Giáo sư thể thao và cậu học trò bóng đá Việt

18/09/2015 14:19 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Khách của ông chủ quán cà phê tuần này là một chuyên gia bóng đá. Người ủng hộ qua điểm rằng với hiện trạng bóng đá Việt thì một HLV cỡ như Mourinho cũng chẳng thể giúp đội tuyển vô địch được Đông Nam Á.

+ Nếu nói như thế thì vai trò của HLV chẳng mang lại bất cứ giá trị gì cho bóng đá Việt Nam (BĐVN) sao?

- Có, các HLV họ luôn mang lại những giá trị nhất định, nhưng nói như thế là để phản ánh một thực trạng là BĐVN hiện có nhiều vấn đề như đào tạo trẻ vẫn còn bất cập, giải vô địch quốc gia kém chất lượng, và trình độ các cầu thủ ở trên đội tuyển gần đây không xuất sắc.

+ Đào tạo trẻ đúng là không tốt, nhưng không phải là bây giờ nó mới thế. Từ khi bóng đá chuyển lên chuyên nghiệp, doanh nghiệp hoá cách nay hơn chục năm thì nhiều nơi đã bỏ đào tạo trẻ rồi. Giải VĐQG kém chất lượng là một chuyện đã cũ rích. Chúng ta cũng đã được nghe về điều này trong nhiều năm, trong đó có giai đoạn 2007-2008, nhưng ông Calisto đã đưa đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008.

Còn trình độ các cầu thủ được tập trung ở đội tuyển không cao lại có thể phản ánh quan điểm dùng người của HLV. Một HLV trọng về thể lực, thể hình, chỉ quan tâm tới những tiền vệ có phong cách chơi mạnh mẽ thì dĩ nhiên đội tuyển không có đủ yếu tố kỹ thuật. Một HLV chỉ thích gọi các cầu thủ trẻ thì dĩ nhiên, đội tuyển sẽ có thừa tính chiến đấu, khát khao, nhưng tất yếu sẽ thiếu trải nghiệm, bản lĩnh.


Công tác đào tạo trẻ của BĐVN đã khác xưa nhưng chưa phải đã tốt.Ảnh: Thanh Hà

Thế nên tôi không tin vào cái mà chúng ta vẫn nghe là đội tuyển là bộ mặt của giải vô địch quốc gia. Đội tuyển ở hoàn cảnh này chỉ phản ánh triết lý, quan điểm xây dựng đội bóng, xây dựng lối chơi của HLV mà thôi.

- Chẳng hạn, tại sao ông HLV Miura lại tin dùng cặp tiền đạo của Than Quảng Ninh là Minh Tuấn và Mạc Hồng Quân trong khi Anh Đức mới là người chơi xuất sắc nhất ở giai đoạn trước khi đội tuyển Việt Nam đá với Đài Loan (TQ). Chuẩn mực đánh giá của ông Miura tôi không nói là có vấn đề, nhưng nó quá khác người, bởi Minh Tuấn chính là cầu thủ được ông ấy bầu chọn vào vị trí Quả bóng Vàng 2014, trong khi hai người được cho là xứng đáng và số đông cũng đã lựa chọn lại là Thành Lương và Văn Quyết.

Nhưng để giúp một đội tuyển mạnh thì trước hết nền móng nó phải khoẻ mạnh. Nhiều người ước mơ Việt Nam có HLV như Kiatisuk của Thái Lan, nhưng tay HLV đấy là ai? Đó chính là người đã thất bại ở HAGL trên cương vị HLV trưởng.

Trong khi ở Thái Lan, Kiatsuk thậm chí không cần phải dẫn dắt U23 thì nước này cũng giành được HCV SEA Games. Thế nên, một HLV tầm cỡ cũng chả giải quyết được gì cho đội tuyển. Một ông giáo sư thì không thể giúp một cậu bé tiểu học chậm phát triển.

+ Đó là so sánh khập khiễng. Trường hợp của HLV Calisto là ví dụ. Ông dẫn dắt một tập thể có chất lượng, nhưng vẫn thua kém so với Thái Lan, thậm chí không bằng cả Singapore. Nhưng nhờ lối chơi, tính toán chiến thuật mà đội tuyển thắng hai trận quyết định đều trên sân khách ở bán kết và chung kết AFF Cup. Rồi sau đó thì ông thất bại ở SEA Games 2009. Như vậy, có một HLV giỏi thì không có nghĩa là sẽ nâng cấp được đẳng cấp, cải thiện toàn bộ nền bóng đá. Nhưng để thắng được một giải đấu thì có.

- Thắng một giải đấu cũng chỉ là tư tưởng ăn xổi, bệnh thành tích. Đó chính là điều mà người hâm mộ các anh và truyền thông chỉ trích.


V-League chưa thể tạo nên sức bật cho cả nền bóng đá cũng như làm nên sức mạnh của đội tuyển quốc gia

+ Dĩ nhiên, mĩ mãn nhất là thắng nhiều giải đấu, thắng liên tục, và trên mọi cấp độ. Nhưng ngay cả khi chỉ thắng một giải đấu, nó vẫn có thể tạo ra các cú hích để phát triển ở các mảng khác của một nền bóng đá. Chẳng hạn, HLV Calisto còn là thầy của rất nhiều HLV đang thành công ở Việt Nam hiện tại, như Phan Thanh Hùng (vô địch V-League), như Đức Thắng (vô địch hạng Nhất).

Còn HLV Miura, tôi e là sẽ không thể là hình mẫu để một HLV nào đó học hỏi và thành công. Việc so sánh với hình ảnh giáo sư thì chưa chắc gõ đầu trẻ giỏi hơn một cô giáo tốt nghiệp cao đẳng cũng chỉ là sự võ đoán. Ở Việt Nam chúng ta chỉ có cử nhân đi dạy tiểu học. Nhưng ở nhiều nơi, như Mỹ, các giáo viên tiểu học được khuyến khích lấy bằng Thạc sĩ.

Với bóng đá, đó có thể đúc kết từ cái chủ nghĩa kinh nghiệm mà ra, khi có nhiều HLV chủ yếu huấn luyện, tổ chức trận đấu theo kinh nghiệm của họ tích luỹ, trong khi một HLV tài năng, đẳng cấp thế giới họ có thể có các phương pháp huấn luyện hiện đại, và áp dụng các công nghệ khoa học vào công việc của mình.

- Tôi hiểu là ý ông chủ quán muốn được thấy HLV Miura ra đi và BĐVN tìm một HLV giỏi hơn, đúng không? Nhưng cách đây 1 năm, rất nhiều người đã nức nở khen ông ấy.

+ Hôm nay khen không có nghĩa sau này không được phép chỉ ra những hạn chế khi mà một HLV nào đó bộc lộ. Chúng ta nên nhớ rằng bóng đá, từ cầu thủ tới HLV, đều bị chi phối bởi sức ép. Sức ép là một công cụ hỗ trợ đánh giá đẳng cấp. Một năm trước, anh không có sức ép nào nên anh và các cầu thủ chơi tốt.

Còn kỳ vọng tạo sức ép và nếu không vượt qua tức là anh có hạn chế. Việc anh gần như bê nguyên một đội hình của cách đây một năm đã đá ở AFF Cup để dùng cho vòng loại World Cup nếu như họ vẫn giữ được phong độ thì sẽ có sự ăn ý, ổn định, nhưng khi họ sa sút thì tức là anh trì trệ, bảo thủ.

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm