Nạn nhân vụ bạo loạn ở SVĐ Indonesia tiết lộ sự thật về tấn thảm kịch

03/10/2022 16:24 GMT+7 | Bóng đá Việt

Một nạn nhân trong vụ bạo loạn tại SVĐ của Indonesia đã tiết lộ sự thật về tấn thảm kịch khiến 125 người thiệt mạng.

ĐT Indonesia có nguy cơ khủng hoảng trầm trọng sau vụ bạo loạn của các CĐV

ĐT Indonesia có nguy cơ khủng hoảng trầm trọng sau vụ bạo loạn của các CĐV

Bóng đá Indonesia đối mặt với những án phạt nặng nề của FIFA và có thể lâm vào khủng hoảng trầm trọng sau vụ bạo loạn của các CĐV tại sân Kanjuruhan.

Vụ bạo loạn tại SVĐ Kanjuruhan của Indonesia hôm 1/10 khiến toàn bộ thế giới bóng đá bàng hoàng. Hỗn loạn đã xảy ra sau trận đấu giữa hai đội Arema FC và Persebaya Surabaya tại sân Kanjuruhan. Đây là một trong những thảm kịch kinh hoàng nhất trong lịch sử bóng đá. Theo số liệu được công bố chính thức, có tổng cộng 448 nạn nhân từ vụ bạo loạn nói trên, trong đó 125 người thiệt mạng, 302 người bị thương nhẹ và 21 người chấn thương nặng.

Rezqi Wahyu, nạn nhân trong vụ bạo loạn ở sân Kanjuruhan, đã tiết lộ về những gì xảy ra. Rezqi Wahyu là CĐV của CLB Arema. Theo Rezqi Wahyu, các CĐV của CLB Arema không có ý định gây bạo loạn.

Chú thích ảnh
Theo số liệu được công bố chính thức, có tổng cộng 448 nạn nhân từ vụ bạo loạn, trong đó 125 người thiệt mạng

Rezqi Wahyu cho biết nguyên nhân của mọi việc bắt đầu sau khi các CĐV của CLB Arema muốn gặp gỡ các cầu thủ họ sau trận thua trước Persebaya Surabaya tại sân Kanjuruhan.

Khi trận đấu kết thúc với tỉ số 3-2 nghiêng về Persebaya Surabaya, các cầu thủ và HLV của CLB Arema đã tới gần khán đài để xin lỗi CĐV. Tuy nhiên có 1 CĐV quá khích xông vào sân. Johan Alfarizi, hậu vệ cánh của Arema FC, cố gắng khuyên CĐV quá khích này giữ bình tĩnh. Nhiều CĐV khác do vậy cũng tràn vào sân khiến mọi việc vượt ngoài sự kiểm soát. Cảnh sát Indonesia có những biện pháp trấn áp mạnh tay, khiến đám đông CĐV trở nên hỗn loạn. Rất may là các cầu thủ và ban huấn luyện của Arema FC đã di chuyển an toàn vào đường hầm.

"HLV của CLB Arema và ban huấn luyện đội bóng tiến đến khán đài phía đông để xin lỗi người hâm mộ. Cùng lúc đó, có một CĐV quá khích từ khán đài phía nam đã cố gắng lao vào sân và tiếp cận hai cầu thủ Sergio Silva và Adilson Maringa. Một vài CĐV khác bày tỏ sự thất vọng vì màn trình diễn của đội bóng. Cầu thủ Johan Alfarizi đã cố gắng giải thích cho họ. Tuy nhiên sau đó, càng có nhiều CĐV tràn vào sân để bày tỏ sự thất vọng. Sau khi các cầu thủ vào đường hầm, các CĐV mất kiểm soát và ngày càng có nhiều người tràn xuống sân. Lực lượng an ninh có nhiều biện pháp khác nhau với các CĐV có mặt trên sân. Tuy nhiên theo tôi, cách xử lý của họ là rất nặng tay. Có một CĐV bị đánh ở trên sân. Trong khi đó, các cảnh sát sử dụng hơi cay nhiều lần với các CĐV”, Rezqi Wahyu thuật lại.

Chú thích ảnh
Cảnh sát trong SVĐ Kanjuruhan sử dụng hơi cay

Rezqi Wahyu cho rằng tình hình trở nên tồi tệ hơn khi lực lượng cảnh sát sử dụng hơi cay một cách bừa bãi. “Có đến chục quả lựu đạn cay được cảnh sát ném ra, một số quả còn được ném lên khán đài. Hơi cay bao vây lấy CĐV ở mọi góc sân. Những CĐV hoảng loạn vì hơi cay ngày càng nhiều. Họ chạy toán loạn tìm lối ra nhưng thật không may, lối ra chật kín người. Nhiều người mắc kẹt ở đó. Những người thoát ra được thì nằm ngất ở bên ngoài sân vận động do ảnh hưởng của hơi cay”, Rezqi Wahyu nói tiếp.

“Tình hình ở bên ngoài sân vận động cũng rất căng thẳng. Nhiều CĐV nằm ngất trên mặt đất. Những tiếng la hét vang lên và có cả tiếng khóc của phụ nữ. Rất nhiều CĐV bê bết máu, trong khi đó, các xe ô tô thì đâm vào nhau. Nhiều người tỏ ra tức giận và trong khung cảnh đó, gạch đá bị ném tứ tung”, Rezqi Wahyu nói tiếp.

Chú thích ảnh
Khung cảnh hỗn loạn trong SVĐ Kanjuruhan

Được biết, việc cảnh sát Indonesia dùng hơi cay để đối phó các CĐV quá khích đã vi phạm quy định về an ninh của FIFA. Báo chí Indonesia cho biết Cơ quan Thanh tra Đặc biệt (Itsus) và Phòng Nghiệp vụ và An ninh (Div Propam) đang điều tra về 18 cảnh sát làm nhiệm vụ tại sân Kanjuruhan khi thảm kịch xảy ra. Bên cạnh đó, họ cũng làm việc với một số nhân chứng và các quan chức liên quan phụ trách tổ chức trận đấu giữa Arema FC và Persebaya.

Chú thích ảnh
Hình ảnh bên ngoài sân Kanjuruhan sau vụ bạo loạn

Theo truyền thông Indonesia, Arema FC và Persebaya Surabaya là đối thủ truyền kiếp của nhau. Các CĐV của Persebaya Surabaya không được phép mua vé xem trận đấu do lo ngại về bạo lực. Tuy nhiên, ban tổ chức đã phớt lờ khuyến nghị của nhà chức trách về việc tổ chức trận đấu. Chính phủ đã khuyến nghị chỉ bán 38.000 vé, nhưng thay vào đó số lượng vé bán ra lên tới 42.000. Điều này góp phần dẫn tới thảm kịch tại sân Kanjuruhan.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm