HLV Nguyễn Đức Thắng: ‘Thắng Thái Lan, tại sao không?’

09/10/2015 13:59 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - “Sau trận thắng trên sân nhà ở lượt đi, Thái Lan muốn có thêm ít nhất 1 điểm nữa và họ cũng biết rõ, chúng ta đang cần cái gì, một trận thắng và 3 điểm đúng không?! Như vậy, đội tuyển Việt Nam sẽ chơi tấn công để tự mình tìm kiếm cơ hội, thay vì để đối thủ phán xét cuộc chơi. Và theo tôi, cơ hội chiến thắng là 50/50”, cựu danh thủ Thể Công (cũ) và “thế hệ vàng” của đội tuyển Việt Nam – HLV Nguyễn Đức Thắng chia sẻ.

Bằng sự khiêm tốn, điềm đạm, cùng chất giọng nhẹ nhàng đặc thù người Tràng An, vị HLV trẻ vừa giúp CLB Hà Nội thăng hạng V-League 2016, Nguyễn Đức Thắng “kể chuyện” với Thể thao & Văn cuối tuần.

Bóng đá Thái Lan xưa và nay

Chúng ta, cả những người cùng thời với anh, đã nhắc nhiều về bóng đá Thái Lan, nhưng gần như Nguyễn Đức Thắng chưa từng chia sẻ những cảm nhận và trải nghiệm của cá nhân anh?

- Nếu tôi nhớ không nhầm thì ĐTQG Việt Nam sau khi trở về từ SEA Games 1991, có nhận lời mời đá giao hữu do Thái Lan tổ chức và trận đấu kết thúc với tỷ số hoà 1-1? Tuy nhiên, kết quả một trận giao hữu không thể đánh giá đúng thực lực, cũng như mối tương quan giữa 2 nền bóng đá, dù thời điểm đó, bóng đá Thái Lan cũng chững lại.

Trước đó, khoảng thời gian từ 1995-2005, Thái Lan thực sự đã thống trị Đông Nam Á, từ sân chơi SEA Games, đến Tiger Cup, khi sở hữu các thế hệ cầu thủ đầy tài năng nối tiếp nhau và rất đồng đều.


HLV Nguyễn Đức Thắng đánh giá cơ hội của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan trong trận lượt về là 50/50. Ảnh: V.S.I

Đội tuyển Việt Nam những năm 90 của thế kỷ trước, cũng có thể nói là tài năng thừa thãi, nhưng lại chưa thể tiệm cận, chưa tiếp thu được tinh hoa của bóng đá hiện đại, vì nhiều lý do. Thái Lan luôn hơn Việt Nam ở các trận đấu lớn hay đối đầu trực tiếp, bởi cầu thủ của họ được chơi với các đối thủ lớn ở giải đấu tập huấn.

Trong khi đó, chúng ta chỉ mời được Juventus (Ý), Guingamp (Pháp), Botafogo (Brazil) với những trận đấu nặng tính thương mại. Chúng ta luôn đi sau họ, từ cách làm, cho đến mục tiêu, quá vội vã và luôn thiếu tự tin.

Anh có còn quan tâm và cập nhật về bóng đá Thái Lan không?

- Sau SEA Games 2005, bóng đá Thái Lan rơi vào cuộc khủng hoảng kéo dài đến năm 2011. Tuy nhiên, như thường lệ, họ bắt đầu vạch ra các chiến lược 10 năm hoặc dài hơn, và bước đầu đã thu về thành tích nhất định. Thái Lan lúc này chơi thứ bóng đá hiện đại, đỉnh cao, chứ không còn manh mún như trước nữa.

 Với đội hình này, cùng tính kế thừa được tạo ra, Thái Lan còn có thể thống trị khu vực nhiều năm nữa. Nhưng mục tiêu của người Thái chắc chắn không chỉ dừng ở Đông Nam Á, họ thậm chí đã hạ chỉ tiêu tham dự VCK World Cup 2022. Họ có cơ sở để tin, chứ không ồn ào và vội như chúng ta.

Tất nhiên, khi làm công tác huấn luyện, chúng tôi đều phải cập nhật những thông tin cần thiết như thế.

Còn về HLV Kiatisuk, người đã và đang được xem là tổng công trình sư của nền bóng đá Thái, thì thế nào?

- Thực sự là, tôi không dám chắc mình có thể hiểu được phần nào đó con người của Kiatisuk, dù nhiều lần đối đầu với anh ấy ở các cấp độ khác nhau. Nhưng nếu bóng đá phản ánh tính cách con người, thì tôi cho rằng, nó rất chính xác với cá nhân “Zico Thái”. Tôi sẽ không nói thêm về tài năng hay thành công sự nghiệp cầu thủ, cũng như khi Kiatisuk làm huấn luyện sau này, song chắc chắn anh ấy là người thông minh. Sự thông minh và tinh quái của Kiatisuk dễ dàng được cấy vào công việc. Ngoài ra, anh ấy còn là một nhà quản trị bóng đá rất giỏi.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, tự bản thân Kiatisuk không thể mang đến thành công cho bóng đá Thái Lan, mà cần có sự hậu thuẫn của các cấp quản lý, các đội bóng – giải đấu và cao nhất là Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT). Thái Lan đang sở hữu đội ngũ các cầu thủ có đẳng cấp, đồng đều ở tất cả các vị trí và dù còn rất trẻ nhưng đã là các trụ cột ở cấp CLB. Các ĐTQG Thái Lan được hưởng lợi nhiều từ Thai-League, nơi tập trung các HLV cũng như cầu thủ danh tiếng thế giới. Cầu thủ Thái Lan được làm việc và chơi bóng hằng ngày với những người giỏi, chắc chắn sẽ học hỏi được nhiều điều, qua đó tiến bộ. Không giống như ngoại binh ở V-League, một số khi qua đây mới học đá bóng.


Đội tuyển Việt Nam quyết đòi "món nợ" trước người Thái. Ảnh: AFC

Việt Nam làm gì để đánh bại Thái Lan?

Với những gì đã và đang diễn ra, từ thực thể nền bóng đá, cũng như các ĐTQG Việt Nam dưới thời HLV Miura, quả thật, chúng tôi cảm thấy hơi lo lắng. Đức Thắng thì sao?

- Trong một trận đấu cụ thể, một đội bóng bị đánh giá yếu hơn cũng có cơ hội thắng đội mạnh. Quan trọng là thái độ của các đội bóng được cho là hơn, rằng họ sẽ bước vào trận và tiếp nhận đối thủ như thế nào, bởi ai không biết kẻ yếu sẽ chơi với hết sức bình sinh?!

Nó cũng phụ thuộc vào tính chất trận đấu nữa. Tôi nghĩ, HLV Kiatisuk đang có sự tư tin và rõ ràng anh ta có cơ sở để tự tin, bởi “Zico Thái” đã quá quen với áp lực khán giả Việt Nam, hiểu được điểm mạnh và yếu của bóng đá Việt Nam. Lợi thế kinh nghiệm có vai trò quan trọng. Thái Lan chắc chắn muốn có thêm điểm số, thậm chí không chỉ là 1 điểm ở trận này.

Vậy đội bóng cần phải hành động như thế nào, để tìm chiến thắng trước Thái Lan, qua đó nuôi tiếp tham vọng dự VCK Asian Cup 2019 bằng cửa chính?

- Tôi không nắm được quân số, cũng không trực tiếp cầm quân, nên không thể đưa ra nhận định chủ quan được. Cầu thủ quyết định chiến thuật, chiến lược của đội bóng và chắc chắn, HLV Miura biết mình đang có gì trong tay, thông qua quá trình chuẩn bị khá chu đáo và làm việc cùng nhau suốt một thời gian dài. Tôi được biết, HLV Miura cũng có những nghiên cứu và đánh giá sơ bộ về các đối thủ sắp tới, đặc biệt là Thái Lan, điều đó rất cần thiết để đưa các giải pháp.

Thời Kiatisuk đá, Thái Lan luôn biết chọn thời điểm để ăn bàn, sau đó thì lùi về, chơi túc tắc. Họ rất giỏi gây áp lực và cả sự ức chế lên đối thủ, đó là lý do ngày trước, bóng đá Việt Nam thường có những trận thua đậm, khi đối đầu với Thái Lan, bởi khả năng chịu áp lực của cầu thủ nhà mình thực sự rất kém. Chắc chắn trận đấu này, họ, đội bóng của Kiatisuk cũng sẽ nghĩ và làm thế. Cầu thủ trẻ dưới thời HLV Miura khao khát thể hiện, điều đó cũng tốt thôi, chỉ có điều, người trẻ cũng có điểm yếu, đấy là kinh nghiệm đối đầu và tác chiến khi gặp đối thủ cứng. Tâm lý thi đấu cũng rất quan trọng. Chúng ta lo là vì điều này.

Xin cảm ơn HLV Đức Thắng và chúc anh thành công!

“Theo tôi, đào tạo trẻ ở Việt Nam mới chỉ đang bắt đầu, và trên thực tế, các lò như Hà Nội T&T, SLNA, Viettel, cả PVF nữa, đều vẫn làm theo phương pháp cũ, giáo án, giáo trình cũng cũ, rồi đội ngũ HLV cũng thế, chưa phải hiện đại và chưa lĩnh hội được những tinh hoa.

Các cầu thủ trẻ tuy là tiến bộ hơn so với trước đây, tuy nhiên, muốn đáp ứng được yêu cầu của bóng đá hiện đại, thì chưa đâu. Khá nhất của Học viện của HAGL, nhưng cầu thủ của họ cũng chỉ trội hơn về kỹ thuật và tư duy, chứ thể lực cũng như chiến thuật, chưa có gì đặc biệt cả. Chúng ta vẫn theo sau Thái Lan, thậm chí cả Malaysia nữa”, HLV Nguyễn Đức Thắng


Tùy Phong (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm