội này, mai nhảy qua đội kia. Một số khác luôn nhìn vào các khoản tài trợ và mong mỏi nó hàng ngày, mặc cả với tài trợ mới đến sân hay xuất hiện trên các diễn đàn. Tóm lại, chơi bóng đá mà nghĩ quá nhiều đến “quà”, thì không bền rồi.

Ngoại trừ một số trận đấu bóng đá kết hợp ca múa nhạc tạp kỹ thời XMXT Sài Gòn, hay các trận đấu của các ĐTQG, sân Thống Nhất mới được lấp đầy, còn lại rất lèo tèo. Mùa này, CLB TP.HCM đã mua về cả thần tượng Công Phượng lẫn thủ môn quốc dân Bùi Tiến Dũng, thì tình hình xem ra cũng không cải thiện được nhiều trên khán đài. Hy vọng về chuyên môn, trận đấu này sẽ còn điều gì đó để xem, để kéo lại hào khí của bóng đá Sài thành.

Đến muôn nẻo derby

Ngược ra Khu 4 (cũ), Thanh Hóa tiếp người láng giềng SLNA trong một buổi chiều cũng khá đặc biệt. HLV Nguyễn Thành Công, con trai của HLV Nguyễn Thành Vinh vừa mới nhậm chức ở xứ Thanh, đã phải chống lại đội bóng quê hương, với đa phần trong số họ từng là học trò của anh, thời còn làm đào tạo trẻ SLNA. Công tư phân minh, đây là trận đấu bản lề của Nguyễn Thành Công, và ngoài ra, hoàn cảnh của Thanh Hóa lúc này đang rất bết.

SLNA đang có thành tích bất bại, với 7 điểm sau 3 trận đấu, trong khi Thanh Hóa toàn thua và vừa phải trảm tướng. Fabio Lopez đã là vị tướng thứ 5 của Thanh Hóa trong vòng hơn một năm qua và điều khá hài hước là, ông bị sa thải sau một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của các cầu thủ, thay vì một chính sách – chiến lược của CLB. Nó cho thấy, Thanh Hóa vẫn còn khá mông lung với bóng đá chuyên nghiệp và Nguyễn Thành Công chỉ là diễn viên đóng thế.

Một CLB có tuổi đời hơn 10 năm chinh chiến ở giải đấu cao nhất Việt Nam lại thiếu một chiến lược bài bản, kể cũng lạ. Cùng với HAGL, Thanh Hóa là đội bóng thay tướng nhiều nhất nhì V-League sau hơn một thập niên qua, nhưng thành công, ít nhất về danh hiệu, với 2 đội bóng này là thứ xa xỉ. Khi cabin BHL không ổn định, kể cũng khó đòi hỏi sự ổn định về mặt lối chơi, chiến thuật. Lợi thế sân nhà với Thanh Hóa ở trận này vì thế không đáng kể.

Trong quá khứ, có khá nhiều các gia đình bóng đá gốc Thanh Hóa di cư vào Nghệ An, ví như nhà Văn Sỹ Chi, Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Linh… Ở kỷ nguyên V-League, làn sóng cầu thủ xứ Nghệ từng tràn ngập xứ Thanh. Đây là 2 địa phương có nhiều mối giao thoa trong bóng đá, nhưng riêng nghiệp cầm quân, thì vẻ như các HLV người gốc xứ Thanh lại khiêm tốn hơn nhiều so với Nghệ An. Không ít lần xứ Thanh phải viện xứ Nghệ ở cabin BHL.

Cùng với các diễn biến ở TP.HCM, hay xứ Quảng - Đà vừa kết thúc mà chẳng hề có kịch tính khi đội bóng sông Hàn như "trút giận" với tỷ số 6-1, thì trận đấu giữa Thanh Hóa và SLNA cũng có điều gì đó chờ đợi. Một cuộc chiến trên khán đài và cả dưới sân, với màu vàng sẽ phủ kín sân Thanh Hóa. Và đây có lẽ là khác biệt lớn nhất so với 2 trận derby còn lại. Cả Thanh Hóa và SLNA đều còn “sống được” cho đến lúc này, phần nhiều nhờ lực lượng CĐV trên khán đài. Họ rất máu bóng đá và tạo cho cầu thủ cảm giác được tựa lưng để chiến đấu.

Bóng đá không có khán giả, sẽ tự chết dần chết mòn. Không hề mê tín khi nói rằng, người hâm mộ chính là đã và đang nuôi bóng đá xứ Thanh, xứ Nghệ, chứ không phải túi tiền của các ông bầu. Nếu làm bóng đá tử tế, đầu tư vào bóng đá Nghệ An, Thanh Hóa hay Nam Định, nơi dấu ấn địa phương vẫn còn rất đậm đặc thì nhà đầu tư sẽ chỉ được và không bao giờ sợ mất. Bởi các đội bóng này đang sở hữu nguồn lực vô tận từ khán đài mà bao CLB khác thèm muốn. Không tin, mời bạn về xứ Thanh một chuyến!

HLV Nguyễn Minh Đức là người của CLB Hà Nội và cũng nội tuần này, anh sẽ có cơ hội chứng minh đẳng cấp huấn luyện thực sự của mình, khi Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tiếp nhà vô địch Hà Nội FC. Quân của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cũng phần đông là do Hà Nội tăng cường. Đây có thể là trận đấu đáng xem nhất nhì và cũng đáng soi nhất nhì ở vòng này. Và khá thú vị, đây cũng là trận derby mới của các đội bóng chịu sự ảnh hưởng của bầu Hiển. Liệu một Hà Tĩnh đang lên có dám... đánh bại đội bóng số 1 quốc gia hiện tại? hay... Hãy cùng chờ xem.

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm