Đào tạo trẻ cần phải được phát triển đồng bộ

18/05/2018 13:28 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - “Cơ trưởng” các HLV Học viện đào tạo trẻ PVF, đương kim HLV trưởng đội tuyển U19 Việt Nam chuẩn bị VCK U19 châu Á 2018, Hoàng Anh Tuấn, và HLV trưởng XSKT Cần Thơ – Đinh Hồng Vinh, một cựu chuyên gia đào tạo trẻ HAGL, là những khách mời của Thể thao & Văn hóa tuần này.

Bằng những kinh nghiệm và cảm nhận, với tất cả những gì đã và đang diễn ra trong lòng bóng đá Việt Nam, họ đã có những chia sẻ thú vị. Thẳng, thật và không lòng vòng.

* Thể thao & Văn hóa: Thưa HLV Hoàng Anh Tuấn, ông đã từng nhiều năm huấn luyện bóng đá chuyên nghiệp, từ K.Khánh Hòa đến Hải Phòng, rồi được biết đến như HLV đầu tiên đưa bóng đá trẻ Việt Nam đi World Cup 2017. Trong khi đó, HLV Đinh Hồng Vinh vốn quen gõ đầu trẻ, nhưng lại đang đạt được những thành công bước đầu với XSKT Cần Thơ ở V-League 2018. Các ông có một đánh giá sơ bộ nào về bức tranh toàn cảnh bóng đá trẻ của bóng đá Việt Nam không?

Chú thích ảnh

- HLV Hoàng Anh Tuấn: Trong những năm gần đây, đầu tư vào đào tạo trẻ rất tốt, từ các CLB đến các Học viện, rồi Trung tâm… Mới đầu là HAGL, sau đó là Viettel, PVF, tất nhiên, phải kể đến Hà Nội FC. Thành công bắt đầu từ CLB bóng đá Hà Nội, với Quang Hải, Văn Hậu… đã khẳng định mình ở đấu trường V-League, điều mà ngay cả những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn…, lúc này vẫn đang đi tìm.

Chúng ta phải duy trì điểm mạnh trong đào tạo trẻ, để có lớp kế cận. Có nhiều Trung tâm hơn, số lượng cầu thủ trẻ được đào bài bản nhiều hơn, thì chúng ta sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Ngoài ra, phải tạo ra một hệ thống lịch thi đấu hợp lý để các cầu thủ trẻ có nhiều cơ hội cọ xát hơn, thì họ sẽ tiến bộ hơn. Ngoài hệ thống các giải bóng đá trẻ QG, tại sao chúng ta không thể tổ chức các giải đấu song song với giải chuyên nghiệp dành cho cầu thủ trẻ, rồi giải giao hữu mời các đội bóng nước ngoài?

Chú thích ảnh

Nếu mình có một hệ thống thi đấu bài bản, cơ hội cho bóng đá trẻ Việt Nam sẽ lớn hơn. Bên cạnh công tác đào tạo, cầu thủ trẻ cần được thi đấu, được đối đầu với các đối thủ mạnh ở giải quốc tế, để tăng kinh nghiệm và học hỏi, từ đó sẽ thúc đẩy sự phát triển về lâu dài. Muốn có điều này, thì Liên đoàn và các CLB phải cùng chung tay với nhau, chứ một tay sao vỗ nên kêu!

- HLV Đinh Hồng Vinh: Trước khi Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG nổi lên như một hình mẫu lý tưởng về công thức đào tạo (ngoại) và cả các vấn đề về dinh dưỡng, chất lượng đầu ra, bóng đá Việt Nam đã từng biết đến một phân xưởng khổng lồ trong đào tạo trẻ là SLNA. Nhưng, một mình SLNA cũng như HAGL sau này, không thể “cân” cả nền bóng đá, nâng cấp tham vọng và tiến tới sự tự cường. Tôi cho rằng, sự ra đời của PVF, Viettel hay Hà Nội FC, là những sự bổ sung cần thiết. Những lò đào tạo đặt nền móng cho nền bóng đá.

Từ U19 Việt Nam lọt vào bán kết AFC U19, đến U20 đi World Cup, rồi U23 Việt Nam tạo cơn đại địa chấn tại Thường Châu, Trung Quốc hồi tháng 1/2018, đã chứng minh cho cả thế giới thấy chất lượng đào tạo trẻ Việt Nam là không tồi. Chúng ta cần tiếp tục phát huy điều này, để nâng cấp các ĐTQG và xa hơn là nền bóng đá, cũng như các giải đấu.

Chú thích ảnh

Mỗi lò đào tạo hay Học viện bóng đá, đều có tiêu chí khác nhau để theo đuổi. Công thức ngoại của HAGL thực sự ưu việt, nhưng tôi cho rằng vẫn cần phải có những điều chỉnh. Ví như sau này, Hà Nội và Viettel, cũng như VPF đặc biệt chú ý đến vấn đề hình thể của cầu thủ ở đầu vào. Đây là chi tiết quan trọng cần phải tính tới, bởi bóng đá là môn thể thao nặng tính đối kháng. Thế giới đã đi trước mình hàng nhiều chục năm, và họ không chọn những cầu thủ nhỏ con, rồi mới nâng cấp bằng dinh dưỡng. Tất nhiên là ngoại trừ những cầu thủ quá đặc biệt, như Messi thì không tính làm gì rồi.

Chú thích ảnh
Các cầu thủ U23 Việt Nam đến từ nhiều trung tâm đạo tạo có chất lượng, đã trưởng thành và cọ xát quốc tế rất nhiều. Ảnh: Tuấn Phong

* Thể thao & Văn hóa: Bóng đá trẻ và bóng đá người lớn là những phạm trù không giống nhau. Thực tế, không hiếm những tài năng trẻ không thể thích nghi với môi trường chuyên nghiệp. Nhiều cầu thủ bị thui chột vì nhiều lý do khác nhau, không kể chấn thương. Tôi cho rằng, tính kế thừa và một môi trường bóng đá chuyên nghiệp được tạo ra, là điều mà chúng ta còn thiếu. Bản thân các ông cũng từng kinh qua nhiều cấp độ, có thể đưa ra kiến giải không?

- HLV Hoàng Anh Tuấn: Trước đây, tôi từng nói là bóng đá trẻ Việt Nam so với khu vực và châu lục là không kém. Vấn đề khi phát triển đến ĐTQG là cả một quá trình. Bóng đá Việt Nam có đào tạo tốt, các cấp độ giải đấu trẻ khu vực, không thua kém bao nhiêu.

Cấp độ trẻ đặt mục tiêu châu lục là hợp lý, nhưng tầm ĐTQG thì khó. Tại sao? Nhìn một cách tổng quan, dáng dấp một nền bóng đá chuyên nghiệp, V-League đang có những cải thiện, nhưng chưa phải môi trường – đầu ra lý tưởng, khi nền bóng đá chưa đủ năng lực xuất khẩu cầu thủ. Về mặt cơ bản, bóng đá muốn chơi tốt, hay đẹp, thì mặt sân phải đẹp. Trận tứ kết lượt về Cúp quốc gia giữa Hà Nội FC và HAGL, mặt sân tuyệt vời. Hiệu ứng khán giả, chất lượng trận đấu, kéo theo nhiều thứ khác nữa. Tôi nghĩ rằng, đây là tương lai của bóng đá Việt Nam, cần phát huy.

HLV Park Hang Seo tráo số áo của Bùi Tiến Dũng, 'Messi Hà Tĩnh' gia nhập PVF

HLV Park Hang Seo tráo số áo của Bùi Tiến Dũng, 'Messi Hà Tĩnh' gia nhập PVF

HLV Park Hang Seo tráo số áo của Bùi Tiến Dũng, “Messi Hà Tĩnh” gia nhập PVF là những thông tin chính bóng đá Việt ngày 27/3.

Tố chất cầu thủ bóng đá Việt Nam nhanh nhẹn, kỹ thuật và có tư duy. Được tập luyện và chơi trên mặt cỏ đẹp, họ sẽ còn tiến bộ nữa. Đây là thứ bóng đá mà chúng ta cần hướng tới. Tôi hy vọng, chất lượng các trận đấu như thế này sẽ được duy trì và phát triển ở nhiều địa phương như SLNA, Đà Nẵng, Bình Dương… Chúng ta cần tiến tới sự đồng bộ, theo một quy chuẩn.

- HLV Đinh Hồng Vinh: Trong những năm làm đào tạo trẻ ở HAGL, cũng như cộng tác với các đội tuyển trẻ quốc gia, được làm việc với các chuyên gia hàng đầu như Jurgen Gede, tôi nhận thấy rằng, bóng đá trẻ Việt Nam rất tiềm năng.

Bằng với những kinh nghiệm, va đập, tôi không bỡ ngỡ khi bước lên vũ đài chuyên nghiệp, “cầm” XSKT Cần Thơ. V-League là một môi trường cạnh tranh khốc liệt. Nhưng, tôi cảm thấy may mắn khi tại Cần Thơ, các cầu thủ chia sẻ với nhau và chia sẻ với tôi. Đây là một gia đình. Cần Thơ đang thiếu khâu đào tạo trẻ, nhưng tôi cũng kịp tiến cử Ngô Tùng Quốc, hậu vệ biên phải, cho các đội tuyển trẻ quốc gia. Đây là một cầu thủ trẻ có tố chất và có thể phát triển lên tầm cao. Cần Thơ hiện nay không có cầu thủ ngôi sao, các bạn bảo nhau thi đấu, tinh thần thế là rất tốt. Đây là yếu tố cơ bản, cho thành tích của XSKT Cần Thơ kể từ đầu mùa.

HLV Hoàng Anh Tuấn:

“Biến hiện tượng trở thành bản chất, cần thời gian”

Ngược thời gian trước 2014, hiệu ứng lớn đến đâu, nhưng sau 4 năm sau lứa U19 HAGL nằm ở đâu thì chúng ta cần một đánh giá chuẩn mực. Từ U16 vô địch Đông Nam Á, đến U19 vào bán kết giải châu Á, rồi U20 đi World Cup, U23 Việt Nam giành quyền chơi trận đấu cuối cùng VCK U23 châu Á 2018, sau khi vượt qua hàng loạt đối thủ mạnh…, tất cả không tự nhiên đến. Nhưng, chúng ta vào đến trận chung kết VCK U23 châu Á thì không có nghĩa là nền bóng đá Việt Nam đã ở tốp đầu châu lục. Khi có những hiệu ứng đó và có thêm nhiều các trận tứ kết giữa HAGL và Hà Nội FC, chúng ta sẽ nhìn thấy tương lai.

Vài năm trước, Hà Nội FC đá trên sân nhà vắng khán giả, mặc dù họ là nhà vô địch hoặc á quân. Nhưng lúc này thì khác, gần 20 ngàn khán giả là một con số mơ ước của bóng đá chuyên nghiệp.

Chúng ta chưa có một giải VĐQG mạnh, giàu tính cạnh tranh, nhưng so với trước đây, đấy cũng là tiến bộ rồi. Nhưng để tiến tới một nền bóng đá tự cường, xây dựng và phát triển một ĐTQG mạnh, giàu năng lực chinh phục, thì bóng đá Việt Nam phải xuất khẩu được cầu thủ. Châu Âu thì xa xỉ, nhưng mặt bằng các giải bóng đá ở các quốc gia châu Á là hoàn toàn có thể.

Nếu tiếp tục phát huy được những lợi điểm, chúng ta sẽ đứng được ở ngưỡng trung bình khá ở châu lục, về năng lực cạnh tranh trong tương lai gần. Đừng vội mà nghĩ rằng mình có thể chen chân vào tốp của Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia… Họ đi trước chúng ta nhiều chục năm rồi.

Ví như ở giải U19 Đông Nam Á vào tháng 7/2018 tới đây, thực sự là một cữ dượt tốt. Chúng ta sẽ không thể tập trung những cầu thủ tốt nhất, nhưng đó là cơ hội cho những nhân tố mới. Năm 2016 chúng ta vào bán kết, 2017 đi World Cup, năm nay nếu lọt vào Top 8 đội mạnh nhất châu lục, đấy là duy trì sự ổn định, là tốt, đấy là tương lai. Sân chơi châu lục là thước đo với bóng đá trẻ Việt Nam, trong vài năm qua, nhưng với cấp độ ĐTQG, thì chúng ta không thể vội. Cần phải có lộ trình.

TÙY PHONG (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm