Góc Hồng Ngọc: Chuyện bình luận bóng đá

27/06/2014 15:22 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Các bình luận viên bóng đá đặc biệt bận rộn trong những ngày World Cup. Khán giả không chỉ được bình luận về các pha dẫn bóng, ghi bàn trên màn ảnh tivi mà còn có cơ hội “chém gió” các bình luận viên. Cà phê thể  thao tuần này cũng “mượn gió” để “bẻ măng” với phê bình gia Hồng Ngọc.

Cà phê thể thao: Hình như chưa bao giờ nghe hay đọc anh phê phán đồng nghiệp trên truyền thông. Liệu có phải đây là đề tài cấm kỵ của anh?

Hồng Ngọc: Với tôi không có đề tài nào là cấm kỵ. Chỉ có điều nên nói và không nên nói, hoặc nói ở không gian, thời gian nào. Nguyên tắc cơ bản của tôi là tôn trọng đồng nghiệp, bằng việc tránh phê phán họ ở các không gian công cộng như truyền thông và cả mạng xã hội. Cuộc sống là muôn màu, với ta có thể chuẩn mực là như thế này, nhưng thực tế có thể khán giả lại chào đón một điều khác mới mẻ. Hoặc đôi khi chỉ là tỷ lệ, liều lượng của những thứ mà họ thể hiện.

Vậy nếu từ góc độ một khán giả,  quan điểm của về sản phẩm mà anh đang “tiêu thụ” ? Chẳng hạn chất lượng của các bình luận viên bóng đá VTV hiện lên hay xuống so với hơn 10 năm trước?

Chắc không phải là quan điểm cá nhân khi tôi nói rằng nó sa sút so với hơn 1 thập kỷ trước. Cuối thập kỷ 90, VTV đã cho ra đời một thế hệ bình luận viên bóng đá nổi trội về chất lượng, mà điển hình là Quang Huy, Quang Tùng. Long Vũ cũng rất đặc biệt theo một cách khác. Cùng thời với họ còn có một bình luận viên rất xuất sắc là Anh Ngọc bên truyền hình Hà Nội.

Sau Quang Huy, Quang Tùng và Long Vũ, có một khoảng trống rất lớn mà các anh để lại. Lấp đầy khoảng trống đó là không dễ dàng. Đầu tiên nó là sự ám ảnh tâm lý của khán giả về chuẩn mực mà những người đi trước đã tạo ra. Thứ hai là đặc điểm cơ chế và cách nhìn của chính nhà đài. Thứ ba là đặc điểm thế hệ và thời đại.

Hãy bắt đầu bằng điểm thứ nhất, tôi chưa hiểu ý anh?

Quang Huy, Quang Tùng là thế hệ bình luận viên đầu tiên có điều kiện xuất hiện hằng tuần để bình luận trực tiếp bóng đá đỉnh cao. Lợi thế đầu tiên và chất lượng của họ tạo ra chuẩn mực, và khán giả sẽ so sánh những người sau với chuẩn mực đó. Từ chất giọng, sự truyền cảm, sự lưu loát, sự chừng mực, và hiểu biết bóng đá. Quang Huy đi vào cảm xúc của người xem hơn, trong khi Quang Tùng sâu sắc về chuyên môn và nhạy cảm về chiến thuật hơn.

Không giống như vậy sẽ bị chê, đặc biệt với nền văn hóa của chúng ta thích chê điểm yếu hơn là khích lệ điểm tốt. Chỉ khi người sau có ưu điểm nổi trội đủ để tạo ra một sự ngưỡng mộ thì ám ảnh về chuẩn mực của người đi trước mới căn bản bị loại bỏ trong tâm thức khán giả. Nhưng VTV nói chung và các đài truyền hình Việt Nam nói chung chưa “khám phá” ra một bình luận viên mới nào như vậy.

Chúng ta không khó để nhận ra xu hướng tâm lý đó của người xem. Ai phê phán các bình luận viên hiện tại cũng đều lấy Quang Huy, Quang Tùng ra để so sánh.

Tôi có nghe nói VTV vẫn tổ chức những đợt tuyển chọn bình luận viên, và họ rất sẵn lòng đón nhận những bình luận viên giỏi hơn để thay thế những người hiện tại?

Tài năng là chất lượng và khác biệt. Chất lượng sinh ra từ sự nỗ lực lao động. Khác biệt sinh ra từ cá tính. Những con người tài năng cần nhận được sự tôn trọng về lao động và cá tính của họ. Để tìm người tài năng, thậm chí anh phải đi lùng lục, đi săn đón, mời mọc họ, chứ không phải ngồi chờ và nói “sẵn lòng đón nhận”. Và cả cách nhìn về bình luận viên bóng đá nữa cũng là một điều phải bàn. Phần lớn các cơ quan báo chí ở Việt Nam coi thể thao là lĩnh vực giải trí vô thưởng vô phạt, dành cho người mới vào nghề. Không ít đàn tuyển người dẫn chương trình, biên tập viên truyền hình để làm bình luận viên bóng đá, chứ không phải tuyển người am hiểu bóng đá và có năng khiếu diễn đạt để bình luận bóng đá.

Còn điều thứ ba, như cách anh nói là đặc điểm thế hệ và thời đại mang màu sắc triết lý quá. Anh có thể giải thích rõ hơn?

Những bình luận viên ưu tú mà tôi đề cập ở trên đều từng trải qua thời kỳ kinh tế khó khăn trong quá trình họ lớn lên và trưởng thành. Khó khăn thì phải lao động, và biết trân trọng những thành quả của lao động. Thế hệ sau họ chừng một thập kỷ lớn lên trong thời kỳ bùng nổ kinh tế, và người ta có thể giàu lên nhanh chóng từ buôn đất. Nó dẫn đến việc hạ thấp giá trị của lao động từ chính người lớn. Trẻ em thì được nuông chiều và chỉ lo học, học thêm và học thêm. Họ nghĩ mọi việc sẽ tuần tự đến một cách tự nhiên như thể sau lớp 1 là lớp 2 vậy, hết lớp 12 thì 99% tốt nghiệp vậy. Không sớm làm quen với lao động và đối diện với thử thách sẽ sinh ra sự lười biếng và thiếu ý chí. Trong thời kỳ bùng nổ kinh tế, ngay cả nước Nhật cũng sinh ra một thế hệ kém cỏi so với bản thân người Nhật, là chủ nhân của những “thập kỷ bị đánh mất”.

Sự bùng nổ của internet cũng sinh ra một thế hệ chú trọng thông tin hơn xử lý thông tin, và hủy hoại văn hóa đọc vốn còn rất yếu ở Việt Nam. Khi anh có thông tin, đó chỉ đơn thuần là biết mà chưa hiểu. Muốn hiểu phải suy nghĩ, phải liên tưởng, phải có kiến thức nền, và cần đến sự sâu lắng, một chút chậm rãi, thay vì ồn ào và tốc độ của thời đại internet. Mà anh cũng chỉ thật sự hiểu khi anh tham dự, chứ không phải chỉ đọc và dành thời gian “chém gió” trên mạng xã hội.

Tất nhiên vẫn luôn có những người thoát ra khỏi đặc trưng của thời đại, đó là những người lớn lên trong nền giáo dục gia đình chuẩn mực, những cá tính mạnh gần như dị thường, và các thiên tài. Nhưng sẽ không tìm ra họ nếu chỉ sử dụng thước đo của thời đại.

Nói thế thôi chứ mọi thứ cứ “chuẩn” như anh đang “chỉnh” thì chúng ta hàng tuần đi cà phê chỉ có cà phê chứ còn gì để nói !

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm