Hậu King's Cup: Giấc mơ 'đều như vắt chanh'

11/06/2019 07:23 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Khi HLV Park Hang Seo công bố 23 cái tên dự King’s Cup, đã có những tranh cãi nổ ra xung quanh vấn đề phong độ không tốt khi trở về khoác áo CLB của đa số tuyển thủ. Lúc đó, câu hỏi được nêu lên là khi chơi phập phù như thế, họ sẽ thể hiện thế nào lúc lên tuyển?

Tháng ngày tươi đẹp còn dài với đội tuyển Việt Nam

Tháng ngày tươi đẹp còn dài với đội tuyển Việt Nam

Theo BLV Vũ Quang Huy và Ngô Quang Tùng, đội tuyển Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực và cho thấy sự tiến bộ trong lối chơi ở giải đấu King’s Cup 2019.

Và câu trả lời ở King’s Cup 2019 nhìn chung là rất thuyết phục. Ông Park hẳn sẽ hài lòng, vì học trò đã chứng minh giúp ông, rằng chọn ai và vì sao như thế có cái lý của HLV này. Cũng không phải tất cả đều đá tốt trên đất Thái. Chẳng hạn Nguyễn Quang Hải, cái tên kỳ vọng nhiều nhất, đã không thể hiện hết phẩm chất đặc biệt của mình.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như ở CLB, những cầu thủ này mặc nhiên được suất đá chính, hoặc ngược lại phải liên tục ngồi trên ghế dự bị, sẽ dẫn đến những tâm thế, thể trạng và cách tiếp cận khác nhau, khi họ được gọi lên tuyển. Cho dù thế nào, một khi đã được khoác áo ĐTQG thì tất cả phải căng mình luyện tập để có được chỗ đứng. Cả việc đá chính hay dù chỉ một vị trí từ băng ghế dự bị.

VIDEO: ĐTVN và quả ngọt từ King's Cup

Đã lên tuyển, đó là một vinh dự đi cùng áp lực. Bộ mặt và thương hiệu của đội tuyển, danh dự và màu cờ sắc áo, không dễ để hời hợt. Mà đá hời hợt, đương nhiên sẽ là đích ngắm cho hàng loạt chỉ trích nhắm vào.

Sức ép nhiều, tính cạnh tranh cao. Tất cả mang lại quyết tâm lớn hơn cho mỗi cầu thủ khi lên đội tuyển thi đấu. Họ đã gần như vắt kiệt sức lực trên tuyển. Chính điều này đã khiến các cầu thủ phải nỗ lực hết sức để thi đấu.

Khi trở về CLB, có nhiều trường hợp quá tải và căng cứng. Hơn nữa, những giải đấu của đội tuyển chỉ gói gọn trong vòng vài trận, còn giải đấu quốc nội trải dài qua cả năm trời. Không thể đòi hỏi, đôi khi rất vô lý rằng sân chơi nào cũng thể hiện hết đẳng cấp, duy trì phong độ theo kiểu “nhạc nào cũng nhảy, nhạc nào cũng hay” được.

Chúng ta có thể thấy cầu thủ ở các nền bóng đá tiên tiến rất hiếm khi phải trải qua quãng chùng về mặt phong độ. Không thể đòi cầu thủ Việt Nam đảm bảo điều đó. Trình độ khác, năng lực khác và đẳng cấp cũng khác. Đơn giản một điều, nền tảng thể lực của chúng ta thua kém họ. Bởi thế không thể dựa vào đó, để duy trì phong độ ổn định suốt một chặng đường dài, từ CLB đến đội tuyển.

Thêm nữa, do tính chuyên nghiệp và cả ý thức nghề nghiệp chưa cao nên đã có không ít trường hợp cầu thủ khi rời đội tuyển có tư tưởng thả lỏng, không nghiêm ngặt và ép mình vào khuôn khổ. Có thể, tính kỷ luật ở CLB thấp nên dẫn tới chểnh mảng trong tập luyện, thi đấu.

ĐTQG đương nhiên là tập hợp của những cầu thủ tốt nhất. Ở đó, có sự quy củ và được tổ chức tốt nên cầu thủ dễ dàng vào khuôn khổ để phát huy khả năng. Ngược lại, không nhiều CLB tại Việt Nam đạt được điều kiện tương tự.

Không chỉ dưới thời ông Park mới có chuyện cầu thủ đá kém khi về CLB và khởi sắc lúc lên tuyển. Thực tế, lâu nay đã có thực trạng như thế của bóng đá nước nhà. Cho nên, từ câu chuyện này, để các cầu thủ luôn có được trạng thái tốt nhất có thể, ngoài ý thức tự thân của mỗi cầu thủ, còn cần những chuyển biến trong cung cách quản lý của các đội bóng.

Đó là cần những môi trường thật sự chuyên nghiệp từ cấp CLB, xây dựng đội bóng theo những chuẩn mực từ tập luyện, sinh hoạt tới thi đấu. Một khi có được cái nền như thế, các cầu thủ mới có được môi trường đồng bộ giữa đội tuyển và CLB.

Cũng có thể những bài vở tập luyện ở CLB không cùng sự tương đồng trên tuyển. Chính điều này khiến cầu thủ luôn ở trạng thái khác nhau. Sự điều chỉnh về khối lượng tập luyện, giáo án sẽ dẫn đến những trạng thái khác nhau giữa môi trường CLB và trên ĐTQG. Cả chuyện rèn thể lực, đôi khi cũng lệch pha ở 2 môi trường, mà thể lực chính là nền tảng cho chiến thuật, khi thể lực không tốt, bất kỳ cầu thủ nào cũng sẽ chơi dở và ngược lại.

Từ những trái ngược về phong độ của các tuyển thủ trước ngày lên tuyển và màn thể hiện tại King’s Cup đã để lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Đến đây, lại nhớ lời trần tình của ông Park trước giải đấu về trường hợp của Trọng Hoàng: "Một cầu thủ không được thi đấu có thể phong độ đi xuống. Nhưng trong tháng 5 tôi vẫn theo dõi Trọng Hoàng đá tập nội bộ. Trọng Hoàng không thi đấu nhưng chơi hơn 60 phút trong các buổi tập. Chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên với HLV Viettel để theo dõi thể lực, phong độ của em ấy”.

Rõ ràng, ngoài những vấn đề chúng ta đã đặt ra và lý giải như trên, có thể thấy rằng, cảm quan và sự nhìn nhận của ông Park tinh tế thế nào. Thậm chí ông đã phải “xù lông nhím” trước truyền thông, vừa để bảo vệ học trò, cũng là bảo vệ quan điểm của mình.

King’s Cup xét trên nhiều phương diện là giải đấu thành công của bóng đá nước nhà. Vẫn mong câu chuyện phong độ từ CLB lên ĐTQG của các cầu thủ càng ngày được cải thiện để ở những sân chơi tiếp theo, họ sẽ đá tốt “đều như vắt chanh”.

Trần Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm